Theo SCMP, rìa không gian bắt đầu ở độ cao khoảng 20km so với mực nước biển, cho đến nay vẫn được gọi là “vùng chết” đối với máy bay không người lái (UAV). Không khí mỏng ở độ cao này khiến việc tạo lực nâng khí động học rất khó khăn. Trong khi nhiệt độ môi trường rất thấp khiến các bộ phận điện tử, pin rất dễ bị hỏng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học Trung Quốc đã thử nghiệm thành công loại UAV hoạt động ở độ cao trên 20km, đánh dấu bước tiến quan trọng hướng tới tham vọng của Trung Quốc trong việc khai thác quỹ đạo gần vũ trụ cho mục đích quân sự.
Rìa không gian từ lâu được xem là vùng biên giới đầy hứa hẹn đối với hoạt động tình báo nhưng vẫn chưa được khai thác nhiều. Khu vực này quá cao so với hầu hết máy bay và quá thấp đối với vệ tinh.
Mục tiêu của các nhà khoa học Trung Quốc là phát triển một UAV hoạt động ở rìa không gian có thể quan sát các khu vực rộng lớn trên mặt đất trong nhiều tuần, vài tháng, thậm chí hàng năm. Các UAV này có chi phí rất thấp so với vệ tinh trong khi vẫn đạt được khả năng tương tự.
Mẫu UAV thử nghiệm ở rìa không gian được phóng ra từ bóng áp suất cao. Ảnh: SCMP. |
Hiện tại, RQ-4 Global Hawk là máy bay không người lái có trần bay cao nhất thế giới, khoảng 19km. Trong khi đó, UAV mới được thử nghiệm tại Nội Mông, Trung Quốc có thể hoạt động ở độ cao tới 25km.
Cuộc thử nghiệm liên quan đến 2 UAV được đưa lên không trung bằng một quả bóng áp suất cao trước khi được triển khai ở các độ cao khác nhau, một trong số đó được triển khai ở độ cao 9km. Mỗi UAV có kích thước chỉ bằng con dơi, được phóng ra không trung từ bóng áp suất cao bằng xung điện từ.
Yang Yanchu, nhà khoa học hàng đầu của dự án thuộc Viện Nghiên cứu Quang điện, Học viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh nói: “Nó được bắn ra như một viên đạn”. Những UAV sau đó bay về khu vực mục tiêu cách đó hơn 100km. Nó tự điều chỉnh quỹ đạo bay, độ cao mà không cần sự can thiệp của con người.
Các cảm biến trên UAV sau đó chuyển dữ liệu thu được về trạm mặt đất. Điểm đặc biệt là UAV này hầu như không để lại dấu vết radar do kích thước của chúng rất nhỏ. Ông Yang nói: “Mục tiêu của chúng tôi là phóng hàng trăm máy bay không người lái trong một lần bắn, giống như thả đàn ong, hay kiến”.
Những UAV này có kích thước nhỏ và cân nặng chỉ bằng quả bóng đá. Chúng được chế tạo từ vật liệu composite và có khả năng chịu được các lực tác động liên quan đến việc phóng điện từ. Nó được trang bị thiết bị lập bản đồ, máy dò tín hiệu điện từ để xác định hoạt động quân sự của đối phương.
Tuy nhiên, UAV này không được trang bị camera. Một số mẫu thử nghiệm không sử dụng động cơ mà hoạt động theo kiểu lượn trên không.
Hải quân Mỹ và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã thử nghiệm các UAV như vậy trong những năm gần đây, nhằm tìm kiếm vũ khí mới có thể xâm nhập vào mạng lưới phòng không của đối phương để thu thập thông tin.
Ông Yang cho biết thêm Trung Quốc là quốc gia đi sau trong cuộc đua không gian nhưng các tiến bộ kỹ thuật mà họ đạt được trong những năm gần đây mạnh hơn các quốc gia khác.
Theo Zing