Nỗi niềm gác chắn đường ray giữa lòng Sài Gòn

Thứ tư, 11/10/2017, 14:54
Gác chắn đường ray tưởng chừng là việc nhẹ nhàng nhưng thực tế rất vất vả, thậm chí cả hiểm nguy. Một chiều cuối tháng 9, mưa nặng hạt nhưng nhân viên trạm chắn đường sắt Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp) vẫn tất tả đón chuyến tàu từ Hà Nội vào ga Sài Gòn, qua trạm lúc 15 giờ 30.

Nhân viên gác chắn trạm Phạm Văn Đồng đang kéo barie bảo đảm an toàn khi tàu chạy qua

Đến giờ, nhân viên ra đẩy rào chắn.

Đường Phạm Văn Đồng là huyết mạch nối vào sân bay Tân Sơn Nhất nên ngừng lưu thông chỉ vài giây cũng khiến lượng xe bị tắc nghẽn kéo dài. Vậy mà 10 phút trôi qua vẫn không thấy bóng dáng tàu. Dòng người kéo dài hơn 2 km đã bắt đầu bực tức, nôn nóng.

Nhân viên “tiến thoái lưỡng nan”: Không dám mở rào chắn vì trung tâm đã báo tàu đang vào, mà giữ rào chắn thì ùn tắc giao thông càng tăng. Lái tàu lại không liên lạc được. Lúc này, nhân viên Nguyễn Văn Kế phải đội mưa lội bộ dọc đường ray ra hướng Sóng Thần để tìm hiểu nguyên nhân, thì ra một đoạn đường ray bị ngập, tàu không dám chạy qua, cũng không thông báo về trạm. Đảm bảo mọi việc an toàn, trạm mới dám mở chắn giải tỏa lưu thông.

“Bắt” tàu, cứu người

"Chị em trực chốt một mình khi gặp người say, lúc gặp người nghiện, mà toàn vào đêm khuya. Nếu tinh thần không vững chắc không dám làm nghề này đâu".

Chị Trần Thị Hoa, nhân viên gác chắn trạm Bình Triệu

Dẫn chúng tôi đi dọc cung chắn Thủ Đức, trưởng cung chắn Vũ Hải Triều cho biết cung này gồm 7 trạm chắn: Tô Ngọc Vân, Đình Thần, Linh Đông, An Lạc, Cá Sấu, Ưu Đàm, Bình Triệu, tổng chiều dài 5,2km.

Điểm nổi bật ở cung này là thường xuyên… ngập nước. Vì lý do đó mà thảm họa suýt xảy ra. Chiều 2.2, trời mưa khiến đường sắt đoạn gác chắn Tô Ngọc Vân bị ngập nặng. Nhân viên trực bão lũ cung đường này yêu cầu phong tỏa không cho tàu đi qua và gác chắn đặt biển đỏ 2 đầu đường tàu về để chờ nước rút, còn xe cộ vẫn lưu thông trên đường Tô Ngọc Vân. Nhưng chừng 10 phút, trạm nhận được yêu cầu khẩn cấp từ trực ban ga Sóng Thần phải ra “bắt” tàu SPT1 (Phan Thiết - Sài Gòn) đang tiến vào. Nhân viên trạm chắn chạy ra dùng tín hiệu dừng tàu, hô hoán người dân tránh tàu. Cũng may, tàu SPT1 dừng kịp.

Sự cố này sau đó được tìm ra nguyên nhân và 7 nhân viên ga Sóng Thần bị kỷ luật, còn 2 nhân viên gác chắn Tô Ngọc Vân được khen thưởng vì hành động dũng cảm “bắt” tàu, cứu người.

Ông Hồ Hoàng Sỹ (42 tuổi), nhân viên gác tàu trạm Đình Thần, cho hay khi nhận được tin báo tàu đến, nhân viên phải ra quan sát đường ngang, sau đó bật tín hiệu đèn, chuông báo hiệu, đóng chắn đường bộ, làm tín hiệu đón tàu. Sau khi tàu đi qua, nhân viên kiểm tra lại gác chắn, ghi lại giờ tàu chạy trong sổ nhật trình. Thông tin giữa nhân viên trạm chắn và trực ban đều được “hộp đen” ghi lại.

“Gác trạm chắn cần nhất vẫn là kinh nghiệm. Khi sự cố xảy ra, nếu xử lý không kịp có thể sẽ gây tai họa lớn. Có lần, tôi trực ở trạm chắn Nguyễn Kiệm đón một tàu hàng. Khi tàu chạy qua, tôi phát hiện 5 toa sau bị đứt. Đây là trường hợp hy hữu và nguy hiểm, bởi nếu mở rào chắn trong khi các toa bị đứt vẫn còn chạy theo quán tính sẽ tông vào người đi đường. Lúc đó tôi vẫn giữ nguyên chắn, đồng thời tác nghiệp kỹ thuật để tàu lùi lại nối các toa bị đứt. Việc làm này chỉ mất chừng 4 - 5 phút nhưng nếu chờ xin ý kiến cấp trên sẽ mất 2 - 3 giờ khiến cung đường bị ách tắc”, ông Sỹ nói.

