Nhân chứng Mai Phương ngồi phòng kín: Tiền lệ rất xấu.

Thứ năm, 29/06/2017, 10:47
Các LS cho rằng việc cho nhân chứng Mai Phương trả lời từ một phòng kín là không cần thiết và có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật.

Không đúng quy định pháp luật

Trong phiên tòa xét xử hoa hậu Trương Hồ Phương Nga lừa đảo chiếm đoạt 16,5 tỷ đồng của đại gia Cao Toàn Mỹ vào ngày 27/6, nhân chứng quan trọng nhất của vụ án là bà Nguyễn Mai Phương được trả lời từ một phòng kín. Điều này đã làm nảy sinh nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.

Trao đổi với PV về vấn đề này, Luật sư Hoàng Minh Ngọc - Nguyên thẩm phán TAND tối cao nhận định, việc HĐXX cho nhân chứng Mai Phương ngồi trong phòng kín là không đúng.

Theo ông Ngọc, không có một điều nào trong các pháp luật về tố tụng, trong các vụ án hình sự cho phép nhân chứng được giấu mặt, ở trong phòng kín để trả lời câu hỏi của HĐXX.

Các LS cho rằng việc cho nhân chứng Mai Phương trả lời từ một phòng kín là không cần thiết và có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật.

“HĐXX của TAND TP.HCM làm như vậy phải xem xét dấu hiệu lạm quyền. Không chỉ tôi mà nhiều LS khác, kể cả những người đã từng Phó Chánh án Toàn hình sự của TAND TP.HCM cũng nhận định như vậy.

Ngay cả trong trường hợp xét thấy nhân chứng bị đe dọa đến tính mạng hay sự an toàn, danh dự thì phải có ý kiến của lãnh đạo Tòa án cấp cao, chứ không thể tự HĐXX quyết đinh được.

Nhất là trong vụ án này nhiều người, kể cả bị cáo, bị hại, các LS và các nhân chứng khác đều khai rất nhiều vấn đề liên quan đến Mai Phương. Việc nhân chứng này ngồi trong phòng kín là vấn đề không chấp nhận được”, ông Ngọc nêu quan điểm.

LS Trương Xuân Tám - Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc khẳng định quyết định của TAND TP.HCM chưa thật sự thỏa đáng.

Theo LS Tám, Luật pháp quy định các cơ quan thi hành tố tụng nếu có các căn cứ chứng minh nhân chứng không được an toàn hoặc có thể phương hại đến lợi ích của họ thì phải thực hiện các biện pháp bảo vệ.

Tuy nhiên nguyên tắc quan trọng nhất trong xét xử đó là nhân chứng phải ra tòa và xét xử trực tiếp, khai trực tiếp.

“Chưa có tiền lệ nào cho nhân chứng ngồi ở phòng cách ly như thế. Trong trường hợp để đảm bảo những vấn đề liên quan đến thuần phong, mỹ tục, an ninh quốc phòng quốc gia, thậm chí tòa có thể tuyên bố xử kín nhưng nhân chứng vẫn phải ra đối diện trực tiếp với HĐXX, Luật sư, các bị cáo và các nhân chứng khác...

Nhiều phiên tòa xét xử các đối tượng xâm hại trẻ vị thành niên hay sai phạm của các quan chức, có thể có người bị oan nhưng nhân chứng vẫn phải ra trước vành móng ngựa để đối chất”, ông Tám khẳng định.

Việc cách ly là không cần thiết

Là người theo dõi và quan tâm đặc biệt đến các tình tiết của vụ án, LS Trương Xuân Tám đánh giá, chưa có căn cứ nào thể hiện nhân chứng Nguyễn Mai Phương xuất hiện tại tòa nguy hiểm đến mức phải cho ngồi ở phòng cách ly.

Hơn nữa, theo quy định của Luật Tố tụng, nhân chứng có nghĩa vụ phải đến tòa trình bày. Nếu nhân chứng không đến hoặc cố tình chần chừ tòa sẽ áp dụng biện pháp cứng rắn là áp giải chứ không thể có quá trình mặc cả, thương lượng mới đến.

“Tôi nghĩ việc cách ly là không cần thiết và sẽ tạo ra tiền lệ xấu trong các hoạt động tố tụng. Chỉ những người khai báo gian dối, quanh co, trốn tránh trách nhiệm thì mới sợ và tìm cách giấu mặt. Việc này thể hiện sự chiều chuộng và bất bình đẳng đối với các nhân chứng khác.

Ngay như nhân chứng Lư Minh Nghĩa cũng là một người cần phải bảo vệ uy tín, danh dự, bảo vệ sự an toàn. Với những lời khai tại tòa, Nghĩa hoàn toàn có thể bị người khác tấn công hoặc đe dọa. Tuy nhiên anh này vẫn không được cách ly.

Trong khi đó, bà Mai Phương trong vụ án này được mô tả là người phụ nữ “quyền lực” đứng ra dàn xếp toàn bộ sự việc, từ vở kịch mua bán nhà, chạy án, thông cung... Bà Phương không chỉ là nhân chứng mà còn được cho là người có liên quan trực tiếp đến vụ án này.

Trong quá trình xét xử trực tiếp nếu thấy bà Phương không còn tư cách nhân chứng nữa mà có vai trò đồng phạm hoặc chủ mưu trong vụ án của hoa hậu Trương Hồ Phương Nga thì các cơ quan tố tụng phải khởi tố bổ sung”, ông Tám nhấn mạnh.


Tòa có thể xem xét

Chia sẻ thêm về vấn đề này, LS Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết theo điều 25, Luật hình sự năm 2003 có quy định về người làm chứng. Đó là người làm chứng có quyền được bảo vệ về tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe khi tham gia phiên tòa và có quyền yêu cầu, trình bày nguyện vọng với HĐXX.

HĐXX nếu thấy cần có biện pháp bảo vệ an toàn về nhân thân của người làm chứng thì có thể cho cách ly ra một phòng riêng.

“Tuy nhiên tôi chưa từng bao giờ gặp trường hợp như vậy từ trước đến nay. Thực tế hiện nay nhân chứng Nguyễn Mai Phương đang bị tố cáo, đang bị các bị cáo, nhân chứng và nhiều người liên quan trong vụ án này tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật.

Vụ án gây xôn xao dư luận và rất nhiều vấn đề xã hội phức tạp xung quanh câu chuyện này nên việc xem xét cũng cần thận trọng”, LS Thơm nhấn mạnh.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn