Xây "resort" trên vịnh Bái Tử Long: Toàn đại gia nhiều tiền

Thứ bảy, 08/07/2017, 08:25
Các đối tượng xây dựng đều có máu mặt, xã nhắc nhở nhiều họ đều phớt lờ, không để ý đến chỉ đạo của xã.

Sẽ cưỡng chế nếu không tự tháo dỡ

Về việc các “resort” xây trái phép trên vịnh Bái Tử Long, trao đổi với Đất Việt, ngày 7/7, ông Châu Thành Hưng - Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết: "Hiện nay, huyện đã tổ chức rà soát và phát hiện 5 công trình được xây dựng như các resort, với các hạng mục như bến tàu, vườn hoa, bể bơi, phòng nghỉ… nhưng không có giấy phép. Trong đó, có 1 resort xây dựng với mục đích kinh doanh du lịch chui.

Quan điểm của huyện rất rõ ràng, không bao che đối với các resort sai phạm, hiện nay huyện đã báo cáo lên UBND tỉnh Quảng Ninh, nếu doanh nghiệp không tự tháo dỡ thì ngay trong tháng 7 huyện sẽ tổ chức cưỡng chế.

Riêng Công ty TNHH Hoàng Trường đã có đơn gửi trình bày về việc xin giữ lại một số công trình làm nơi tránh trú bão nhưng UBND huyện không đồng ý”.

Một góc công trình xây dựng trái phép trên đảo Nêm (xã Thắng Lợi, H.Vân Đồn, Quảng Ninh).

Trong khi đó, cũng chia sẻ với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn cho biết: "Chúng tôi đã có thông báo yêu cầu các đối tượng xây dựng trái phép dừng ngay hoạt động thế nhưng họ vẫn cố tình không chấp hành. Chúng tôi đang tham mưu cho huyện, hoàn thiện hồ sơ để tiến hành tháo dỡ các công trình này.

Trong 5 công trình trái phép bị phát hiện thì riêng xã Thắng Lợi có 4 công trình, 4 công trình trên nằm rải rác trên 3 đảo khác nhau, đó là: đảo Nêm, đảo Thẻ Vàng, đảo Cống Đông".

Toàn đại gia nhiều tiền, nộp phạt rồi xây dựng tiếp

Nói về việc không kiểm soát được việc xây dựng khi báo chí lên tiếng thì mới phát hiện ra các công trình này, theo ông Tùng giải thích thì đây là các đảo độc lập, cách nhau mấy chục km, trung bình cũng khoảng 15-20km, lại cách xa trung tâm, nên khâu kiểm tra rất khó khăn.

Thêm nữa, khi đi kiểm tra thì phải đi bằng tàu thuyền, tiền xăng dầu cũng rất tốn kém, mà lịch kiểm tra thì có thể là hàng tháng, có lúc thì cũng 1-2 tháng mới đi 1 lần, nhưng cũng có lúc đi đột xuất, có lúc đi theo thông tin dân báo.

Thế nhưng, nguồn kinh phí ngân sách dành cho việc tuần tra kiểm soát hiện nay của xã cũng hạn hẹp, nên không đi liên tục được, không thể ngày nào cũng đi.

"Mặt khác, các đối tượng xây dựng toàn người có điều kiện nên họ làm rất nhanh, hoàn thiện công trình thậm chí trong vài ngày.

Khi họ xây dựng thường xây trong rừng, khi hoàn thiện thì họ mới phá cây cối lúc đó mới hiện ra các công trình, dân cũng mới biết, chúng tôi cũng mới nắm được, thì đã làm xong rồi.

Có nhiều trường hợp xây dựng lén lút, đến khi bị phát hiện, chúng tôi lập biên bản xong, họ nộp phạt vài triệu đồng, nhưng vẫn cố tình xây dựng thêm, bởi xử lý vài triệu đồng thì với họ cũng không đáng gì.

Chúng tôi có 9 hòn đảo độc lập, nên các đối tượng cũng lợi dụng khâu quản lý chưa được chặt chẽ để làm trái phép", ông Tùng nói thêm.

Hồ bơi trong một resort trên đảo Nêm

Ở góc độ khác, theo vị Chủ tịch xã Thắng Lợi, có nhiều công trình được xây dựng từ năm 2009 đến nay xã cũng mới hoàn thiện hồ sơ để tháo dỡ, vì bản thân ông cũng mới đảm nhận chức vụ hơn 1 năm, giờ phải giải quyết khó khăn do lịch sử lãnh đạo trước để lại.

Vừa qua một số đồng chí Chủ tịch trước đây cũng bị kiểm điểm vì để buông lỏng công tác quản lý, cũng rất khó cho địa phương vì địa bàn rộng. Về phía xã đã phát hiện từ lâu nhưng nguồn gốc cấp đất chồng chéo người này, người kia, việc xác định xử lý chưa được bài bản nên chưa dứt điểm.

Sau lần này thì xã cũng đang cho nhân viên tuần tra, kiểm soát liên tục trên địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi sai phạm. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư dừng ngay các hoạt động xây dựng cho đúng quy định của pháp luật.

"Trước đây, thì người dân cũng có báo, chúng tôi cũng nắm được thông tin, nhưng đến khi chúng tôi phát hiện công trình đã được làm, nhắc nhở, lập biên bản, chủ đầu tư nộp tiền rồi tiếp tục xây.

Điều đáng bàn hơn, đó là những người xây dựng công trình toàn người từ về TP. Cẩm Phả về làm, không chấp hành chỉ đạo nên rất khó. Mà thẩm quyền của xã thì cũng rất ít, không có nhiều, nên cũng chỉ nhắc nhở, lập biên bản, kiểm điểm xử phạt hành chính nhẹ nhàng chứ không có nhiều quyền xử lý.

Đặc biệt, các đối tượng xây dựng đều có máu mặt, xã nhắc nhở nhiều họ đều phớt lờ, không để ý đến chỉ đạo của xã.

Xã cũng báo cáo với huyện nhưng thông tin không kịp thời, xử lý chậm. Chúng tôi cũng xác định là làm gì cũng phải đảm bảo phát triển bền vững, gìn giữ đúng giá trị di sản, không được xây dựng trái phép dù với mục đích nào", ông Tùng khẳng định.

Về việc đưa khách du lịch khai thác nhà nghỉ qua đêm, theo ông Tùng, công an xã cũng đã đi kiểm tra thì thực tế họ chỉ đưa người nhà, anh em làm ăn với nhau ra nghỉ dưỡng, chứ không phải kinh doanh nhà nghỉ, vì ngoài đảo không có dịch vụ ăn uống, phương tiện đi lại khó khăn.

Và các công trình xây dựng quy mô vừa phải chứ không lớn, nhưng trái phép vẫn là trái phép, địa phương vẫn nhận trách nhiệm là tuần tra kiểm soát chưa nghiêm, nhận trách nhiệm với huyện, hoàn thiện hồ sơ trong tháng 7 sẽ xử lý xong hết.

Riêng Công ty TNHH Hoàng Trường có xin giữ lại làm công trình tránh trú bão, đây cũng là lý do hợp lý, vì đặc thù ngoài đảo cần chống sóng gió, bão, các nhà tạm bợ không ổn định được, các khu nhà của công ty được xây dựng cố định nên tránh bão được, nhưng đã là trái phép vẫn kiên quyết phá dỡ hết.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích