|
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ với tình hình khai thác như hiện nay thì nguồn tài nguyên này ở Việt Nam sẽ sớm cạn kiệt, gây ra tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên.
"Vừa thất thoát tài nguyên, vừa tác động xấu đến các công trình ven bờ, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân sinh sống ở khu vực liền kề”, Phó Thủ tướng nói.
Bộ Giao thông cho biết đã yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với hầu hết các dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, luồng đường thuỷ nội địa có tận thu sản phẩm cát để bổ sung, hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật. Tình hình khai thác cát, sỏi trái phép đã giảm đi, một số địa bàn trọng điểm được kiểm soát.
Tuy nhiên, hiện nhiều đối tượng vẫn lén lút khai thác trên các tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Thái Bình, sông Lai Vu, sông Mã, sông Lam, sông Hiếu, sông Trà Khúc, sông Hương, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Tiền, sông Hậu…
Cơ quan chức năng cho hay, việc khai thác cát, sỏi trái phép tập trung vào ban đêm, ngày lễ, ngày nghỉ. Có những trường hợp “cát tặc” đã sử dụng bạo lực đe dọa, đối phó với các lực lượng chức năng, tranh giành địa bàn, phương tiện để khai thác trái phép.
|
Một đoạn sông giáp ranh 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang từng là điểm nóng khai thác cát. |
Về quản lý hoạt động thu hồi cát từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng sự phối hợp quản lý giữa Bộ Giao thông và các địa phương chưa tốt, do đó trong thời gian tới, Bộ cần thống nhất quản lý, các địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm; ở những nơi giáp ranh phải có sự phối hợp giữa các địa phương.
Ông Dũng nhấn mạnh, các Bộ, ngành, địa phương rà soát lại quy hoạch, giấy phép về thăm dò, khai thác cát, sỏi; chỗ nào còn phù hợp thì tiếp tục thực hiện, nếu không thì phải thay đổi quy hoạch hoặc rút giấy phép khai thác.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng giao Bộ Xây dựng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vật liệu xây dựng thay thế như tro xỉ than, cát mặn, cát nhân tạo từ đá... để đảm bảo nhu cầu theo từng địa phương, khu vực. Các bộ Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương... tập trung rà soát, tổng hợp nhu cầu về vật liệu xây dựng, để làm cơ sở cho việc khai thác cát sỏi, khắc phục tình trạng bị động về nguồn cung trong thời gian qua.
Thứ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc phân tích, hiện việc khai thác cát sỏi lòng sông, cả có phép và trái phép đều phục vụ cho xây dựng hạ tầng, nhà cửa, vì vậy cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ việc nghiệm thu, thanh quyết toán của các công trình xây dựng, từ đó xem xét nguồn gốc hợp pháp của khoáng sản đã sử dụng trong công trình.
“Trường hợp khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, kiên quyết không nghiệm thu, thanh toán kinh phí cho chủ đầu tư”, đại diện Bộ Tài nguyên đề xuất.
Tính đến tháng 5/2017 cả nước có 824 mỏ cát, sỏi được cấp phép. Đến hết năm 2016, có 90 dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, đường thuỷ nội địa có tận thu sản phẩm cát được Bộ GTVT cấp phép. Các cơ quan có thẩm quyền đã cấp hơn 500 giấy phép bến bãi kinh doanh, tập kết, trung chuyển cát, hàng trăm bến bãi hoạt động tự phát. Sau một năm thực hiện Kế hoạch 102 của Bộ Công an, công an các cấp đã tiến hành phối hợp tuần tra kiểm soát 8.120 lượt; phát hiện và bắt giữ xử lý 4.374 vụ với 2.917 đối tượng; số lượng phương tiện vi phạm bị thu giữ trên 1.000 phương tiện, thiết bị, thu giữ hơn 10.000 m3 cát các loại, hoàn nguyên hơn 3.600 m3. Tổng số tiền phạt nộp vào ngân sách hơn 41,7 tỷ đồng, lập hồ sơ khởi tố 2 vụ vi phạm quy định về khai thác tài nguyên. |
Theo VNE