Qatar đòi bồi thường hàng tỷ USD
Ngày 9/7, phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Doha, ông Ali bin Fetais al-Marri, Bộ trưởng Tư pháp Qatar cho biết nước này đang lập một ủy ban phụ trách việc đòi bồi thường về những thiệt hại xuất phát từ sự phong tỏa của các nước láng giềng vùng Vịnh.
Cụ thể, ủy ban trên sẽ nhận tất cả những khiếu nại từ các khu vực công, tư hoặc các cá nhân.
Nguyên đơn có thể là các công ty lớn như hãng hàng không Qatar Airways, các ngân hàng hoặc các cá nhân, có thể khởi kiện tại các tòa án ở trong và ngoài nước, kể cả ở Paris, London, về cái mà Doha gọi là “sự vây hãm” Qatar.
“Chúng tôi có những người, doanh nghiệp và các ngân hàng bị thiệt hại lâu dài. Và những người gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường”, ông Al-Marri nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tư pháp Qatar cũng tuyên bố sẽ tham khảo cả cơ chế trong nước và quốc tế để phục vụ kế hoạch đòi bồi thường. Thậm chí Doha còn tính tới việc thuê công ty luật nước ngoài để giải quyết khiếu nại của nước này.
Qatar muốn đòi các nước vùng Vịnh bồi thường hàng tỷ USD |
Ủy ban mới này sẽ nằm dưới sự giám sát của Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao Qatar.
Tuyên bố trên của Qatar được đưa ra sau khi các quốc gia vùng vịnh như: Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar đồng thời cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố hôm 5/6.
Thậm chí, để gia tăng sức ép cho Doha, 4 nước trên đã rút các nhà ngoại giao khỏi quốc gia này. Đồng thời tuyên bố ngừng mọi chuyến bay đi và đến Qatar cũng như yêu cầu các công dân Qatar về nước trong vòng 14 ngày.
Chưa dừng lại, hát biểu với báo giới tại Rome (Italia) mới đây, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Than đã bác yêu sách của các quốc gia vùng Ả Rập.
Theo Ngoại trưởng Qatar, các yêu cầu trong tối hậu thư các nước Ả Rập đưa ra không phải để chống chủ nghĩa khủng bố mà can thiệp vào chủ quyền của quốc gia này.
Đến ngày 23/6, 4 quốc gia vùng vịnh đã gửi bản danh sách gồm 13 yêu cầu tới Qatar và tuyên bố cho Doha 10 ngày để thực hiện các yêu cầu này.
Những nước này đòi hỏi Qatar phải đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, cắt đứt mối quan hệ với Iran và đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar.
Cùng với đó, Doha phải công khai tuyên bố chấm dứt mối liên hệ với các tổ chức khủng bố cực đoan bao gồm tổ chức Anh em Hồi giáo, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), al-Qaeda, Hezbollah và Jabhat Fateh al Sham.
Qatar chơi bài ngửa?
Trái với những kỳ vọng, đã qua một tháng, kể từ khi Saudi Arabia khởi phát và kêu gọi Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập thực hiện phong toả Qatar, song kết quả mà Riyadh và các đồng minh đạt được chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Trước sự cương quyết của Qatar, các quốc gia vùng vịnh tuyên bố sẽ cân nhắc bước trừng phạt tiếp theo nếu Doha không đáp ứng các yêu cầu.
Đại sứ UAE tại Nga từng cảnh báo, Qatar có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mới nếu không đáp ứng được các điều kiện trên.
Theo vị đại sứ, các quốc gia vùng Vịnh có thể yêu cầu các đối tác thương mại lựa chọn làm việc với họ hoặc Doha…
Qatar sẵn sàng chơi bài ngửa với các quốc gia vùng Vịnh. |
Trong khi đó, trên trang Twitter cá nhân, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash còn cảnh báo Qatar nên lựa chọn những người hàng xóm và minh bạch trong các hoạt động của mình.
“Khi sự thật đang tiến gần, chúng tôi kêu gọi người anh em (Qatar) lựa chọn những người hàng xóm của họ, chọn sự trung thực, sự thật và minh bạch trong các hoạt động của họ. Đồng thời nhận ra, sự ồn ào của truyền thông và chủ nghĩa anh hùng trong ý thức hệ chỉ là ảo tưởng”, ông Anwar Gargash nhấn mạnh.
Thủ tướng UAE kiêm Quốc vương Dubai Sheikh Mohammed bin Rashid al-Maktoum cũng chỉ sẻ một bài thơ trên Instagram đồng thời kêu gọi Qatar đoàn kết với phần còn lại của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Theo chuyên gia phân tích cấp cao về Trung Đông và Bắc Phi Firas Abi Ali của HIS Markit, các nước vùng Vịnh tính toán trong tình trạng bị phong tỏa, Qatar sẽ phải nhượng bộ các yêu cầu của khối Ả Rập trong vòng 3-6 tháng để hạ nhiệt căng thẳng.
Tuy nhiên với tình hình thực tế hiện nay, toan tính trên rất khó có thể đạt được. Bởi lẽ khi cuộc khủng hoảng Qatar kéo dài, nền kinh tế, thương mại của thế giới và vùng Vịnh sẽ bị ảnh hưởng, buộc các quốc gia trung lập như Kuwait và Oman, thậm chí là Mỹ, phải vào cuộc quyết liệt hơn để tìm ra giải pháp.
Ameer Ali, giảng viên Trường Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học Murdoch ở Australia cũng khẳng định rằng, giải pháp ngoại giao là cách tốt nhất để giải quyết căng thẳng tại khu vực Trung Đông hiện nay.
Trong đó, Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hóa giải mâu thuẫn giữa Doha và 4 nước vùng vịnh vì có quyền lợi gắn liền trực tiếp tại đây.
“Căn cứ quân sự ở Qatar có vai trò rất lớn trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo. Đó là lý do Mỹ phải nhanh chóng tìm giải pháp cho vấn đề Qatar”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Theo Đất Việt