Sáng 1/11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng chủ trì cuộc họp về ứng phó với áp thấp nhiệt đới ở Nam Biển Đông.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết khu vực khu vực Trung Bộ sẽ có mưa rất to, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Lượng phổ biến 100-200mm, một số nơi mưa trên 250mm như ở Trà My 341mm, Tam Kỳ 269mm… Lũ trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đang lên.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: T.M. |
Trong các giờ tiếp theo, áp tháp tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, vượt qua khu vực Nam Cà Mau, đi sang biển Tây. Áp thấp duy trì cường độ cấp 6, ảnh hưởng tới ven biển các tỉnh Nam Bộ, đảo Thổ Chu, đảo Phú Quốc có gió giật mạnh.
Ven biển các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có gió mạnh cấp 6-7. Từ ngày 1-2/11, Nam Bộ có mưa 100-150mm, có nơi trên 200mm.
Bên cạnh đó, theo ông Cường, trưa 1/11, một áp thấp nhiệt đới mới sẽ vào Biển Đông và mạnh lên thành bão, cơn bão thứ 12 trong năm 2017. Cường độ bão mạnh nhất khi sát bờ có thể tới cấp 9-10.
Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết đến 6h sáng 1/11, các thành phố ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang thông báo cho 51.366 tàu cùng 259.370 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau đang họp bàn để thực hiện lệnh cấm biển và cho học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn về người và tránh những thiệt hại có thể xảy ra.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục Trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai tại cuộc họp. Ảnh:TM. |
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục Trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương khẩn trương thông báo các tàu thuyền còn lại vào vùng an toàn.
“Nước biển dâng cao cùng triều cường dâng cao 4-4,5m. Chúng tôi lo ngại vào 1-2h sáng, cùng với mức thủy triều cao 4-4,2m, có thể tràn toàn bộ hệ thống đê biển”, ông Hoài nói. Bên cạnh đó, khu vực Nam Bộ có 5 vị trí đê điều đang thi công, khả năng sẽ gây ngập lụt lớn nếu mức độ triều cường, nước biển dâng.
Chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng yêu cầu các địa phương cần khắc phục bệnh chủ quan trong ứng phó thiên tai có cấp độ không lớn như áp thấp nhiệt đới.
Thứ trưởng nhắc lại bài học bão số 10, gió mạnh gây thiệt hại lớn về đê điều ở Thanh Hóa, Nam Định. Lần này, áp thấp nhiệt đới đi vào vùng Cà Mau, Kiên Giang và các tỉnh lân cận, nơi không thường xuyên xảy ra thiên tai, tập trung sản xuất nông nghiệp nên bà con thường chủ quan, chưa có kỹ năng phòng chống cao.
“Đặc biệt, Tuần lễ cấp cao APEC đang diễn ra, chúng ta cần chú ý, phòng chống tốt để không ảnh hưởng đến hoạt động cũng như hình ảnh của Việt Nam”, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nói và yêu cầu Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương cần thông tin kịp thời để các địa phương và người dân nắm bắt được
Vị trí và hướng đi của 2 áp thấp nhiệt đới. Ảnh: NCHMF. |
Ông đề nghị di dân, kiểm đếm tàu thuyền nhỏ, di chuyển lồng bè thủy sản vào vùng an toàn, đây là những vấn đề quan trọng ở vùng dễ bị tổn thương, bởi bà con nơi đây đều sống ở ven sông.
Tổng cục Thủy lợi chỉ đạo các địa phương có hồ lớn có phương án cụ thể chống lũ, mưa dài ngày, mưa lũ có thể rất lớn. Bởi úng ngập ở TP.HCM, Cần Thơ có thể có diễn biến mới khi mưa lớn, tập trung, kéo dài. Các Ban chủ huy phòng chống thiên tai các tỉnh cần làm việc với Ban chỉ đạo APEC để trao đổi thông tin bàn bạc để có phương án đảm bảo an toàn cho các đoàn tham dự.
Bài học bão Linda
Theo Thứ trưởng Thắng, cơn bão Linda năm 1997 tuy không phải là cơn bão quá mạnh đối với cả Việt Nam và thế giới. Song, với Cà Mau, đây là cơn bão lớn nhất, gây thiệt hại đau thương về người và tài sản.
“Bài học về cơn bão Linda nhắc nhở người làm phòng chống thiên tai phải luôn tìm mọi biện pháp để giảm nhẹ thiệt hại về con người, tính mạng, tài sản của nhân dân”, ông nhấn mạnh.
Chia sẻ về việc áp thấp nhiệt đới lần này vào nước ta đúng đợt cơn bão lịch sử Linda cách đây 20 năm, Thứ trưởng Thắng nói: “Điều lo ngại nhất hiện giờ là sự chủ quan. Lần này, tổ hợp thiên tai trên diện rộng, phức tạp. Miền Trung có mưa lũ, còn đồng bằng sông Cửu Long triều cường dâng. Nếu đợt áp thấp nhiệt đới mới hình thành cơn bão số 12 thì tình hình rất căng thẳng”.
Theo Zing