|
Ngày 5/6, sáu nước trong GCC, gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập, Libya, Yemen cùng hai quốc gia khác là Mauritani và Maldives tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.
Nguyên nhân chính thức được đưa ra là do Qatar đã có những hành động ủng hộ các tổ chức khủng bố như Anh em Hồi giáo.
|
Tuy nhiên, theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai, đó chỉ là bề nổi của vấn đề. Quan hệ giữa các quốc gia này với Qatar đã có những mâu thuẫn âm ỉ từ lâu, bắt nguồn từ chính sách đối ngoại có phần khác biệt của Qatar trong khu vực, đặc biệt là với Iran.
Chính tuyên bố “đi ngược đám đông” của Quốc Vương Qatar trong chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua đã trở thành cái cớ hoàn hảo cho các quốc gia vùng Vịnh trên thực hiện ý định răn đe của mình.
Khác biệt chính sách
Trong bài phát biểu trước đại diện các quốc gia Hồi giáo tại Saudi Arabia hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi thành lập liên minh chống khủng bố của các nước Arab, nhưng thực chất nhằm ngăn chặn và hạn chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Tuy nhiên, Qatar là một trong số những nước hiếm hoi không đồng tình với lời kêu gọi của ông Trump, khi nước này nằm trong số ít các quốc gia vùng Vịnh duy trì quan hệ tốt với Iran. Trong khi đó, hầu hết những nước tham gia cấm vận và trừng phạt Qatar đều bất hòa với Iran.
Mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Saudi Arabia và Iran xuất phát từ xung đột lâu đời giữa hai cộng đồng tôn giáo Sunni và Shiite.
Hiện nay, Dubai đang có tranh chấp về ba hòn đảo ở vùng Vịnh với Tehran. Trong khi đó, Bahrain - quốc gia có phần lớn dân số là người Shiite, từng tố cáo Iran nhúng tay vào cuộc đảo chính năm 2010 tại quốc gia này.
Chính quyền Cairo bất mãn với việc Qatar vẫn duy trì lập trường ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo của cựu Tổng thống Mohamed Morsi, vốn bị Ai Cập liệt vào danh sách khủng bố.
Trong bối cảnh đó, Đại sứ Nguyễn Quang Khai nhấn mạnh, căng thẳng giữa các quốc gia Arab vùng Vịnh và Qatar đến từ sự khác biệt trong chính sách đối ngoại với Iran. Tuy nhiên, Doha dường như đã lường trước được cuộc cấm vận này và đã có những bước đi chiến lược để phá thế bao vây.
Nước cờ khôn khéo
Qatar là quốc gia nhỏ, diện tích chưa đầy 1.000km2 với 2 triệu dân, nhưng lại là nước xuất khẩu dầu và đứng đầu thế giới về trữ lượng và sản lượng khí đốt, với thu nhập bình quân đầu người lên tới 140.000 USD/năm.
Ý thức được các nguy cơ nhắm vào nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của mình, Doha đã theo đuổi chính sách đối ngoại khôn khéo, xây dựng quan hệ ngoại giao với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ…
Hiện căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông, Al Udeid, đóng ở Qatar, với 11.000 quân và 120 máy bay các loại. Qatar cũng đầu tư nhiều tỷ USD vào các dự án của Nga ở khu vực miền Đông Ukraine, đồng thời có quan hệ hợp tác với các tập đoàn dầu khí Gazprom, Rosneft.
Đối với Iran, Doha và Tehran đã ký kết một hiệp định an ninh và quốc phòng năm 2014. Trong khi Doha muốn tận dụng Tehran để làm chỗ dựa, Iran lại muốn tranh thủ Qatar để xây dựng ảnh hưởng trong khu vực.
Do đó, Qatar không muốn gây căng thẳng với Iran, đồng thời chủ trương kêu gọi các nước trong GCC giải quyết mâu thuẫn với Tehran thông qua đối thoại hòa bình. Tuy nhiên, điều này đi ngược lại chính sách đối địch với Iran của các quốc gia GCC.
Trong lúc bị bao vây cấm vận, chính sách ngoại giao khôn khéo của Qatar đã phát huy tác dụng. Ngay sau khi các quốc gia vùng Vịnh tuyên bố cấm vận Qatar, các nước có quan hệ tốt với Qatar đã lên tiếng.
