Người đào tẩu kể về "căn bệnh ma" gần nơi Triều Tiên thử hạt nhân

Thứ hai, 04/12/2017, 09:45
Những người từng sống gần một điểm thử hạt nhân ở Triều Tiên tin rằng phóng xạ khiến họ gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Một phụ nữ tại gần làng Kimchaek, cách Kilju 35km về phía Nam. Ảnh: AFP.

"Rất nhiều người đã chết, chúng tôi bắt đầu gọi nó là "căn bệnh ma". Lee Jeong Hwa, người năm 2010 trốn khỏi nhà của mình ở Kilju, nơi có địa điểm thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri, nói với NBC News ngày 2/12. "Hồi đó, chúng tôi nghĩ rằng nhiều người chết vì đói nghèo và ăn uống kham khổ. Bây giờ chúng tôi biết đó là do phóng xạ", bà nói.

Trong 7 năm cuối cùng Lee sống ở Triều Tiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên vào thời đó là Kim Jong-Il đã cho thử hai quả bom hạt nhân gần nhà bà. Sau khi ông Kim Jong-il qua đời năm 2011, con trai ông là Kim Jong-un đã thử nghiệm thêm 4 lần nữa.

Lee không phải là người đào tẩu duy nhất tin rằng phóng xạ gây ảnh hưởng đến sức khỏe những người sống gần điểm thử hạt nhân.

Báo Hàn Quốc Chosun Ilbo hồi tháng 11 đưa tin gần hai chục người đào thoát nói rằng khu vực xung quanh Punggye-ri đang biến thành một "vùng đất hoang" nơi thảm thực vật chết mòn và trẻ sơ sinh bị dị dạng. Họ nói rằng nước uống trong khu vực này đến từ núi Mantap, nơi các cuộc thử nghiệm hạt nhân được tiến hành dưới lòng đất.

Rhee Yeong Sil kể lại trước khi bà đào tẩu vào năm 2013, một người hàng xóm  đã sinh ra em bé dị dạng đến mức không ai có thể xác định giới tính.

Tuy nhiên, Bộ Thống nhất của Hàn Quốc đã kiểm tra Lee cùng với những người đào tẩu khác và không thấy dấu hiệu nhiễm độc phóng xạ từ các cuộc thử hạt nhân.

Có thể suy luận rằng người dân phải tiếp xúc nhiều với chất phóng xạ tại khu vực thử hạt nhân, nhưng rất khó để khẳng định, Viện An toàn Hạt nhân Hàn Quốc cho biết.

Những người đào tẩu nói rằng nhiều người dân ở Kilju mắc bệnh bạch cầu hay các bệnh ung thư khác và phóng xạ là nguyên nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết khó xác nhận được điều này.

Suh Kune-yull, giáo sư về kỹ thuật hạt nhân tại Đại học Quốc gia Seoul giải thích rằng các nhà nghiên cứu bị thiếu dữ liệu. "Tôi không nghĩ rằng họ nói dối", Kune-yull nói về những người đào tẩu. "Chúng tôi ghi nhận lời nói của họ, nhưng tôi không có nhiều thông tin đáng tin cậy".

Theo VNE

Các tin cũ hơn