Cấm xe máy vào nội đô: Khó nhất là thay đổi thói quen của người dân

Thứ sáu, 07/07/2017, 08:54
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, cho rằng thay đổi thói quen, lối sống của người dân là khó khăn nhất khi thực hiện đề án cấm xe máy vào nội đô.

HĐND Hà Nội vừa thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”.

Theo đó, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030. Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã chia sẻ với Zing.vnliên quan vấn đề này.

Tính khả thi cao

- Khó khăn nhất của thực hiện lộ trình đề án cấm xe máy vào nội đô là gì thưa ông?

- Tôi nghĩ đó là thói quen đi lại của người dân. Tôi đã từng mời một số người chưa bao giờ đi xe buýt, đi lên xe buýt họ mới thấy tốt quá, an toàn, sạch sẽ mát mẻ, thoải mái. Chúng ta thay đổi được thói quen, lối sống của người dân là khó khăn nhất, không phải ngày một ngày hai.

Dư luận cũng xôn xao rằng việc cấm xe máy là cấm ngay. Nhưng từ nay đến năm 2030, Hà Nội còn 13 năm để thực hiện lộ trình, từng bước hạn chế phương tiện này và xây dựng hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân.

- Hiện, có luồng dư luận đang hiểu nhầm đề án cấm xe máy thì cấm luôn ôtô cá nhân vào nội đô. Ông nghĩ thế nào?

- Không phải, đề án nêu rất rõ trong thời gian tới Hà Nội cũng sẽ điều chỉnh ôtô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố. Thành phố cũng sẽ ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh.

Hà Nội sẽ cấm xe máy vào nội đô từ năm 2030. Ảnh: Lê Hiếu.

Với xe taxi và các phương tiện hoạt động kinh doanh tương tự taxi (Uber, Grab...), thành phố cấp hạn ngạch phù hợp với điều kiện giao thông và năng lực của kết cấu hạ tầng.

Đề án cũng nêu rõ, chủ sở hữu ôtô phải mở tài khoản điện tử, lắp thiết bị phụ trợ để phục vụ quản lý phương tiện và điều tiết giao thông (thiết bị thu phí tự động...); thiết lập cơ chế tính giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo hướng lũy tiến theo giờ và tăng mạnh vào khu vực trung tâm.

- Nguồn vốn đầu tư vào các công trình giao thông công cộng như tàu điện ngầm, đường sắt đô thị, xe buýt … có vướng mắc gì không?

- Thành phố đã thông tin nguồn ngân sách là 20%, 80% huy động đầu tư từ xã hội. Thành phố cũng có đề án rất cụ thể để triển khai, Chủ tịch UBND Hà Nội đã báo cáo Chính phủ, nêu lộ trình thực hiện đường sắt đô thị có tính cả kinh tế, cơ chế huy động nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện có nhiều khó khăn..

Mở dịch vụ cho thuê xe đạp ở nút giao thông công cộng

- UBND Hà Nội và Sở GTVT có cam kết xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ như lộ trình đề án hay không?

- Một trong những điều kiện quan trọng để dừng xe máy trong khu vực nội đô là phải phát triển các loại hình vận tải công cộng để thay thế đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Chúng tôi đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, 80% khu vực nội đô tiếp cận điểm dừng đỗ vận tải hành khách công cộng dưới 500 m.

Còn đối với những điểm trên 500m, có một số ý kiến lo ngại như khu chung cư, ngõ nhỏ thực hiện kết nối bằng các phương tiện khác như xe đạp, kể cả xe đạp của cá nhân của người ta. Chúng tôi có bố trí các điểm giao thông tĩnh ở những điểm kết nối với phương tiện giao thông công cộng để người dân có thể đi xe đạp.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội. Ảnh: Thắng Quang.

Một phương án nữa là có dịch vụ cho thuê xe đạp tại các nút giao thông công cộng để người dân có thể sử dụng di chuyển. Không loại trừ có những hành khách sử dụng taxi từ nhà đến điểm có phương tiện giao thông công cộng. Tôi tin rằng, với lợi ích của phương tiện giao thông công cộng là an toàn, văn minh, thuận tiện hơn thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ.

Chúng tôi sẽ rà soát lại toàn bộ mạng lưới, trên cơ sở dựa vào các tuyến đường sắt đô thị khi đưa vào hoạt động. Từ nay đến năm 2030, chúng tôi sẽ phải phủ kín kết nối bằng hệ thống vận tải, xe buýt và các phương tiện vận tải công cộng khác để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Đề án phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng tập trung vào xe buýt và bảo đảm các hệ thống, điểm dừng đỗ, gắn với việc kết nối toàn bộ hệ thống vận tải công cộng nói chung. Đồng thời, chúng phải có các điểm giao thông tĩnh để kết nối giao thông cá nhân với vận tải công cộng để đảm bảo thời gian cho người dân đi lại làm việc.

Lộ trình thực hiện Đề án gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về GTVT.

Giai đoạn 2017-2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.

Giai đoạn 2017-2030: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận.

Theo Zing

Các tin cũ hơn