Sông đen gây bức xúc ở Ấn Độ, nghi ngờ dồn vào Trung Quốc

Thứ sáu, 01/12/2017, 10:55
Dòng nước trong lành của con sông Siang tại Ấn Độ đã trở nên đen ngòm và cạn kiệt, nghi do siêu dự án chuyển nước của Trung Quốc.

Sông Siang ở miền Đông Ấn Độ đang cạn kiệt và chứa đầy bùn ô nhiễm

Siang là tên gọi đoạn thượng lưu của Brahmaputra, dòng sông lớn nhất chảy qua miền Đông Ấn Độ trước khi đổ sang Bangladesh ra vịnh Bengal. Thượng nguồn của sông Siang là sông Yarlung Tsangpo ở Tây Tạng, cũng chính là đoạn mà phía Ấn Độ cho rằng Trung Quốc đang tác động trong siêu dự án chuyển nước ngược lên vùng sa mạc Tân Cương ở phía Bắc, gây ô nhiễm trầm trọng ở hạ nguồn.

Theo tờ The Times of India, chính quyền bang Arunachal Pradhesh trong những ngày qua cảnh báo người dân không tiếp tục dùng nước từ sông Siang. Đại biểu Quốc hội Ninong Ering gửi kiến nghị lên Thủ tướng Narendra Modi và cho rằng ô nhiễm xảy ra do dự án đào 1.000km đường hầm để chuyển nước từ sông Yarlung Tsangpo của Trung Quốc. Ông Ering cho hay nước sông đã trở nên đen ngòm, đầy bùn và ô nhiễm nặng, đồng thời nghi ngờ Trung Quốc đang xây đường hầm chuyển nước ngay dưới lòng sông ở thượng nguồn.

“Tôi lớn lên tại đây và biết rõ sông Siang luôn trong vắt vào tháng 11 hằng năm đến mức nhìn thấy đáy. Tôi chắc chắn Trung Quốc đang làm gì đó đối với dòng sông - tài sản chung của cả ba nước, bao gồm cả Ấn Độ và Bangladesh”, ông Ering nói và kêu gọi cộng đồng quốc tế xem xét vụ việc.

Kể về tình trạng ô nhiễm trên sông Siang, ông Tamyo Tatak, Trưởng huyện Đông Siang, cho hay vô số cá chết trong gần 2 tháng qua và nhiều khả năng Trung Quốc đang đào xới dưới lòng sông. “Nước không thể dùng vào bất cứ việc gì do chứa chất đặc quánh như xi măng”, ông mô tả.

"Nước không thể dùng vào bất cứ việc gì do chứa chất đặc quánh như xi măng".

Tamyo Tatak, Trưởng huyện Đông Siang

Trước đó, nhiều người dân cứ nghĩ dòng sông bị đục do mưa lũ. Tuy nhiên, khi mùa mưa hết dòng sông tiếp tục đen ngòm một cách bất thường trong gần 2 tháng qua. Tatak cho biết ngay cả ông nội của ông cũng chưa từng chứng kiến tình trạng bất thường của dòng nước như thế này bao giờ.
“Từ bao đời nay, nước sông luôn trong suốt và rất sạch từ tháng 11 đến tháng 2 hằng năm”, ông nói.
Lãnh đạo huyện Đông Siang, nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng ô nhiễm, đã báo cáo tình trạng dòng sông lên chính quyền bang. Theo ông Tatak, các chuyên gia Ủy ban Trung ương về nước của Ấn Độ đang thu thập mẫu nước để xét nghiệm.
Vụ việc xảy ra không lâu sau khi tờ The South China Morning Post đưa tin các kỹ sư Trung Quốc đang thử nghiệm kỹ thuật phục vụ dự án xây đường hầm chuyển nước dài 1.000km từ thượng nguồn sông Brahmaputra ở Tây Tạng. Dự án đầy tham vọng nhằm biến vùng Tân Cương khô cằn phát triển “như California”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã lên tiếng cho rằng thông tin trong bài báo là không đúng. Tuy nhiên, ông Ering cho rằng dự án này đã bắt đầu giai đoạn 1 tại tỉnh Vân Nam của Trung Quốc với chặng đường hầm dài 600km.
“Tôi cho rằng họ đang xây hơn 10 đoạn đường hầm và dùng hàng ngàn xe tải hoặc các tàu lớn để lấp đất xuống sông”, ông đưa ra phán đoán. Lo ngại việc sông Siang sắp cạn kiệt nguồn nước, ông Ering kêu gọi Trung Quốc và Ấn Độ cùng cử người, kèm theo một quan sát viên quốc tế đi dọc theo đoạn sông phía Tây Tạng để kiểm tra. Trong khi đó, nhiều người dân địa phương hôm 27.11 đã tập trung lại để phản đối việc Trung Quốc xây “công trình khổng lồ” ở thượng nguồn, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Narendra Modi xem xét vụ việc.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn