Sáng 8.6, bác sĩ Hoàng Đình Khiếu - Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình trực tiếp lên BV Bạch Mai đón 10 bệnh nhân về Hòa Bình. Chia sẻ với báo chí về vai trò của hệ thống nước trong quá trình chạy thận, ông Khiếu cho biết: "Hệ thống nước lọc dùng để hòa vào các hóa chất, đưa ra nồng độ để thẩm tách chất độc, chất dư thừa, thẩm tách nước ra khỏi cơ thể người bệnh. Nguồn nước ô nhiễm khả năng sẽ gây nhiễm độc cho người bệnh".
Tại Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) luôn có gần 100 máy chạy thận, với công suất 4 ca/ngày để lọc máu chu kỳ cho hơn 600 bệnh nhân. Theo TS Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng Khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai) cho biết, quy trình chạy thận nhân tạo có vài chục công đoạn: Chuẩn bị nước, quả lọc, chuẩn bị bệnh nhân... khâu nào cũng phải hết sức cẩn trọng. Tuy nhiên, chạy thận nhân tạo rất dễ xảy ra biến chứng.
"Có khoảng 20 biến chứng có thể xảy ra trong quá trình lọc máu và biến chứng nào cũng nghiêm trọng, xảy ra rất nhanh nếu cấp cứu không kịp thì bệnh nhân rất có thể tử vong. Do đó, các bác sĩ phải theo dõi sát sao bệnh nhân trong suốt 3-4 tiếng lọc máu"- TS Dũng nhận định.
Bệnh nhân chạy thận tại BV Bạch Mai luôn được giám sát chặt chẽ. |
Vì thế, tại BV Bạch Mai, cứ 6 máy lại có 1 nhân viên y tế thay phiên nhau giám sát, túc trực. Khoa Thận Nhân tạo là khoa duy nhất của BV Bạch Mai không có khái niệm “ngày nghỉ”, kể cả lễ, Tết.
Do thận của bệnh nhân không còn làm việc nên chạy thận nhân tạo, nói đơn giản là việc “rút máu” từ cơ thể bệnh nhân để lọc hết chất độc, sau đó lại bơm máu trở lại. Hệ thống lọc máu là một vòng tuần hoàn, gồm kim ra và kim vào. Máu từ đường ra sẽ qua màng lọc với chất thẩm tách (gồm nước siêu tinh khiết và chất điện giải) để lọc sạch máu và nước dư thừa. Máu sau khi lọc sạch sẽ được truyền dẫn trở lại cơ thể.
TS Dũng khẳng định, chất lượng nước được sử dụng cho chạy thận rất quan trọng, cần phải giám sát chặt chẽ. Loại nước này gần giống như nước cất với tỷ lệ vô trùng rất cao. Có tới 21 chỉ số lý hóa cần kiểm soát trong nước dùng cho chạy thận. Để tạo nước siêu tinh khiết cần qua nhiều công đoạn: Lọc thô và lọc tinh, qua cát, than hoạt, lọc mềm... Nếu hệ thống nước bị nhiễm bẩn do vi khuẩn, tạp chất vì không được lọc kỹ thì bệnh nhân chạy thận có thể bị sốc phản vệ.
Chỉ cần một chút tạp chất trong nước là bệnh nhân chạy thận có thể bị tai biến (Khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Bạch Mai) |
Trước đó, TS Nguyễn Cao Luận - nguyên Trưởng khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, việc xảy ra tai biến “chùm” trong chạy thận nhân tạo như vậy ông chưa từng gặp trong 40 năm làm chuyên môn. TS Luận cũng đặt ra nghi vấn, nếu để xảy ra tai biến cùng lúc nhiều người như vậy thì phải xem xét ngay hệ thông nước dùng trong chạy thận có đảm bảo hay không, việc vệ sinh quả lọc có được sạch sẽ, không dính hóa chất hay không?
Theo TS Luận, dịch pha hóa chất dùng trong quá trình chạy thận phải là nước đặc biệt, 95% là nước chưng cất. Nếu nước xử lý không tốt hoặc chất lượng dịch không đảm bảo sẽ khiến nhiều bệnh nhân gặp biến chứng. Và trong suốt quá trình chạy thận 3-4 tiếng đều phải có nhân viên y tế giám sát chặt chẽ. Nếu bệnh nhân có biểu hiện bất thường thì đều phải ngưng lọc máu và cấp cứu ngay.
Theo Dân Việt