Đáng chú ý, Mỹ cũng tỏ rõ lập trường đứng về phía Qatar: ngày 5/6, Ngoại trưởng Rex Tillerson kêu gọi các quốc gia GCC bình tĩnh và ngừng gây sức ép đối với Doha. Bên cạnh Mỹ và Iran, Ngoại trưởng Đức Frank Walter-Steinmeyer và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng thuyết phục các nước GCC từ bỏ cấm vận.
Hại người, hại mình
Tuy nhiên, theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai, những diễn biến nói trên không có nghĩa Qatar không phải chịu những tổn thất nặng nề về nhiều mặt, đặc biệt là kinh tế.
Trên thực tế, Doha có quan hệ thương mại sâu sắc với Riyadh: trung bình có 800 xe tải lưu thông qua biên giới Saudi Arabia tới Qatar mỗi ngày, cung cấp các mặt hàng cần thiết cho sinh hoạt. Việc Saudi Arabia đóng cửa biên giới đã gây ra tình trạng mất ổn định tại một số khu vực ở Qatar, khi người dân đổ xô đi tích trữ các nhu yếu phẩm, đề phòng tình trạng cấm vận kéo dài.
Bên cạnh đó, ngành du lịch Qatar có thể sẽ thiệt hại nặng nề khi sân bay Doha đón tới 37 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Lệnh cấm vận toàn diện sẽ tác động mạnh tới kế hoạch chuẩn bị đăng cai World Cup 2020 của Qatar.
Đáng lo ngại hơn, không loại trừ khả năng Ai Cập sẽ gia tăng sức ép lên Qatar bằng cách ngăn cản, không cho các tàu chở dầu và khí đốt tới châu Âu của Doha đi qua kênh đào Suez. Đây sẽ là đòn chí mạng vào nền kinh tế của Qatar - một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt.
Dẫu vậy, các nước Arab tham gia cấm vận Qatar cũng phải chịu những thiệt hại nhất định, đặc biệt là về mặt uy tín. Bên cạnh những tổn thất kinh tế, việc quay lưng và trừng phạt một quốc gia anh em sẽ gây mất đoàn kết nội bộ giữa các nước GCC. Ngoài ra, uy tín của GCC trên trường quốc tế sẽ giảm sút rõ rệt khi nhiều nước, trong đó có các cường quốc như Mỹ và Nga, đều không tán thành biện pháp của các quốc gia trong GCC.
Cần hành động thiện chí
Năm 2014, các nước Saudi Arabia, UAE và Bahrain từng cáo buộc Qatar ủng hộ khủng bố và rút đại sứ của mình về nước. Phải 6 đến 8 tháng sau, quan hệ hai bên mới bình thường trở lại.
Trong tình hình hiện nay, nhiều khả năng cuộc khủng hoảng giữa Qatar và các nước láng giềng sẽ còn kéo dài. Tuy nhiên, các bên vẫn có triển vọng chấm dứt căng thẳng và nối lại quan hệ.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai nhận định, bên cạnh mối quan hệ tốt với Qatar, cả Mỹ và Nga đều có nhiều lợi ích và tham gia giải quyết nhiều vấn đề trong khu vực như chống khủng bố và khủng hoảng tại Syria. Do đó, hai cường quốc này đều mong những bất đồng nội bộ giữa Qatar và các nước GCC sớm được giải quyết.
Ngoài ra, nhiều quốc gia trong khu vực - nổi bật là Kuwait, Oman và Thổ Nhĩ Kỳ, bày tỏ mong muốn làm trung gian hòa giải cho hai bên.
Về phần mình, Qatar đã thể hiện nỗ lực làm hòa với các quốc gia GCC, đặc biệt là Ai Cập, khi ra lệnh trục xuất đại diện của tổ chức Anh em Hồi giáo. Nhiều người hy vọng Qatar sẽ tiếp tục có những bước đi ngoại giao để chấm dứt căng thẳng với các nước GCC.
Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai, để giải quyết cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh hiện nay, các bên liên quan, đặc biệt là các nước tham gia cấm vận và Qatar cần có những hành động mang tính thiện chí. Trong đó, hai bên cần tổ chức gặp gỡ với sự tham dự của đại diện các nước trung gian, cũng như các cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn như Nga và Mỹ, để đàm phán và chấm dứt căng thẳng.
(*) Ông Nguyễn Quang Khai là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Iraq, Jordan, Yemen, Lebanon và UAE.
Theo Thế giới & Việt Nam