Bà Phan Thị Mỹ Thanh bị xử lý thế nào về mặt nhà nước?

Thứ sáu, 07/07/2017, 09:23
“Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận, sai phạm của Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh ở mức “nghiêm trọng”. Về mặt Đảng và đối với cán bộ cao cấp thì mức độ vi phạm như thế là nặng rồi. Nhưng vấn đề được dư luận đặt ra là sẽ xử lý về mặt nhà nước như thế nào”, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trao đổi với PV Tiền Phong.

Dự án "tai tiếng" của Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh

Cần đề án riêng chống “lợi ích nhóm”, “sân sau”

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, trong thời gian làm Giám đốc Sở Công Thương, bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai tham gia điều hành công ty do chồng bà là Chủ tịch HĐTV. Theo ông, điều này có xảy ra tình trạng “lợi ích nhóm”?

Trong trường hợp này, cũng có khả năng dẫn đến “lợi ích nhóm”, vì mối quan hệ như vậy có thể xem là khăng khít. Tuy nhiên, kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư khẳng định, sai phạm ở mức “nghiêm trọng”. Tôi rất đồng tình với kết luận này. Như vậy nếu xét về mặt hành chính thì mức độ vi phạm đã ở tầng thứ hai, cần phải có phương án xử lý cho tương xứng.

Về mặt Đảng, vi phạm ở tầng thứ nhất là khiển trách, tầng thứ hai là cảnh cáo. Đối với cán bộ cao cấp thì mức độ như thế là nặng. Nhưng vấn đề được dư luận đặt ra hiện nay là xử lý về mặt nhà nước thì như thế nào. Chắc các cơ quan cần phải nghiên cứu, xem xét áp dụng cho thỏa đáng.

Vậy còn vấn đề “sân trước, sân sau” trong trường hợp này thì sao?

Câu chuyện “sân trước, sân sau” lâu nay đã được nói tới nhiều. Chúng ta phải khẳng định việc này là có. Nhiều cán bộ có “sân sau”, nhiều doanh nghiệp có “chống lưng” chứ? Từ đó mới dẫn đến sai phạm kép, rồi sai phạm triền miên.

Theo tôi, có lẽ vấn đề này cần phải có đề án riêng để chống “lợi ích nhóm”, chống “sân sau”. Đây là một trong những nhánh của việc phòng chống tham nhũng, nhưng cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng thì mới có giải pháp hiệu quả. Hiện nay chúng ta mới chỉ nhận diện vấn đề này, nhưng chưa có cơ chế để giám sát, xem xét xử lý.

Không biết thông tin về cán bộ thì quản lý cái gì?

Được biết qua báo chí, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nói không nắm được sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh. Theo ông, cách trả lời như vậy có thỏa đáng?

Tôi cho rằng, cách trả lời của ông Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai có nhiều khả năng xảy ra: Một là ông ấy không biết, hai là không đủ thông tin, ba là cấp dưới không báo cáo, tham mưu. Cũng có thể do quan hệ thân tình, hoặc vì muốn giữ cho địa phương nên không nói. Nhưng xét cho cùng, trách nhiệm của ông ấy là phải biết, nếu không biết thì phải đi tìm.

Anh quản lý cán bộ mà không biết được thông tin về cán bộ thì quản lý cái gì? Trong khi đó, quy trình xem xét, bổ nhiệm cán bộ như thế nào? Cứ theo quy trình để xem xét trách nhiệm thuộc về ai thì xử lý.

Anh là người có quyền được biết và hoàn toàn có quyền yêu cầu để biết, có quyền xác minh, tại sao lại không làm?

Sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh từ khi làm Giám đốc Sở Công Thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, nhưng sau đó vẫn được cất nhắc, giữ cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Vậy trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ như thế nào, thưa ông?

Tôi nghĩ trách nhiệm của tập thể phải rõ, bắt buộc phải biết. Cá nhân có thể trốn vào tập thể nhưng tập thể không thể trốn vào đâu được. Tập thể không thể đổ lỗi cho cá nhân. Về mặt cá nhân, xử lý người đứng đầu hay người có trách nhiệm là đương nhiên, nhưng luật cũng quy định đến trách nhiệm của tập thể.

Chính vì câu chuyện tập thể mới dẫn đến những hệ lụy, vì vậy, chúng ta phải khắc phục điều này. Nếu tập thể không lành mạnh phải xử lý tập thể đó. Vấn đề quan trọng là xem xét, xử lý trên cơ sở quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.

Cảm ơn ông!

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn