|
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội phát biểu kết thúc buổi công bố dự thảo kết luận thanh tra đất Đồng Tâm sáng 7-7 |
Trao đổi với người dân sau khi Thanh tra TP.Hà Nội công bố dự thảo kết luận thanh tra đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức sáng nay 7-7, ông Nguyễn Đức Chung cho biết việc thông báo là không bắt buộc theo luật nhưng là để giữ đúng lời hứa với người dân Đồng Tâm.
Chủ tịch Hà Nội khẳng định đã theo dõi, đôn đốc đoàn thanh tra, phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên môi trường, Ban Dân nguyện của Quốc hội, có sự giám sát của các đại biểu Quốc hội, của đại diện nhân dân và chính quyền sở tại (gồm có UBND huyện Mỹ Đức, UBND huyện Chương Mỹ, UBND xã Đồng Tâm, đại diện dân của xã Đồng Tâm và thôn Đồng Mít, thôn Hoành).
“Một là xuống làm việc một cách tận tâm, nhiệt tình. Hai là chăm chú, lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân, thu thập nghiêm túc toàn bộ việc cung cấp tài liệu từ bản đồ vẽ tay cho đến các ý kiến của người dân. Sau này, nếu người dân còn khúc mắc, đoàn thanh tra sẽ mời lên, sẵn sàng đối thoại”, ông Chung phát biểu.
Chủ tịch Hà Nội cho biết đã tổng hợp, đối chiếu, so sánh tài liệu chứng cứ thu thập được và đưa ra bản dự thảo kết luận thanh tra hôm nay “để đi đến sự thật chứ không phải để nêu hết ý kiến”, dựa trên các tài liệu chứng cứ xác đáng nhất để đưa ra kết luận đúng đắn nhất theo pháp luật.
Ông Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định tiếp tục công khai, minh bạch như đã đảm bảo từ hôm đối thoại đến việc công bố dự thảo hôm nay.
Các thiếu sót đã được dự thảo nêu rõ
Ông Chung cũng cố gắng giải thích, với tư cách cá nhân, một số vấn đề mà ông nhận thấy bà con Đồng Tâm vẫn còn đang khúc mắc.
Đầu tiên ông khẳng định diện tích đất của sân bay Miếu Môn nằm trong địa phận xã Đồng Tâm chỉ là 64,11ha như trong dự thảo kết luận thanh tra.
Vấn đề thứ hai mà người dân nêu là thẩm quyền, thủ tục giao đất theo quyết định 113 của Thủ tướng Chính phủ năm 1980.
“Tôi giải thích một cách đơn giản thế này. Đúng theo quyết định 113 thì tỉnh Hà Sơn Bình phải giao 208ha đất cho Bộ Quốc phòng, nhưng trong quá trình giao có thêm 31,9ha, tổng cộng là 239,9ha. Đáng nhẽ đã bàn giao rồi, đã nhận tiền đền bù rồi, thì Chủ tịch tỉnh Hà Sơn Bình lúc đó phải báo cáo để Thủ tướng bổ sung quyết định hợp pháp hóa 239,9ha đất đó”, ông Nguyễn Đức Chung nói.
“Nhưng quá trình đó, theo tôi hiểu, là có hoàn cảnh lịch sử. Những năm 1980-1990 đất nước còn đang khó khăn, có một ý kiến của Đảng xuống có lẽ người dân xã Đồng Tâm và huyện Mỹ Đức hiến cả nhà, đất, chấp hành rất nghiêm túc vì an ninh của đất nước, sẵn sàng bàn giao luôn cả đất cho giai đoạn 2”.
Sự thiếu sót về thủ tục thuộc về trách nhiệm của UBND tỉnh Hà Sơn Bình thì trong kết luận này cũng nêu rõ, ông Chung nhận định.
“Đến thời điểm năm 2003 và 2013 theo các luật Đất đai sửa đổi thì thẩm quyền giao đất này thuộc UBND các tỉnh, thành phố. Đến thời điểm 1-8-2008, Hà Tây và Hà Nội hợp nhất thì UBND TP.Hà Nội đã hợp pháp hóa 239,9ha mà quân đội đã sử dụng hợp pháp suốt từ năm 1980, bằng việc đo đạc, giao mốc giới và làm sổ đỏ cho quân đội sau khi trừ đi diện tích làm đường”, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Chủ tịch Hà Nội lưu ý là đến tận năm 2012, đơn vị quân đội được giao quản lý diện tích đất này vẫn cho một số người dân thuê khoán, có chứng từ. Nhưng việc này đã chấm dứt năm 2012.
“Chỉ khi đến quân đội giao đất cho Viettel gần đây mới xuất hiện việc người dân vào lấn chiếm. Theo hiểu biết của tôi thì ở đây có một nhóm người kích động để mong muốn đòi quyền lợi”, ông Chung cho biết căn cứ trên tài liệu điều tra của công an TP và chính cụ Lê Đình Kình nói với ông.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết các quá trình vận động, trao đổi trực tiếp của ông với người dân Đồng Tâm đều có ghi âm, ghi hình đầy đủ và sẵn sàng công khai các tư liệu này. Ông Chung một lần nữa nhấn mạnh tinh thần thượng tôn pháp luật trong xử lý vấn đề.
Ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu sau buổi công bố hôm nay đoàn thanh tra sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của bà con, và sau khi ký kết luận thanh tra sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo TTO