|
Đại sứ quán Nga tại thủ đô Washington - Ảnh: Reuters |
"Người Nga vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động thu thập thông tin một cách xông xáo ở Mỹ. Thành công của họ khi can thiệp vào cuộc bầu cử chưa đủ để cản bước chân của họ lại", đài CNN dẫn lời ông Steve Hall, cựu quan chức Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA), khẳng định.
Matxcơva sẽ còn tiếp tục thu thập các thông tin từ chính quyền Donald Trump mà họ cho là mới mẻ và khó dự đoán, ông Hall cảnh báo.
Quan hệ giữa Mỹ và Nga trong khi đó đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh vì những nghi kỵ và bất đồng xung quanh nhiều vấn đề, theo nhận định của giới quan sát.
"Khi mối quan hệ giữa các quốc gia bắt đầu thoái trào, gián điệp và các hoạt động thu thập tình báo bắt đầu trở thành những phần quan trọng trong nỗ lực đoán định các kế hoạch và ý định của kẻ thù", cựu quan chức CIA lập luận.
Theo đài CNN, kể từ sau cuộc bầu cử hồi tháng 11-2016, các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật của Mỹ đã phát hiện sự gia tăng đáng kể số lượng các quan chức tình báo Nga ra vào Mỹ dưới vỏ bọc "làm ăn".
Các nguồn tin của CNN cảnh báo rằng Matxcơva đang nỗ lực tổ chức lại mạng lưới tình báo ở Mỹ sau vụ 35 nhà ngoại giao Nga bị Washington trục xuất hồi cuối năm ngoái theo quyết định của tổng thống Barack Obama với cáo buộc hỗ trợ can thiệp vào hoạt động bầu cử của Mỹ. Hai cơ sở ngoại giao của Nga ở Mỹ khi đó cũng bị đóng cửa với lý do tương tự.
|
Đoàn xe ngoại giao đoàn của Nga bị buộc rời khỏi Mỹ vào cuối năm 2016 - Ảnh: AFP |
"Chuyện đáng lo nhất là số lượng người Nga đang tới Mỹ. Matxcơva có mạng lưới gián điệp dày đặc ở Mỹ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào họ triển khai. Ít nhất 150 người Nga bị nghi là gián điệp của Matxcơva đang ở Mỹ", một cựu quan chức tình báo Mỹ giấu tên cho biết.
Mục tiêu của gián điệp Nga ở Mỹ rất đa dạng, theo đài CNN, nhưng chủ yếu nhắm vào các đối tượng có thể cung cấp cho họ những thông tin tuyệt mật, song song với việc tấn công mạng các cơ quan chính phủ Mỹ. Trong một số trường hợp, Matxcơva sẽ tổ chức cho các điệp viên xâm nhập sâu vào các cơ quan và công việc tiếp xúc với những thông tin mật, nhạy cảm của Mỹ.
Biết rõ sẽ có gián điệp Nga xâm nhập, song các cơ quan tình báo Mỹ, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, không thể chặn dòng người này vào Mỹ.
Vậy nên, các nỗ lực phản gián chỉ được tiến hành khi đã có các dấu hiệu của đối phương "bị lộ" trên đất Mỹ, theo đài CNN. Trách nhiệm lúc này thuộc về Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Bộ an ninh nội địa Mỹ.
Một mối quan ngại khác là các phần mềm bảo mật an ninh của Nga được sử dụng trong các cơ quan công quyền Mỹ. Điển hình như các sản phẩm của Kaspersky - một tập đoàn bảo mật của Nga, được cài đặt sẵn và sử dụng phổ biến trong các thiết bị được chính phủ Mỹ mua. Nhiều quan chức Mỹ lo ngại điều này sẽ mở đường cho các hoạt động gián điệp xâm nhập vào mạng lưới bảo mật của Mỹ.
Đại diện Kaspersky luôn phủ nhận các cáo buộc, nhấn mạnh là một công ty tư nhân không bao giờ giúp đỡ hay hỗ trợ chính phủ trong các hoạt động gián điệp.
Theo TTO