Khó dẹp buôn lậu thuốc lá vì ‘nhờn pháp luật’

Thứ tư, 01/11/2017, 13:48
Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn có diễn biến phức tạp, một phần nguyên nhân do chế tài xử lý chưa đủ mạnh.  

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 1/11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có những giải trình thêm về công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và tình hình xử lý 12 dự án yếu kém ngành.

Buôn lậu có hiện tượng ‘nhờn pháp luật’

Về vấn đề Quản lý thị trường, công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng không chỉ thuốc lá mà còn có các mặt hàng có lợi nhuận cao như đường, xăng dầu… Cả nước cũng xuất hiện nhiều điểm nóng về buôn lậu và gian lận thương mại. Riêng với mặt hàng thuốc lá không chỉ có An Giang, Long An mà còn Tây Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng…

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra một số nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại vẫn còn phổ biến.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Ảnh: Tiến Tuấn.

Về cơ chế chính sách, chế tài xử lý các đối tượng buôn lậu chưa đủ mạnh nên có hiện tượng “nhờn pháp luật”. Các đối tượng đã cấu kết vượt qua phạm vi địa lý của một địa phương với quy mô lớn với những hành động ngày càng tinh vi.

“Việc đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá chỉ dừng ở chống buôn thuốc lá điếu thì không ăn thua. Có sự phối hợp của các đối tượng từ nơi xuất buôn đến vận chuyển và mang đi tiêu thụ là rất tinh vi”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, trách nhiệm của các lực lượng chống buôn lậu như biên phòng, hải quan, quản lý thị trường… còn hạn chế trong phối hợp. Còn có việc phân khúc, cắt khúc trong chỉ đạo điều hành của các đơn vị chống buôn lậu. Ví dụ Hải quan thuộc Bộ Tài chính, Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương, Biên phòng lại thuộc quân đội….

Giải pháp Bộ trưởng nhấn mạnh trong thời gian tới là tăng các lực lượng liên ngành chống buôn lậu quy mô lớn, tinh vi và xem xét hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý, đủ chế tài xử lý. Bộ trưởng nhấn mạnh kỳ họp trước, Quốc hội đã thông qua việc xem xét trách nhiệm hình sự với việc buôn lậu trên 1.500 điếu thuốc lá, đây là cơ sở quan trọng.

Một vấn đề nữa là cần quan điểm đồng bộ, thống nhất để chống buôn lậu thuốc lá. Ví dụ không đồng ý tạm nhập tái xuất thuốc lá.

“Chúng ta không chấp nhận vì có nguy cơ thẩm lậu trong khi lợi ích thu được không nhiều. Thực tế thuốc lá thu giữ được có dấu hiệu thẩm lẩm”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo tất cả các lô hàng thu giữ được đều phải mang tiêu hủy, trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Thủ tướng.

Bộ trưởng cũng cho rằng cần phải nâng cao phẩm chất, chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật của các lực lượng chống buôn lậu khi thực tế hiện nay yếu kém so với yêu cầu.

Xử lý dứt điểm 12 dự án yếu kém đến năm 2020

Về 12 dự án yếu kém của ngành công thương, Bộ trưởng cho rằng 12 dự án này rất phức tạp, trải qua nhiều thời kỳ và giai đoạn khác nhau, xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Rất cần đánh giá đồng bộ các vấn đề tồn tại, vướng mắc và tìm cách giải quyết.

Trong giai đoạn 2016-2017, Chính phủ đã thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá từng dự án cụ thể, ban hành chính sách cụ thể với từng dự án. Ngoài ra sẽ giải quyết triệt để vi phạm tổ chúc và cá nhân. Bộ Công Thương cũng sẽ rút kinh nghiệm và là bài học cho các dự án khác.

Cũng trong năm 2017, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành giai đoạn chuẩn bị trong việc đánh giá, rà soát và biện pháp cụ thể từng dự án. Đến năm 2018, Bộ sẽ giải quyết cơ bản các dự án, đến năm 2020 giải quyết dứt điểm.

Hiện tại, đã có 4 dự án phân bón khôi phục và từng bước tiếp cận thị trường. 3 dự án lĩnh vực xăng sinh học cũng đang khởi động lại và năm 2018 sản xuất thương mại. Với dự án Thép Thái Nguyên, Thép Việt Trung cũng sẽ từng bước rút vốn Nhà nước và giải quyết các vấn đề tồn đọng.

Trước đó, vào đầu tháng 10, Bộ Công Thương đã công bố hướng giải quyết chi tiết cho từng dự án yếu kém. Theo việc xử lý 12 dự án cũng nhấn mạnh xem xét việc tái cơ cấu các khoản nợ liên quan đến các dự án, doanh nghiệp, để tạo điều kiện cho các dự án tiếp tục được vay vốn tại các ngân hàng thương mại, phục vụ sản xuất kinh doanh ổn định.

Các đơn vị phải có biện pháp quản trị, tổ chức lại sản xuất, lao động để tiết giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh doanh và đầu tư; đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường.

Năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, phát hiện, xử lý hơn 104 nghìn vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian hàng giả, thu nộp ngân sách gần 550 tỷ đồng, tịch thu lượng hàng hóa vi phạm với giá trị gần 400 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm 2017 đã phát hiện, xử lý trên 73.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước gần 415 tỷ đồng.

Về chống buôn lậu thuốc lá, riêng 9 tháng qua, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện xử lý 3.630 vụ, xử phạt vi phạm hành chính trên 16 tỷ đồng; tịch thu thu giữ 1.448.209 bao thuốc lá các loại, chuyển cho cơ quan điều tra 40 vụ.

Theo Zing

Các tin cũ hơn