Nga khai "phải thuê vệ sĩ bảo vệ vì bị Mỹ đe dọa"

Thứ năm, 29/06/2017, 10:19
Sau 5 ngày xét hỏi, tòa cho biết có nhiều tình tiết mới, cần làm rõ xem có việc vi phạm pháp luật hay không nên vẫn tiếp tục xét hỏi. Tại tòa, Nga khai "phải thuê vệ sĩ bảo vệ vì bị Mỹ đe dọa".

Hoa hậu Phương Nga trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho ông Cao Toàn Mỹ

"Điều tra viên dọa treo tôi lên nếu cứ im lặng"

Trong quá trình điều tra lại, cơ quan điều tra cho bị cáo đối chất với bà Nguyễn Mai Phương, có sự chứng kiến của luật sư bị cáo, tuy nhiên bị cáo Nga vẫn im lặng.

Lý giải nguyên nhân, bị cáo Nga cho rằng Viện Kiểm sát có dấu hiệu mớm cung cho bà Phương nên bị cáo đã im lặng.

Bị cáo Nga cũng khai “bị điều tra viên dọa dẫm, mớm cung, bảo tại sao cứ im lặng mãi thế? Nếu cứ im lặng sẽ treo lên, cho đứng một chân như Chúa Jesu, biết Chúa đứng thế nào không?”...

Trả lời thẩm vấn luật sư của mình, ông Cao Toàn Mỹ phủ nhận lời khai của nhân chứng Lữ Minh Nghĩa trước đó.

Ông Mỹ cho rằng Lữ Minh Nghĩa biết lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra và nhiều lần nhắn lại cho ông biết.

Ông Cao Toàn Mỹ tại buổi xét xử sáng 29-6

“Vai trò tiếp xúc của tôi không thể cao hơn ông Lữ Minh Nghĩa. Ông Nghĩa khoe với tôi ông ấy có thư nilon từ trại giam đưa ra. Bản thân ông ấy là người trực tiếp đi giao dịch. Mỗi lá thư đưa ra ông ấy phải trả 5 triệu đồng.

Tôi chưa được nhìn thấy các lá thư. Trong giai đoạn này ông Nghĩa muốn khẳng định vai trò của mình trong việc dàn xếp giữa các bên” - ông Mỹ khai.

Trước đó ông Nghĩa khai ông nhận được thư nilon là do bà Nguyễn Mai Phương cho tiếp xúc với một cán bộ công an.

Cao Toàn Mỹ cũng khai không gây áp lực cho Lữ Minh Nghĩa như Nghĩa khai trước tòa, “nếu ông Nghĩa bảo tôi gây áp lực thì phải có chứng cứ”.

Luật sư bào chữa cho ông Cao Toàn Mỹ cho Phương Nga xem biên bản

Luật sư bào chữa cho ông Cao Toàn Mỹ chất vấn Phương Nga

Thùy Dung: "Điều tra viên Tùng bảo khai thế để nhanh kết thúc vụ án"

Trả lời chất vấn của luật sư Trần Thu Nam, bị cáo Thùy Dung tiếp tục khai điều tra viên tên Nguyễn Thanh Tùng đã hướng dẫn bị cáo khai tại cơ quan điều tra.

Ở cơ quan điều tra, Dung khai 2,5 tỉ đồng trong tài khoản là tiền được Phương Nga chia sau khi lừa được của ông Cao Toàn Mỹ. Tuy nhiên tại tòa, bị cáo Dung cho rằng đây là tiền kinh doanh mỹ phẩm của bị cáo.

Bị cáo Thùy Dung trả lời HĐXX tại phiên tòa sáng 29-6

Dung nói bị cáo khai khác đi tại cơ quan điều tra vì điều tra viên Tùng bảo khai như như thế để nhanh kết thúc vụ án.

“Bị cáo chịu áp lực rất lớn của cơ quan điều tra. Trong lòng bị cáo tin luật sư bị của mình nhưng vì chịu áp lực, muốn kết thúc vụ án nên bị cáo nghe theo điều tra viên”, Dung nói.

Dung cũng xin tòa cho mình chứng minh mình bị áp lực tại cơ quan điều tra ra sao: “Lời khai của bị cáo trong các bản cung giống nhau từng chi tiết, giống nhau đến từng dấu chấm, dấu phẩy, chuyển tiền lúc nào, mua nhà kết cấu nhà ra sao…lần hỏi cung sau cứ chi tiết hơn lần hỏi cung trước. Nếu không được hướng dẫn, làm sao bị cáo nhớ được chi tiết như thế?”.

Trước đó, luật sư Trần Thu Nam (bảo vệ cho ông Cao Toàn Mỹ) đã tiếp tục xét hỏi bị cáo Phương Nga.

Trong phần trả lời luật sư Nam, Phương Nga tỏ ra gay gắt và chất vấn, đối đáp với luật sư. Theo bị cáo Nga, mục đích của bị cáo khi nhờ người giúp việc nhờ làm con dấu giả có nội dung “đã đọc và đồng ý” là do bà Mai Phương bảo làm.

