|
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tỏ ra lạc quan thận trọng sau cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Reuters |
"Ông Putin và tôi đã bàn về chuyện thành lập một đơn vị an ninh mạng không thể xuyên thủng để những chuyện như tấn công tin tặc bầu cử và nhiều thứ không hay khác sẽ bị ngăn chặn, đảm bảo an toàn", ông Trump viết trên Twitter ngày 9-7.
Nhà lãnh đạo Mỹ trước đó đã có cuộc gặp kéo dài hơn 2 giờ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức ngày 7-7. Chi tiết về cuộc gặp và các nội dung thảo luận không được công bố mà chỉ được tiết lộ qua lời kể của một số người trong cuộc như ông Putin và ông Trump, ngoại trưởng Nga và Mỹ.
Tổng thống Trump, bằng một loạt các dòng trạng thái trên Twitter trong ngày 9-7, đã hé lộ phần nào cuộc trò chuyện của ông với ông Putin.
"Tôi đã hai lần nhấn mạnh với Tổng thống Putin chuyện Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Ông ta kịch liệt bác bỏ chuyện đó", ông Trump viết. Người đứng đầu nước Mỹ xác nhận đã bàn về thỏa thuận ngừng bắn ở Tây Nam Syria (có hiệu lực từ trưa ngày 9-7) và nói "đã tới lúc tiến lên phía trước" với người Nga.
|
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio ví von ý tưởng của ông Trump với chuyện hợp tác sản xuất vũ khí hóa học với ông Assad - Ảnh: Reuters |
Dòng tweet của ông Trump đã lập tức vấp phải sự chỉ trích gay gắt của một số nghị sĩ đảng Cộng hòa. Họ cho rằng bắt tay với người Nga để bảo đảm an ninh mạng trong lúc đang còn lùm xùm chuyện Matxcơva can thiệp bầu cử Mỹ là điều nực cười, theo hãng tin Reuters.
"Nó không phải là ý tưởng dại dột nhất tôi từng nghe nhưng cũng gần như vậy", Thượng nghị sĩ (TNS) Cộng hòa Lindsey Graham nói thẳng trong chương trình "Gặp gỡ báo chí" của đài NBC ngày 9-7. Ông Graham cảnh bảo điều này cho thấy Tổng thống Trump đang sẵn lòng "tha thứ và quên đi" chuyện áp đặt thêm lệnh trừng phạt Nga.
Trong khi đó, TNS Marco Rubio nói ý tưởng của ông Trump là điều hết sức tệ. "Hợp tác với Putin về một đơn vị an ninh mạng, giống như hợp tác với Tổng thống Syria Bashar al Assad thành lập một đơn vị vũ khí hóa học", ông Rubio viết trên Twitter ngày 9-7.
"Phải rồi, bây giờ là lúc để tiến lên phía trước. Nhưng có một cái giá sẽ phải trả cho chuyện đó", TNS kỳ cựu của đảng Cộng hòa John McCain tỏ ra hằn học trong chương trình"Face the Nation" của CBS.
Hai ông McCain và Graham cũng tranh thủ "bật lại" ý kiến của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khi ông này nói Nga "đã có cách tiếp cận đúng đối với vấn đề Syria", còn Mỹ dường như sai. Nhà lãnh đạo ngoại giao Mỹ trước đó cũng bị sửa lưng bởi một dòng tweet của ông Trump.
"Các lệnh trừng phạt đã không được đề cập trong cuộc gặp của tôi với Tổng thống Putin. Sẽ không có chuyện gì xảy ra hết cho tới khi vấn đề Ukraine và Syria được giải quyết", Tổng thống Mỹ viết trên Twitter ngày 9-7.
Hôm 7-7, ông Tillerson khẳng định với các phóng viên Tổng thống Trump đã nói với ông Putin rằng các nhà lập pháp Mỹ đang đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt Nga. Ngoại trưởng Mỹ cũng nói ông thấy bất ngờ trước cách ông Trump nói thẳng với ông Putin chuyện Nga can thiệp bầu cử Mỹ, theo New York Times.
Tổng thống Trump đã ngay lập tức phản pháo, nói bàn là một chuyện, làm là chuyện khác. "Chuyện Tổng thống Putin và tôi thảo luận thành lập một đơn vị an ninh mạng chung không có nghĩa là nó sẽ được thành lập. Nó không thể xảy ra đâu, nhưng lệnh ngừng bắn ở Syria thì có thể", ông Trump viết trên Twitter ngày 10-7.
Theo TTO