Tiếp tục thử tên lửa: Triều Tiên gửi thông điệp gì?

Thứ sáu, 01/12/2017, 09:59
Vụ phóng tên lửa liên lục địa mạnh nhất của Triều Tiên hôm 29/11 khiến nhiều chuyên gia băn khoăn rằng, lựa chọn nào còn lại dành cho Đông Bắc Á và Mỹ.

Một lính Hàn Quốc trước màn hình TV tại Seoul có hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Một số người nhận định, việc Bình Nhưỡng nhấn mạnh hơn bình thường về cam kết của họ đối với hòa bình thế giới có thể là để bắn tín hiệu rằng họ sẵn sàng đối thoại nhằm mở ổ khóa chết nhiều năm nay.

Không lâu sau khi phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15, chính phủ Triều Tiên tuyên bố, họ “cuối cùng đã thực hiện được sứ mệnh lịch sử lớn lao là hoàn tất sức mạnh hạt nhân quốc gia”.

Triều Tiên sau đó nói rằng, việc họ theo đuổi loại “vũ khí chiến lược” đó là nhằm “bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước khỏi chính sách tống tiền hạt nhân của đế quốc Mỹ” và nhấn mạnh họ sẽ “không gây đe dọa cho bất kỳ quốc gia hay khu vực trừ khi những lợi ích của CHDCND Triều Tiên bị vi phạm”. “CHDCND Triều Tiên sẽ nỗ lực mọi cách để phục vụ mục đích cao quý là bảo vệ hòa bình và ổn định của thế giới”, tuyên bố viết.

PGS Atsuhito Isozaki, công tác tại ĐH Keio (Nhật Bản) và là chuyên gia nghiên cứu chính trị Triều Tiên, cho rằng những lời lẽ trên của Triều Tiên cho thấy một quan điểm khác so với các tuyên bố trước đây mà Bình Nhưỡng đưa ra. Ông Isozaki cho rằng, các tuyên bố trước của Triều Tiên nhấn mạnh quyết tâm sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa trong tương lai. “Dù họ luôn nói rằng chương trình tên lửa của họ là vì hòa bình thế giới, nhưng điều nổi bật lần này là họ tuyên bố đã hoàn thành mục tiêu và không nói đến kế hoạch tiếp tục theo đuổi phát triển vũ khí trong tương lai”, ông Isozaki nói.

Học giả này cho rằng, từ nay Bình Nhưỡng có thể chuyển sang chú trọng phát triển nền kinh tế của đất nước theo chính sách “byungjin”, nghĩa là phát triển kinh tế song song nâng cao năng lực quốc phòng. Đó có thể là tín hiệu về khả năng chính quyền Bình Nhưỡng giờ sẽ bắt đầu nói về tầm quan trọng của ngoại giao và đối thoại một cách nghiêm túc hơn.

Mỹ để ngỏ khả năng đối thoại

GS Narushige Michishita, công tác tại Viện Nghiên cứu chính sách sau đại học tại Tokyo, cũng cho rằng, tuyên bố mới nhất của Triều Tiên có thể được hiểu là tín hiệu nước này đang muốn đối thoại, nhưng có thể còn có động cơ khác. “Có thể Bình Nhưỡng đang thả nổi khả năng đối thoại để tác động đến tư tưởng của dân chúng trước các biện pháp trừng phạt và từ đó gây chia rẽ. Về khía cạnh đó, tôi nghĩ tuyên bố của Triều Tiên cần được đánh giá kỹ càng”, GS Michishita nói.

Đáp lại tuyên bố phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 29/11, Mỹ khẳng định lại quan điểm để ngỏ khả năng đối thoại với Triều Tiên. “Các lựa chọn ngoại giao vẫn mở và khả thi, cho đến lúc này”, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố. “Mỹ vẫn cam kết tìm kiếm con đường hòa bình cho vấn đề phi hạt nhân và chấm dứt những hành động hiếu chiến của Triều Tiên”, ông Tillerson nói.

Nhiều quan chức và học giả Mỹ cũng cho rằng, Triều Tiên sẽ không đàm phán nghiêm túc cho đến khi họ đạt được tham vọng hạt nhân. Vì thế, nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un hài lòng với chương trình tên lửa hạt nhân như nêu trong tuyên bố trên thì có lẽ đây là thời điểm chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bằng cách trực tiếp hoặc thông qua trung gian, thử nghiệm cơ hội đối ngoại nghiêm túc.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, sau những lần lãnh đạo Mỹ - Trung ném cho nhau những từ ngữ khó nghe trong thời gian qua thì cả hai bên đều phải bước về phía nhau nếu hy vọng giảm xung đột và tránh đối đầu nghiêm trọng.

Việt Nam quan ngại việc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo

Việt Nam hết sức quan ngại trước việc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa ngày 29/11 vừa qua, vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định như vậy trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 30/11 để trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Triều Tiên vừa phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa.

“Việt Nam nhất quán ủng hộ mọi nỗ lực duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, kêu gọi các bên tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và có những hành động thiết thực, xây dựng, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực và trên thế giới, vì lợi ích của người dân”, bà Hằng nói.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn