Mới đây, CSGT Công an TP.Vinh (Nghệ An) đã lập nhiều tổ công tác mặc thường phục để tuần tra, xử lý người không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện.
Theo kế hoạch này, khi phát hiện người điều khiển xe vi phạm luật giao thông, cán bộ mặc thường phục phát hiện rồi yêu cầu về chốt cảnh sát giao thông để lập biên bản, xử lý.
CSGT hóa trang xuất trình thẻ ngành, yêu cầu người vi phạm về chốt để xử lý. Ảnh: Báo Nghệ An. |
Chỉ huy Đội CSGT Công an TP.Vinh cho biết những người vi phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm thường tránh các chốt cảnh sát, do đó lực lượng mặc thường phục để dễ dàng phát hiện vi phạm. Nhiệm vụ này được duy trì thường xuyên, 24/24 và tất cả các ngày trong tuần để nâng cao ý thức chấp hành của người dân.
Theo đại diện Cục CSGT, Công an TP.Vinh lập tổ công tác, gồm CSGT mặc thường phục kết hợp lực lượng công khai đi tuần tra, xử lý vi phạm giao thông phù hợp với quy định trong Thông tư 01/2016 của Bộ Công an.
Theo Thông tư 01, CSGT hóa trang phải đưa người vi phạm đến chốt công khai để xử phạt. Ảnh: Hoàng Lam. |
Thông tư nêu rõ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang phải do Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên phê duyệt. Nội dung kế hoạch cần nêu rõ phương pháp thực hiện, lực lượng, thời gian, địa bàn tuần tra.
Cán bộ hóa trang và bộ phận công khai trong một tổ công tác phải giữ khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng luật.
Quá trình tuần tra, CSGT trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị nghiệp vụ ghi nhận các hành vi vi phạm luật giao thông. Khi dừng xe vi phạm, cảnh sát cần đảm bảo các điều kiện về an toàn, không gây cản trở giao thông.
Thông tư 01 cũng quy định chặt chẽ, nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang để sách nhiễu, gây phiền hà người dân.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho biết CSGT dù hoá trang hay công khai đều phải thực thi công vụ đúng theo quy định pháp luật.
Giám đốc Công an tỉnh khẳng định lực lượng hóa trang chỉ được bắt người phạm tội quả tang, đang thực hiện hành vi vi phạm. Với người dân vi phạm bình thường, cảnh sát hoá trang phải thông báo cho lực lượng cảnh sát tuần tra công khai xử lý. Lực lượng hoá trang không được xử lý.
Theo đại tá Cầu, cán bộ vi phạm kế hoạch, vi phạm điều lệnh thì tùy theo tính chất mức độ có thể bị xử lý, bị giáng chức, tước danh hiệu công an nhân dân nếu nghiêm trọng.
Theo Zing