VOA ngày 5/7 đưa tin, khi kết thúc Hoà đàm Astana lần thứ 5 diễn ra ngày 3 và 4/7, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã không thống nhất được với nhau về việc thành lập các khu vực giảm căng thẳng tại Syria. Một kết quả rất bất ngờ với dư luận quốc tế.
Cũng nên nhắc lại rằng, ngày 4/5 vừa qua, tại Hoà đàm Astana lần thứ 4, đại diện Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ - những nước bảo trợ cho lệnh ngừng bắn tại Syria - đã ký Biên bản ghi nhớ về việc thành lập các khu vực giảm căng thẳng tại nước này.
Theo đó, 4 khu vực được thiết lập nhằm làm giảm căng thẳng tại những nơi xảy ra giao tranh dữ dội nhất giữa quân đội chính phủ Syria, phong trào al-Nusra và lực lượng đối lập ôn hòa.
Các khu vực được xác định là tỉnh Idlib, tỉnh Homs và Ghouta, ngoại ô phía Đông thủ đô Damascus.
Việc thiết lập vùng an toàn là một bước ngoặt trong xung đột tại Syria |
Hoà đàm Astana lần thứ 5 được kỳ vọng sẽ diễn ra việc ký kết thoả thuận thành lập các khu vực giảm căng thẳng và thiết lập cơ chế quốc tế giám sát việc thực thi. Song cuối cùng mọi việc lại chưa thể diễn ra.
Theo ông Alexander Lavrentyev, nhà thương lượng cao cấp của Nga, thì "phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ cần nhiều thời gian hơn để có thể đưa ra một quyết định phù hợp".
Nhà đàm phán của chính phủ Syria, Bashar al-Ja'afari, thì cho biết: "Phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc thông qua bất kỳ văn bản nào liên quan đến thoả thuận và cơ chế thực thi việc thành lập các khu vực giảm căng thẳng",VOA tường thuật.
Hoà đàm Astana lần thứ 5 kết thúc mà việc thành lập các khu vực giảm căng thẳng tại Syria vẫn chưa đồng thuận được khiến vấn đề đã trở nên rất phức tạp.
Nếu mọi việc không sớm được thống nhất thì ván cờ Syria sẽ trở nên rất bất lợi cho Nga và các đồng minh.
Thứ nhất, niềm tin quốc tế suy giảm. Việc thành lập khu giảm căng thẳng là một bước ngoặt quan trọng, thể hiện rõ nhất vai trò đạo diễn của Moscow, thể hiện sự thắng thế của Nga và đồng minh của mình trước Mỹ và đối tác của Mỹ tại Syria.
Khi các khu vực giảm cẳng thẳng được thành lập và có cơ chế giám sát đảm bảo việc thực thi, qua đó nâng cao vị thế cho Moscow – nó chứng tỏ người Nga nói được và làm được.
Nay vấn đề lại rơi vào bế tắc, mà nguyên nhân là do nội bộ "phe Nga" chứ không phải do "phe Mỹ" phá hoại.
Để rơi vào tình thế nguy hiểm này hoàn toàn do lỗi của Nga. Có lẽ Moscow đã tin rằng Ankara sẽ dễ dàng chấp thuận kế hoạch mà Nga đưa ra. Dường như Kremlin quên Thổ Nhĩ Kỳ không phải là đồng minh của Nga tại Syria.
Moscow đã không tiến hành xây dựng quy chế - thoả thuận thành lập – đồng thời với xây dựng cơ chế - kế hoạch thực thi, nên cứ tập trung vào việc thoả thuận khiến cho việc thuyết phục Ankara càng khó hơn.
Quy chế là nguyên tắc, cơ chế mới xác định cụ thể lợi ích được khai thác như thế nào.
Theo VOA, Tổng thống Erdogan cho biết ông sẽ thảo luận về vấn đề này với Tổng thống Putin bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Đức, song giới phân tích không kỳ vọng mọi việc sẽ được khơi thông, bởi Moscow chưa có công cụ lợi ích gửi tới Ankara.
Thứ hai, Hoà đàm Astana có thể không còn được xem là bước tiền trạm cho Hội nghị quốc tế Geneve về một giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột tại Syria.
Tầm quan trọng của Hoà đàm Astana được nâng lên là nhờ rất nhiều vào hiệu ứng bước ngoặt “khu vực giảm căng thẳng”.
Liệu bộ đôi Putin - Erdogan có phá vỡ được thế bế tắc? |
Moscow được cho là rất kỳ vọng Hoà đàm Astana lần thứ 5 sẽ chính thức hoàn tất việc thành lập khu vực giảm căng thẳng và mở đường cho một cơ chế quốc tế giám sát việc thực thi thoả thuận.
Khi đó quốc tế buộc phải công nhận vai trò đạo diễn ván cờ Syria của Moscow, theo VOA.
Nay vấn đề rơi vào bế tắc, mọi việc vẫn chỉ là bản ghi nhớ. Dù Nga và các đồng minh đã đạt được nhiều thành quả trên chiến trường, giành nhiều chiến thắng quan trọng và có được nhiều lợi điểm trên thực địa, song vị thế thì hoàn toàn do mình tự xác lập, còn lợi điểm thì hoàn toàn phải sử dụng đến vũ lực.
Chiến thắng trên chiến trường tạo ra lợi thế cho Moscow và các đồng minh, nhưng lợi thế đó sẽ không trở thành ưu thế nếu không có cơ chế buộc đối thủ phải ghi nhận và chấp nhận.
Vì vậy, để rơi vào bế tắc trong việc thành lập được các khu vực giảm căng thẳng là điều đáng tiếc cho Nga và các đồng minh.
Thứ ba,việc thành lập khu vực giảm căng thẳng rơi vào bế tắc có thể khiến cho Washington thúc đẩy nhanh việc thiết lập vùng cấm bay tại Syria. Điều này có thể khiến Moscow rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Nếu Moscow hợp tác với Washington trong việc thiết lập vùng cấm bay, theo như đề nghị của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, khi đó vai trò của Nga tại Syria sẽ phải bị chia sẻ với Mỹ.
Nếu Moscow khước từ, Washington sẽ đơn phương thiết lập vùng cấm bay tại Syria, đẩy Nga và các đồng minh vào thế bất lợi khi phải đối diện với xung đột quân sự mà Lầu Năm Góc sẽ thúc đẩy và tăng cường.
Từ khi tham gia vào cuộc xung đột Syria, Nga có được, có mất, song người Nga chưa thực sự có một thất bại nào đúng nghĩa tại ván cờ này.
Tuy nhiên, nếu không thành lập được vùng giảm căng thẳng thì đó chính là thất bại của Nga.
Vì vậy, kết thúc Hoà đàm Astana lần thứ 5 mà không thống nhất được việc thành lập khu vực giảm căng thẳng cấm bay là một bất lợi với Nga, mà có thể đưa Moscow sang một vị thế khác tại ván cờ Syria.
Theo Đất Việt