Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, ngày 30/6/2017, UBND huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh có quyết định phân bổ kinh phí Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chương trình 30a năm 2016. Theo đó, có 6 xã và mỗi xã có 10 hộ gia đình khó khăn được cấp giống bò cái lai Zêbu từ dự án.
Bà Trương Thị Tứ bên con bò được cấp bị mắc bệnh lở mồm long móng |
Ngày 25/10/2017, 30 hộ nghèo thuộc 3 xã Hương Xuân, Phú Phong và Gia Phố được nhận 30 con bò giống, với sự chứng kiến của cán bộ uỷ ban xã và 2 cán bộ của Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi (UDKHKT&BVCTVN) huyện Hương Khê.
Sau khi đưa bò về nhà, nhiều người dân phát hiện một số con bò đi lại khó khăn, có vết xước ở chân, một số con không đứng được, bỏ ăn, miệng có hiện tượng lở loét, chảy dãi. Sự việc đã làm những hộ dân này bức xúc và trình báo lên chính quyền địa phương.
Bà Trương Thị Tứ (trú tại xã Phú Phong, huyện Hương Khê) cho biết: "Sau khi nhận bò về, 3 ngày liền bò không chịu ăn uống mà chỉ nằm một chỗ. Quan sát ở chân và miệng, tôi thấy có nhiều dấu hiệu của bệnh lở mồm long móng (LMLM) nên đã báo cáo sự việc lên xã. Khi các cơ quan chuyên môn về kiểm tra thì kết luận bò đã bị mắc bệnh LMLM. Ngay sau đó, có vài cán bộ đã xuống nhà cho hóa chất để xử lý. Sau hơn 3 ngày, bò đã đứng dậy ăn được. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi băn khoăn và lo lắng đó chính là không biết sau này bò có phát triển bình thường hay không?".
Một hộ nghèo cũng chung hoàn cảnh khi nhận được bò |
Theo kết quả kiểm tra của Trung tâm UDKHKT&BVCTVN huyện Hương Khê, tính đến ngày 30/10, tất cả 30 con bò cấp cho dân nghèo đã bị bệnh. Ngoài ra, còn lây lan sang 6 con bò và 1 con lợn nái của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Minh Long, Giám đốc Trung tâm UDKHKT&BVCTVN huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, cho hay bản thân ông là giám đốc phụ trách lĩnh vực này nhưng không được cấp dưới báo cáo và bàn bạc. Sau khi sự việc xảy ra ông mới biết, và nguyên nhân là do cấp dưới đã "qua mặt" vượt quyền tự quyết định mua bò ngoại tỉnh mà không báo cáo với ông.
Cũng theo ông Long, trong quá trình triển khai dự án, ông đã cảnh báo trước cuộc giao ban toàn UBND huyện rằng nên mua bò giống trên địa bàn, còn nếu mua ở ngoại tỉnh thì đặc biệt phải lưu ý tới chất lượng giống cũng như công tác phòng chống dịch.
"Ngay sau khi nhận được phản ảnh của người dân, tôi đã cử ngay các cán bộ đi kiểm tra xác minh thì đúng có sự việc như phản ánh. Một cuộc họp khẩn đã được diễn ra sau đó, tôi đã nói thẳng với lãnh đạo địa phương và đơn vị cung ứng rằng 2 cán bộ cấp dưới của tôi đã "vượt mặt" tôi tự quyết định mọi việc. Đồng thời cũng trong cuộc họp này tôi đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm của từng bên mà ở đây là bên cung ứng, chủ tịch UBND các xã và các cán bộ của trung tâm liên đới"- Ông Long nói.
Được biết, số bò trên đã được tiêm phòng vắc xin LMLM nhị tupe (O, A) và đủ thời gian miễn dịch nhưng lại bị bệnh đồng loạt. Hiện Trung tâm đã yêu cầu đơn vị cung ứng giống là Trạm giống chăn nuôi Bắc Nghệ An phải chịu kinh phí để điều trị bệnh cho số bò nói trên, kể cả những con bị lây lan ngoài chương trình.
Ông Trần Hoài Sơn, Phó giám đốc Trung tâm UDKHKT&BVCTVN huyện Hương Khê, thừa nhận mình chỉ nói với cán bộ kế toán báo cáo với Giám đốc sau khi bò đã được bàn giao cho người dân.
Theo NLĐ