Ông Mỹ đã nhiều lần đe dọa bị cáo trực tiếp và gián tiếp, sau đó bị cáo phải đến công ty thuê vệ sĩ để bảo vệ. Sau đó bị cáo thấy không tin tưởng vệ sĩ, có một người bạn khuyên Nga nên thuê xã hội đen để bảo vệ mình chứ không phải để dằn vặt Cao Toàn Mỹ.

Hoa hậu Phương Nga trao đổi với luật sư trước phiên tòa xét xử ngày 29-6

Trương Hồ Phương Nga được đưa tới phiên tòa sáng 29-6

Có hay không sự thông cung?

Trong các ngày xét xử trước đó, các bị cáo và người làm chứng đã có những lời khai bất ngờ.

Bị cáo Trương Hồ Phương Nga (30 tuổi, hoa hậu người Việt tại Nga) khai nhiều lần được bà Nguyễn Mai Phương (người làm chứng trong vụ án) hướng dẫn việc ngụy tạo chứng cứ qua điện thoại, tin nhắn Viber.

Bị cáo và ông Cao Toàn Mỹ có nhiều tin nhắn tình cảm qua điện thoại, hợp đồng tình cảm qua email nhưng bị bà Phương bảo xóa hết. Nga cho rằng tất cả các chứng cứ mà Viện Kiểm sát dùng để buộc tội bị cáo đều là do bị cáo làm theo sự sắp đặt của bà Mai Phương.

Hai người làm chứng khác trong vụ án là ông Nguyễn Văn Yên và Lữ Minh Nghĩa cũng khai trước đó bà Phương đã gặp họ và nhờ họ ngụy tạo các giấy mua bán nhà, các giấy tờ này sau đó được cơ quan tố tụng dùng để buộc tội bị cáo Trương Hồ Phương Nga.

Lữ Minh Nghĩa (bạn trai của bị cáo Nguyễn Đức Thùy Dung) cũng khai ông Cao Toàn Mỹ chat với Nghĩa qua Viber, Hangouts để hướng dẫn phải khai khác đi về vụ án…

Theo lời Nghĩa, với sự giúp đỡ của bà Nguyễn Mai Phương, Nghĩa đã được gặp một cán bộ công an tên N. Thông qua vị này, Dung đã gửi từ trại giam ra cho Nghĩa hơn 10 lá thư để trao đổi về cách khai báo trong vụ án.

Khi tòa hỏi thư viết bằng gì, Dung cho biết đã mài mòn bàn chải đánh răng và dùng nó viết lên bao nilon. Trong sáng 27-6, Lữ Minh Nghĩa đã cung cấp cho hội đồng xét xử 5 lá thư mà Dung viết trên bao nilon và gửi ra ngoài cho Nghĩa.

Bị cáo Dung cũng xác nhận đây là những lá thư bị cáo đã viết và chuyển cho bạn trai thông qua cán bộ công an. Nhận thấy đây là vấn đề rất nghiêm trọng nên tòa đã nhắc nhở Lữ Minh Nghĩa và bị cáo Dung phải cam kết chịu trách nhiệm với lời khai của mình.

Đến ngày xét xử thứ 3, bà Nguyễn Mai Phương mới có mặt tại tòa. Sự có mặt của bà cũng đã gây nên các ý kiến trái chiều vì bà được HĐXX cho ngồi trong phòng kín, trả lời qua micro và không ai thấy mặt.

Bà Phương đã phủ nhận mọi lời khai của các bị cáo và người làm chứng.

Bà Nguyễn Mai Phương còn cho rằng bà Hồ Mai Phương là mẹ bị cáo Phương Nga đã tiếp cận với một số người tại các cơ quan tố tụng để tìm cách thông cung giữa hai bị cáo và người làm chứng ở bên ngoài là Lữ Minh Nghĩa.  Bà Phương cho rằng bà có đoạn ghi âm cuộc gọi bà Hồ Mai Phương về vấn đề này và đã nộp cho tòa.

Các luật sư đã đặt câu hỏi với bà Mai Phương về việc mẹ bị cáo Nga thông cung trước với ai, thông cung thế nào? Bà Phương cho biết việc thông cung được thực hiện từ nhiều phía và nội dung cụ thể bà không thể nhớ chính xác.

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM), việc xác định có hay không việc thông cung giai đoạn đầu của quá trình điều tra là một trong những cơ sở quan trọng để đánh giá về vụ án.

“Quá nhiều các chi tiết mới mẻ được phơi bày trong trong phiên tòa mà hội đồng xét xử không để đánh giá ngay được. Với những công cụ chat, điện thoại, email nêu trên thì cơ quan điều tra có thể liên hệ với nhà mạng, đơn vị cung cấp phần mềm để yêu cầu cung cấp thông tin.

Bởi với kỹ thuật hiện đại dù thông tin bị xóa vẫn có thể lưu lại ở đâu đó. Vì vậy trong vụ án này, việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung là điều cần thiết” - luật sư Nguyễn Thành Công nhận định.

Theo TTO

Các tin cũ hơn