Trâu chọi Đồ Sơn những ngày buồn - Kỳ 2: Những 'ông trâu' cả trăm triệu

Thứ hai, 10/07/2017, 14:15
Ở Đồ Sơn, chỉ có những người có tiềm lực kinh tế lớn và cực kỳ đam mê mới dám sở hữu một "ông trâu".

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đang bị tạm hoãn

Ngoài chuyện bỏ ra rất nhiều tiền để tìm và chăm các "ông trâu", tâm huyết chủ trâu bỏ ra là không thể đong đếm được.

Kỳ công săn tìm "ông trâu" giá trăm triệu

Anh Lê Bá Võ (37 tuổi, ngụ 254 đường Suối Rồng, phường Ngọc Xuyên, Đồ Sơn, Hải Phòng) sinh ra trong một gia đình có truyền thống nuôi trâu chọi. Nhưng do hoàn cảnh kinh tế, phải đến năm 2003, anh Võ mới dám vào nghề. “Ngày xưa các cụ chỉ đi Nam Định, Thái Bình hay Quảng Ninh mua trâu. Nhưng bây giờ tìm được các "ông trâu" chọi khó lắm. Thậm chí các vùng núi phía Bắc hay miền Trung cũng đã cạn nên phải đi vào miền Tây Nam Bộ để tìm”, anh Võ chia sẻ.

Tìm được "ông trâu" ưng ý cũng là một cái duyên khó lý giải. “Năm 2003, tôi lên Yên Bái mua trâu. Trước khi đi tôi đã nhờ anh em tìm được 5 "ông trâu" ở 5 xã. Nhưng khi lên đó xem thì thất vọng lắm, không "ông" nào có chỉ số ưng ý. Suốt cả tuần cứ đi từ 5 giờ sáng đến 20 giờ tối vào bản xem trâu mà không được nên cảm thấy nản. May sao khi chuẩn bị về thì chú em tôi quen báo có một "ông trâu" ở gần nhà nổi tiếng hung hăng, hay... đánh nhau. Tôi và ông cậu vào tìm mua thì chủ trâu không bán vì nghi là lái buôn đến mua. Thuyết phục cả 1 ngày trời, trưng cả giấy giới thiệu của quận mới mua được "ông trâu" về”, ông Võ nhớ lại.

Theo quan niệm dân gian, các "ông trâu" có những quy chuẩn nhất định, chẳng hạn phải có tuổi từ 10 đến 15 thì mới chọi được. Ít năm quá thì non dễ bị áp vía, nhiều năm quá thì yếu, xuống thể lực nhanh. Cách tính tuổi trâu rất khó, thường dựa vào xem móng trâu hoặc tùy vào kinh nghiệm của người mua. Bên cạnh đó các yếu tố như sừng, vòng ngực, lông, da cũng được lựa chọn theo “gu” của các chủ trâu. Công việc tìm trâu thường diễn ra vào tháng 9 âm lịch. Nhiều chủ trâu phải mất cả tuần, thậm chí cả tháng trời để tìm được "ông trâu" ưng ý.

Ở Đồ Sơn, ông Lưu Đình Võ (54 tuổi, ngụ số 259 Lý Thánh Tông, Q.Đồ Sơn) là một người có tiếng và được nể phục vì cách nuôi trâu. “Tôi thường đi Kiên Giang, An Giang hoặc Campuchia để tìm các "ông trâu". Trước khi đi phải làm lễ cúng gia tiên, lên đền xin phép thần linh và ra quận xin giấy thông hành. Khi tìm được "ông trâu" ưng ý phải làm lễ tạ tại đó xin phép đưa "ông trâu" về. Các "ông trâu" hiện nay có giá khoảng 100 đến 200 triệu. Tiền thuê xe ôtô chở "ông trâu" từ Nam ra Hải Phòng khoảng 30 triệu. Tiền chăm sóc, lễ bái tầm 60 triệu. Nói chung chi phí vào một "ông trâu" cũng phải lên đến 300, 400 triệu”, ông Võ tiết lộ.