Hơn 22 năm làm nghề gác chắn tàu, ông Sỹ hầu như đi và hiểu hết “tính cách” các cung đường sắt từ Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương về tới TP.HCM để có những xử lý phù hợp. Ở TP.HCM, khó khăn của người gác chắn tàu là đường sá thường xuyên bị ùn tắc, kẹt xe; hành lang an toàn giao thông đường sắt ngày càng bị xâm phạm nghiêm trọng dẫn tới hạn chế tầm nhìn của lái tàu và cả nhân viên gác rào chắn.

Nhân viên Nguyễn Thị Thúy, trạm gác Bình Triệu, đang làm nhiệm vụ

Tai nạn chực chờ

Công ty TNHH MTV quản lý đường sắt Sài Gòn quản lý tuyến đường sắt 4 tỉnh, thành (Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM) với hơn 280 nhân viên gác chắn, trong đó tuyến TP.HCM dài 15km, có 21 trạm với 104 nhân viên (60 nhân viên nữ). Trung bình 1 ngày có khoảng 20 đoàn tàu ra vào TP.HCM, dịp lễ Tết lượng tàu tăng gấp 2 - 3 lần ngày thường.

Ông Dương Minh Chiến (45 tuổi), trưởng cung chắn Gò Vấp (phụ trách các trạm chắn Nơ Trang Long, Phạm Văn Đồng, Nam Gò Vấp, Thích Quảng Đức, Nguyễn Kiệm, Đỗ Tấn Phong), cho hay từ khi thành lập cuối năm 2012, trạm chắn Phạm Văn Đồng trở thành trạm có khoảng cách mặt đường lớn nhất nước, mép bên này sang bên kia rộng hơn...105m.

Ở các trạm chắn khác, thường mỗi ca trực chỉ có 1 - 2 nhân viên, trạm này cần tới 7 nhân viên mới kham hết việc. Rào chắn dài nên mỗi khi tàu tới, phải 2 nhân viên nam to khỏe mới đẩy nổi.

“Khó khăn ở trạm chắn này là đường rộng, lại có làn đường dành riêng ôtô, cho phép chạy với vận tốc 80km/giờ nên hết sức nguy hiểm cho nhân viên đẩy chắn. Chuyện ôtô cố tình vượt, tông vào rào chắn xảy ra thường xuyên. Mới đây dù chắn đã đóng, chuông báo hiệu bật vẫn có chiếc taxi cố tình vượt, đâm cả rào chắn”, ông Chiến kể. Cách đây không lâu, dù barie đã đóng nhưng một ôtô 7 chỗ và xe máy chạy ngược chiều vẫn cố tình vượt qua. Hậu quả, ôtô đâm thẳng vào xe máy. Chiếc xe máy bị hất văng xa, còn người lái xe máy bị chấn thương nặng.

Cạnh đó, các chuyến tàu đến ga Sài Gòn thường từ 2 - 3 giờ đến 8 giờ sáng. Khung giờ này khá nguy hiểm cho nhân viên nữ trực một mình.

Cách đây hơn 3 tháng, chị Trần Thị Cẩm Nhung, nhân viên gác chắn đường Thích Quảng Đức (Q.Phú Nhuận), ra khỏi chốt kéo rào chắn cho tàu lửa chạy, quay lại thì bị một thanh niên ngáo đá kéo vào trong khóa trái cửa lại. Sau đó, cảnh sát hình sự tung cửa xông vào, tước dao và khống chế đối tượng thành công. Chị Nhung bị một phen hú vía.

Còn chị Trần Thị Hoa, nhân viên gác chắn trạm Bình Triệu, kể khi còn gác ở chốt Cá Sấu (thuộc cung chắn Thủ Đức), vào khoảng 2 giờ sáng, một mình chị trực thì có người đàn ông say rượu cứ gõ cửa nhất định đòi vào ngủ nhờ ở trạm. Chị Hoa không đồng ý còn người này không chịu đi và… nằm ngủ ngay trước cửa. “Tôi ở trong chốt cãi nhau với anh ta mà vừa cãi vừa sợ. Chị em trực chốt một mình khi gặp người say, lúc gặp người nghiện, mà toàn vào đêm khuya. Nếu tinh thần không vững chắc không dám làm nghề này đâu”, chị Hoa tâm sự.

Vợ chồng “Ngưu Lang, Chức Nữ”
Nhiều năm trong nghề, đến nay lương của ông Sỹ chỉ tròm trèm hơn 5 triệu đồng/tháng nếu làm đủ 27 - 28 ca (nhân viên chắn tàu làm 12 giờ sau đó được nghỉ 24 giờ - PV). Vợ ông cũng là nhân viên gác chắn tàu cung chắn Thuận An, ga Dĩ An (Bình Dương) nên thu nhập hai người không đáng là bao. Nghề gác chắn tàu lại thường xuyên làm ca đêm nên khi xếp lịch vợ chồng phải xin làm lệch nhau, người ca ngày, người ca đêm để có thời gian chăm sóc con cái, thành ra vợ chồng ông Sỹ giống như “Ngưu Lang, Chức Nữ”, sống cùng một nhà mà ít khi thấy mặt.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn