Cao nhất 75 tỷ đồng không bán
Đến làng vào một ngày mưa tầm tã, phóng viên đã đến gặp ông Nguyễn Văn Khôi, ông Khôi là người làm trong Ban quản lý di tích đình làng Đông Cốc nhưng đã nghỉ thời gian gần đây. Ông Khôi cũng chính là người chứng kiến sự khởi đầu cho một cuộc mua bán đầy tranh cãi.
Ông Khôi cho biết: “Nhớ lại thời điểm tháng 2/2016, một đại gia Hà Tây cũng là cháu tôi đã mời ông Nguyễn Văn Hiến - Chủ tịch xã Hà Mãn sang chơi và bàn về việc mua lại cây sưa 200 tuổi trong đình làng. Hôm đó tôi là người đi cùng và đưa ông Hiến sang”.
Hạ cây sưa 200 tuổi |
“Cuộc ngã giá đã đi đến thống nhất là sẽ bán cây sưa với giá 60 tỷ đồng, số tiền đó sẽ chuyển thẳng về xã. Ngoài ra, đại gia Hà Tây sẽ chi thêm 15 tỷ đồng để làm giấy tờ cho cây, như vậy tổng số tiền đã lên tới 75 tỷ đồng”, ông Khôi cho biết thêm.
Tiếp mạch câu chuyện ông Khôi kể: “Thế nhưng, đến phút cuối ông Hiến đã yêu cầu đưa trước 5 tỷ đồng tiền lót tay trong số 15 tỷ đồng ấy. Cháu tôi không đồng ý và chỉ chấp nhận đưa trước 2 tỷ đồng, khi nào có giấy tờ sẽ chuyển nốt số tiền còn lại”.
“Không đi đến thống nhất được việc mua bán, nhưng ông Hiến vẫn đòi đi ăn chơi tại thị trấn Xuân Mai, Hòa Bình. Thậm chí, tiền xe chuyến đi lên Xuân Mai là 1,5 triệu đồng cũng không thanh toán cho tôi”, ông Khôi bức xúc cho biết.
Thấp nhất 49 tỷ đồng
Người dân thôn Đông Cốc bất bình khi cây sưa bị UBND xã Hà Mãn bán với giá 24,5 tỷ đồng ắt hẳn phải có nguyên do của nó.
Bởi, trước đó, đã có một đại gia viết đơn gửi về xã để được xin mua cây sưa với giá 49 tỷ đồng. Bà con trong thôn từ đó cũng ngầm hiểu 49 tỷ đồng mới là giá sàn của cây.
Đơn của đại gia này được vợ đứng tên, ngoài số tiền 28 tỷ đồng ra, 21 tỷ sẽ được viết cam kết tu bổ lại di tích và hệ thống phúc lợi |
Trong đơn, đại gia này có xác nhận sẽ chuyển thẳng 28 tỷ đồng vào tài khoản chung của UBND xã Hà Mãn. Số tiền 21 tỷ đồng còn lại, vị đại gia cũng muốn tự tu sửa lại toàn bộ đình làng Đông Cốc để thể hiện cái tâm và xây dựng lại các công trình phúc lợi cho bà con.
Thế nhưng, dường như sự minh bạch lại là cái gai cần phải loại bỏ. Đơn xin mua cây của đại gia này đã bị từ chối.
Theo lời ông Khôi: “Một thời gian sau, ông Nguyễn Văn Khâm là một đại gia khác ở Lạc Đạo (Hưng Yên) cũng là người đứng lên ngỏ ý muốn mua cây sưa với giá 52 tỷ đồng, cao hơn 3 tỷ đồng so với giá người đầu tiên trả”.
Nhưng có vẻ như, cái giá này hơi “cao” nên lãnh đạo xã không muốn bán. Sau đó, ông Nguyễn Tiến Nho là cán bộ Mặt trận Tổ Quốc thôn đã giới thiệu ông Hùy đến mua.
Nhớ lại những lời ông Nho nói, ông Khôi kể lại: “Ông Nho có bảo với tôi rằng, nếu ông Hùy mua được cây, sẽ biếu ông Nho 1 tỷ đồng, coi như là tiền hoa hồng môi giới. Sau đó, khi cây được bán, chính ông Nho xác nhận đã nhận được số tiền 1 tỷ đồng này từ ông Hùy”.
Sự việc sau đó, khi cây sưa đã bị bán đi với giá 24,5 tỷ đồng đã được SGN kể lại ở loạt bài viết trước đó.
Việc nào cũng đầy uẩn khúc
Sau khi bán cây sưa xong, UBND xã cho mở 3 cuộc họp liên tiếp để lấy ý kiến người dân về việc “họ đã bán cây sưa 200 tuổi với giá 24,5 tỷ đồng”. Tức là bán xong UBND xã mới hỏi ý kiến dân có bán không? Và tất nhiên, tất cả đồng lòng phản đối..!
Cây sưa 400 tuổi có giá trị hơn cả cây đã bị chặt hạ |
Không hợp thức hóa được lý do bán cây, UBND xã đã gọi các hộ dân trong làng lên để nhận một khoản tiền 10 triệu đồng mỗi người, con gái đi lấy chồng rồi thì được 5 triệu đồng. Khoản tiền được thông báo là tiền “hỗ trợ sản xuất nông nghiệp” và bắt bà con ký vào.
Tất cả xong xuôi, xã mới thông báo đó là tiền bán cây và bà con đã ký xác nhận vào tờ đơn đồng ý bán. Thế là, bỗng một ngày đẹp trời, cả làng đồng ý bán sưa!
Trên báo chí sau đó, cũng nhiều thông tin trái chiều cho rằng bà con thôn Đông Cốc đồng ý bán cây rồi. Những thông tin sai lệch đó đã làm cho dư luận phê phán và ảnh hưởng khá nhiều tới người dân nơi đây.
Bán cây mới trả 16 tỷ, 8,5 tỷ đồng còn lại ra sao
Sau cuộc đấu giá thành công mà không ai biết ở Đầm Chấu, ông Hùy đã chuyển 16 tỷ đồng về cho xã, 8,5 tỷ đồng còn lại giao cho công ty đấu giá, khi nào nhận cây thì xã sẽ nhận nốt số tiền còn lại.
Thế nhưng theo ông Phạm Minh Hải: “Khi việc mua bán gặp phản ứng dữ dội từ bà con, đơn kiện được gửi đi, số tiền 8,5 tỷ đồng tại công ty đấu giá đã phải đóng băng. Nhưng người mua là ông Hùy thì vô cùng sốt ruột vì bỏ ra mười mấy tỷ đồng mà cây thì chẳng thấy đâu”.
Đình làng Đông Cốc |
“Nên ông Hùy đã ứng ra 8,5 tỷ đồng để trả trước cho xã tại đình làng Đông Cốc với sự chứng kiến của các cụ trong BQL di tích và BQL thôn, hôm đó tôi đã đứng trước cửa đình chứng kiến toàn bộ sự việc”, ông Hải cho biết thêm.
Số tiền vừa được trao cho xã thì lập tức cây sưa bị hạ với 2 vòng vây bảo vệ của lực lượng công an xã, công an huyện và một số “thành phần khác”.
Người dân có đến phản đối nhưng vô ích, trong số đó có cả gia đình anh Đoàn là người đã từng bị đánh vỡ đầu trong cuộc họp dân trước đó có sự chứng kiến của ông Nguyễn Xuân Đương - Phó chủ tịch huyện Thuận Thành, ông Phạm Văn Chuyền – Phó Công an huyện Thuận Thành.
Nhớ lại lúc đó, ông Hải kể: “Để đỡ ồn ào, ông Hiến đã gọi tôi lại nhờ đứng ra dàn xếp người dân đi về, tối ông Hiến sẽ mang tiền sang cho gia đình anh Đoàn số tiền là 50 triệu đồng. Nhưng đến bây giờ, cháu Đoàn vẫn chưa nhận được gì”.
Ảnh anh Đoàn bị đánh vỡ đầu tại buổi họp dân hôm đó. Mặc dù gia đình đã đi kiện nhiều nơi nhưng sự việc gần 1 năm nay mà vẫn chưa được đưa ra ánh sáng (Nguồn: bố nhân vật cung cấp) |
Ngoài ra, ông Hải còn cho biết: “Số tiền 8,5 tỷ đồng kia cũng đang chứa đựng rất nhiều uẩn khúc mà người làng, hay thậm chí 52 người đại diện cho cộng đồng dân cư cũng không hề biết nó giờ ra sao”.
Theo Dân Trí