Một "ông trâu" giá lên đến hàng trăm triệu
"Sang chảnh" như trâu chọi

Việc nuôi trâu chọi là quá trình chăm sóc cho đạt sức khỏe tốt, tập luyện tạo sức bền và làm quen với trống, cờ, không khí lễ hội. Khẩu phần các "ông trâu" rất đa dạng. Chủ yếu là cỏ. Chủ trâu phải thử xem "ông trâu" thích ăn cỏ lá, cỏ lông hay cỏ voi để cho ăn. Ngoài ra phải cho ăn thêm cám ngô, mía, uống bia… Thậm chí có người bảo các ông chủ lắm tiền còn cho trâu chọi ngậm sâm. Khoảng 2 tháng trước vòng loại, các "ông trâu" sẽ vào vòng chu kỳ huấn luyện đặc biệt như lội bùn, chạy cát, bơi ao.
Đặc biệt là việc làm quen với trống cờ, bằng cách buộc "ông trâu" ngoài đường rồi cắm cờ đánh trống. "Ông trâu" nào không quen được thì coi như... hỏng. Để khơi dậy bản năng chiến đấu của các "ông trâu" thì phải “ngấy trâu”. Tức là các chủ trâu cho các "ông trâu" buộc gần nhau, lườm nhau. “Trâu đực đánh nhau để bảo vệ lãnh thổ hoặc động đực. Khi thấy "ông trâu" khác nhăm nhe địa bàn mình là các "ông trâu" hăng máu ngay. Dần dần sẽ khơi dậy được bản năng chiến đấu mãnh liệt. Chính cái đó mới thúc giục ông trâu chọi nhau chứ làm gì có chất kích thích nào” ông Võ nói.
Thông thường "ông trâu" có 2 cách đánh cơ bản là hổ lao và đòn cáng. Ông Võ chỉ tìm mua các ông trâu có đánh đòn cáng. “Những trâu chọi được thường rất nổi tiếng trong khu vực mình sống vì hay đánh nhau. Khi xem trâu, tôi chỉ cần kiểm tra hai bên má nếu thấy nhiều sẹo là dám chắc "ông trâu" ấy thích đánh miếng cáng. Thường thì những "ông" hay cúi đầu húc húc vào ụ đất, gốc cây là có đòn hổ lao, "ông" nào hay dùng sừng lựa miếng hất đất, hất khúc cây lên là chơi đòn cáng”, ông Võ giải thích.
Theo đó việc hiểu đòn thế của ông trâu sẽ giúp người dắt trâu vào xới biết cách thả trâu phù hợp, tạo thuận lợi cho "ông trâu" ra đòn. Trên thực tế cũng có nhiều "ông trâu" sở hữu cách đánh khác thường. Như "ông trâu" số 28 vô địch năm 2016 thì đánh cả hổ lao lẫn đòn cáng tùy vào đối thủ. Do vậy, chủ trâu hay người quản ngưu phải thật gần gũi, am hiểu tính cách, đòn miếng của "ông trâu" để lên chiến thuật hợp lý.
Chủ trâu lo sốt vó sau khi lễ hội bị tạm ngưng
Ngoài ra việc nuôi trâu chọi ở Đồ Sơn còn có những nguyên tắc rất ngặt nghèo mang hơi hướng tâm linh. Phụ nữ không được sờ vào đồ lễ cúng; người có tang, có bầu không được gần "ông trâu". Còn chủ trâu không được ngủ cạnh vợ 1 tháng trước khi thi đấu... Tất cả những điều kỵ này đều được tuân thủ rất nghiêm túc. Bởi với người dân Đồ Sơn, chủ trâu vào được vòng chung kết đã là một vinh dự cực kỳ to lớn của bản thân và dòng họ. Người có "ông trâu" vô địch thì là đỉnh cao vinh dự. Thế mới có việc, ảnh những cặp trâu thi đấu chung kết, nhận giải thường được người dân Đồ Sơn treo ở những vị trí trang trọng nhất trong nhà.
