Giam 114 bằng Tổ quốc ghi công: Tiền hỗ trợ đi đâu?

Thứ năm, 08/06/2017, 14:49
114 giấy chứng nhận có công các loại vừa phát hiện được ký từ năm 1975 – 2002 nhưng chưa được trao cho các gia đình.

Việc 114 giấy chứng nhận có công các loại được ký từ năm 1975 – 2002 nhưng chưa được trao cho các gia đình tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn (An Giang) đang gây bức xúc trong dư luận nhiều ngày qua.

Trao đổi với PV chiều tối 7/6, ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) cho biết, bà đã nhận được thông tin vụ việc. Theo nữ ĐBQH, tỉnh An Giang cũng đang ráo riết làm việc để giải quyết vụ việc này.

''Quan điểm của địa phương đối với người có công trước giờ luôn quan tâm chia sẻ, kể cả lãnh đạo tỉnh hay trực tiếp ở đây là Sở Lao động Thương binh và Xã Hội. Vụ việc xảy ra tại thị trấn Ba Chúc là một sai sót không đáng có.

Sau khi biết được vấn đề này thì UBND tỉnh cũng xử lý khẩn trương trên tinh thần là rõ ràng, nhanh chóng kịp thời, giải quyết thỏa đáng.

Một Phó chủ tịch tỉnh đã lập đoàn trực tiếp đi kiểm tra, giải quyết vụ việc dựa trên cơ sở pháp luật hiện hành để làm sao đảm bảo được quyền lợi cho những đối tượng chính sách, những người có công với đất nước'', bà Tuyết nhấn mạnh.

Chiếc tủ chứa 114 giấy chứng nhận có công.

Trước đó, trong một lần sắp xếp lại vị trí làm việc và di chuyển bàn ghế, tủ đựng hồ sơ thì ông Phạm Văn Thành phát hiện trong tủ của ông Nguyễn Minh Son – cán bộ lao động thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) thị trấn Ba Chúc (đã mất) có rất nhiều huân, huy chương, bằng Tổ quốc ghi công…

Có tổng cộng 114 giấy chứng nhận, trong đó có 34 Huân chương kháng chiến (HCKC), 18 Huy chương kháng chiến, 12 Huân chương quyết thắng (HCQT), 7 Huân chương chiến sĩ vẻ vang (HCCSVV), 27 bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT), 10 bằng Tổ quốc ghi công (TQGC) và 6 bằng khen của UBND tỉnh.

Đáng chú ý, 114 giấy chứng nhận có công các loại vừa phát hiện được ký từ năm 1975 – 2002 nhưng chưa được trao cho các gia đình. Khi tiến hành cấp phát đa phần những người liên quan đã chết. Đến thời điểm hiện tại chỉ có 52/114 bằng được cấp, còn lại 62 bằng vẫn vô chủ do sai tên và không tìm được địa chỉ gia đình người có công.

Nói về sự việc hy hữu này với Công an TP.HCM, ông Bùi Công Bằng – Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang - cho biết: ''Trước những dư luận đặt ra Sở sẽ cho kiểm tra và thanh tra lại để làm rõ nhằm xác định có tiêu cực hay không.

Với góc độ là đơn vị quản lý nhà nước Sở có thiếu sót trong việc này. Mặc dù hàng năm Sở có tổ chức thanh tra nhưng cũng chỉ dừng lại ở cấp phòng, còn cơ sở là lo địa phương làm. Hướng tới Sở sẽ ra văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, kiểm tra ở cơ sở''.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lan Phương - Trưởng phòng Người có công thuộc Sở LĐ-TB&XH An Giang cho hay, sau năm 1995 các trường hợp có hồ sơ được cấp bằng TQGC được giải quyết chế độ ưu đãi.

Hiện có 5 trường hợp đã cấp bằng xuống thị trấn nhưng đến nay vẫn chưa có người nhận bằng. Nhiều người thắc mắc rằng, số tiền trợ cấp của số bằng trên đã đi đâu. Ngoài ra, việc hàng chục giấy chứng nhận vô chủ tại sao được cất giữ nhiều năm cũng cần được làm rõ.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn