Chiều 7/7, ông Nguyễn Văn Đầy, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), cho biết địa phương này vừa xuất hiện đàn sâu lạ màu xanh, tấn công các vườn tràm Úc của người dân hai xã Long Hưng và Hưng Phú. Hai xã này có 800ha trồng giống tràm này nhưng có đến 150ha bị thiệt hại do sâu.
Sâu lạ ở Sóc Trăng màu xanh có sọc đen trên lưng chưa được ngành nông nghiệp định danh. Ảnh: Nhật Tân. |
"Tôi đã bắt sâu gửi Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, ĐH.Cần Thơ và Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam ở Tiền Giang để các nhà khoa học theo dõi tập quán sinh sống và định danh loài sâu lạ này nhưng chưa có kết quả", ông Đầy nói.
Theo cán bộ nông nghiệp này, những năm trước tràm Úc trồng 4 năm tuổi được thương lái mua "xô" với giá 7-10 triệu đồng/công (1.000m2). Hiện, tràm này có giá 20-25 triệu đồng/công và thời gian trồng rút ngắn 2,5-3 năm nên người dân liên tục mở rộng diện tích.
Để tràm phát triển nhanh, người dân bón phân và sử dụng thuốc trừ sâu khiến thiên địch bị tiêu diệt. Vì vậy, lá tràm non của những vườn cây khoảng 1 năm tuổi trở thành "món ngon" của sâu.
Vườn tràm khoảng 1 năm tuổi bị sâu ăn trụi lá non. Ảnh: Việt Tường. |
"Thiên địch không còn nên bướm đẻ trứng lên lá tràm mà không bị loài nào ăn. Sâu sau đó xuất hiện với số lượng nhiều, ăn hết là tràm non. Đặc điểm lạ của loài sâu này là khi nghe tiếng động thì đuôi của chúng bám vào lá, đầu lắc liên tục khiến cho vườn tràm rung lên dù không có gió", Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Mỹ Tú chia sẻ với Zing.vn.
Hiện, đợt sâu gần nhất đang già và làm kén để kết thúc vòng đời kéo dài khoảng 30-35 ngày. Một số nông dân thấy tràm còn nhiều sâu đã phun thuốc tiêu diệt hoặc chặt bỏ.
Theo lãnh đạo Trạm Bảo vệ thực vật Mỹ Tú, sâu lắc lư đầu và thân khi có tiếng động giống như một dạng phòng thủ. Chúng như muốn thông báo cho nhau khi có dấu hiệu bất lợi xung quanh.
"Sâu lạ chỉ ăn lá tràm Úc, tràm bản địa không bị gây hại", ông Nguyễn Văn Đầy nói.
Theo Zing