“Ông trâu là danh dự và đam mê chứ không thể làm giàu có tiền được đâu. Người ta nói bán thịt kiếm mấy trăm triệu nhưng thực tế đâu được thế. Giá trâu vô địch là 6 triệu đồng/kg, nhì 4 triệu, ba 2 triệu/kg. Các trâu ở vòng chung kết khoảng 1 triệu/kg, trâu vòng loại 8 trăm nghìn. Mà có bán được hết toàn bộ đâu. Còn biếu anh em bạn bè nữa. Tôi dám chắc chỉ có lỗ thôi”, ông Võ khẳng định.
Việc lễ hội bị tạm ngừng sau sự cố trâu chọi húc chết chủ đã đặc biệt ảnh hưởng đến các chủ trâu. 16 "ông trâu" thắng vòng loại đang không biết giải quyết thế nào. Nhiều chủ trâu tính sẽ đưa trâu đi sang giải khác thi đấu hoặc bán lại cho thương lái. Tuy nhiên tất cả vẫn mong Lễ hội vẫn được tổ chức. Thế mới có chuyện, trong sáng 4.7 khi các chủ trâu làm việc với chính quyền quận Đồ Sơn, chủ trâu Đinh Đắc Đoàn đã dốc bầu tâm sự đưa 4 giải pháp tăng tính an toàn cho xới chọi. Cụ thể ông Đoàn đề nghị tất cả các "ông trâu" đeo khuyên mũi để dễ bắt, thu hẹp vòng xới đấu, đường bắt hình chữ chi và tạo hai điểm thả trâu có rào chắn, khi trọng tài phất cờ mới mở cửa thả trâu ra.
Trâu chọi có hai đòn thế, đòn cáng và đòn hổ lao
Dấu ấn về lễ hội sâu đậm như vậy nên khi có sự cố và đứng trước nguy cơ bị dừng tổ chức, người dân Đồ Sơn vô cùng lo lắng. Ông Lưu Toàn Thắng, chánh lễ Lễ hội chọi trâu cho rằng: “Cấm thì dễ lắm, còn làm tốt hơn và bảo tồn, lưu giữ mới khó, mới cần thiết chứ. Chính quyền địa phương, BTC lễ hội phải làm được việc này”.
"Chưa bao giờ có chuyện trâu tấn công chủ"
Theo ông Lưu Toàn Thắng, dựa trên những tài liệu còn lưu được thì lễ hội chọi trâu đã có từ thế kỷ thứ 17. Sau 1 thời gian gián đoạn, năm 1990, lễ hội này đã được khôi phục với đầy đủ bản sắc theo cổ lễ. Và từ đó đến nay, chưa bao giờ có chuyện trâu tấn công chủ như vụ việc xảy ra hôm 1.7. Ông Lưu Đình Võ khi chứng kiến việc này đã rất sốc.
Ông Võ chia sẻ: "Khi chăm trâu, huấn luyện trâu chỉ cần thấy "ông trâu" cúi đầu nghênh sừng, mắt đỏ ngầu là chủ trâu biết "ông trâu" đang khó chịu. Lúc đó cần phải tránh. Tuy nhiên, giận lắm thì ông trâu cũng chỉ lắc sừng vài cái chứ tuyệt đối không tấn công chủ".
Chuyện trâu húc chủ xưa nay chưa hề có, theo nhận định của giới có thâm niên về châu trọi
Còn trong xới chọi, đã có vài lần các ông gây thương tích cho người. Tại vòng loại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2007 tổ chức ngày 21.7.2007, trâu chọi số 20 đã húc tung trọng tài Lê Bá Đường, khi đó 73 tuổi. Trước đó, tại mùa hội năm 2006, 2 con trâu đã phá vỡ hàng rào sắt cạnh cửa bắc của Sân vận động Đồ Sơn và lao thẳng vào khu vực khán giả, làm trọng thương ông Vũ Đức Tùy, một người dân ở P.Ngọc Hải, Q.Đồ Sơn.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích