"Tôi thức dậy khoảng 5h30 hàng sáng, đi làm và về nhà lúc 11h tối. Đến cuối tuần, tôi quá mệt, chỉ ngủ hoặc làm những việc mà tôi không làm được suốt tuần vừa qua", Park Geun Young, 35 tuổi, nói với Korea Herald. "Tôi thấy mình như không có cuộc sống ở nơi này".
"Tôi căng thẳng về môi trường xã hội nơi luôn khiến mình so sánh bản thân với những người khác và cạnh tranh để có thu nhập tốt hơn, một ngôi nhà tiện nghi hơn, giáo dục tốt hơn cho con cái", cô nói thêm. "Tất cả những gì tôi muốn là hạnh phúc và tận hưởng điều đó mà không phải quan tâm đến việc người khác nghĩ gì".
Xã hội Hàn Quốc bị người dân đánh giá là "địa ngục" vì sự bất bình đẳng. Ảnh: Korea Herald |
Park đã chuyển đến sống ở Australia hai năm nay để tìm hy vọng mới.
"Tôi biết cuộc sống ở nước ngoài không hoàn hảo nhưng ít nhất tôi nghĩ sự cân bằng trong công việc và cuộc sống sẽ được cải thiện và tôi có thể tận hưởng hiện tại nhiều hơn", cô nói.
Park không phải là người duy nhất cảm thấy chán nản với cuộc sống ở Hàn Quốc và tìm cách giải thoát mình.
"Chúng tôi thường xuyên nhận được yêu cầu từ những người Hàn Quốc muốn chuyển tới các nước khác tìm cơ hội việc làm và giáo dục cho con cái" một nhân viên của Tập đoàn Di trú Boram cho biết.
Theo một khảo sát trên 3.710 người Hàn Quốc trưởng thành do trang web việc làm Incruit thực hiện từ 28/11 đến 5/12, có 62,7% người được hỏi đồng ý rằng Hàn Quốc là một "Hell Joseon", tức "địa ngục Joseon". Ra đời vào năm 2015, cụm từ này nhắc đến triều đại phong kiến Joseon không có bình đẳng xã hội kéo dài suốt 5 thế kỷ.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy có 54% cân nhắc ra nước ngoài sinh sống. Điểm đến ưa thích của họ là Canada, New Zealand, Singapore và Australia. Hơn một nửa số người được hỏi sẵn sàng từ bỏ quốc tịch hàn Quốc nếu có cuộc sống ổn định ở nước khác.
Khát khao rời khỏi Hàn Quốc dường như càng mãnh liệt hơn trong giới trẻ nước này khi họ phải chật vật tìm việc làm trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao. Hồi tháng 10, tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi 15-29 là 8,6%, thấp nhất trong lịch sử nước này.
Sau khi tìm được việc làm, nhiều người lại phải cố gắng cân bằng giữa gia đình và công việc. Người Hàn Quốc làm việc trung bình 2.069 giờ một năm, cao thứ hai trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD.
Trong một cuộc thăm dò năm 2015 của công ty nghiên cứu thị trường Macromill Embrain trên 1.000 người lớn, có gần 60% nói rằng họ không muốn sinh ra một lần nữa ở Hàn Quốc. 76,6 % muốn sống ở một đất nước thoải mái hơn, 62,9% muốn hệ thống phúc lợi vững chắc hơn và 61,7% muốn thoát khỏi cuộc cạnh tranh khốc liệt của xã hội.
Nhưng lý do lớn hơn thôi thúc họ rời khỏi Hàn Quốc là sự thất vọng và bất lực về một cấu trúc xã hội, nơi chỉ một số người có đặc quyền được hưởng lợi.
"Tôi nghĩ mình không thể vượt qua được cuộc chạy đua trong xã hội Hàn Quốc chỉ bằng nỗ lực", Jung, 30 tuổi, nói. "Với những người như tôi mà không có bằng cấp tốt và cha mẹ giàu có thì rất khó bước chân vào hệ thống này".
Những vụ bê bối tham nhũng dẫn đến việc cựu Tổng thống Park Geun Hye bị phế truất hồi tháng ba và khiến nhiều quan chức cấp cao cùng các tài phiệt kinh tế ngồi tù đã xóa tan hy vọng về tương lai đối với Jung.
Các học sinh tham gia cuộc biểu tình phản đối cựu Tổng thống Park Geun Hye ở Seoul hồi năm ngoái. Ảnh: AP |
"Tôi không thể để con cái mình sống trong một hệ thống thiếu công bằng như thế và tôi muốn chúng sống trong một xã hội ít cạnh tranh hơn", Jung nói.
Kim Bong Moon, 31 tuổi, đã bỏ nghề phóng viên, học công nghệ thông tin thông qua chương trình thạc sĩ ở một trường đại học New Zealand và chuyển tới nước này năm ngoái. Anh nói mình không hối hận vì đã rời khỏi Hàn Quốc.
"Sống theo cách đó, tôi nhận ra mình sẽ chẳng còn gì cả. Đó không phải là cách sống bền vững. Một trong những khác biệt lớn giữa cuộc sống ở Hàn Quốc và New Zealand là tôi không phải trói mình trong một vòng tròn của cạnh tranh và văn hóa phân cấp, có thể bình đẳng với mọi người và mọi người chấp nhận sự khác biệt", Kim nói.
Tuy nhiên, anh cũng cảnh báo về những ảo tưởng khi rời khỏi Hàn Quốc: "Việc chuyển ra nước ngoài không đảm bảo hạnh phúc hay giải quyết được tất cả các vấn đề ở Hàn Quốc".
Ông Lee Byung Hoon, giáo sư xã hội học thuộc đại học Chung-Ang, cho hay hiện tượng "địa ngục Joseon" phản ánh những người Hàn Quốc ở tất cả các lứa tuổi đang chật vật để tồn tại trong bối cảnh thiếu việc làm và kế sinh nhai không ổn định.
"Ở những khía cạnh tích cực, Hàn Quốc tốt hơn nhiều nước khác. Nhưng người Hàn Quốc cảm thấy bất mãn vì sự bất bình đẳng trong cơ hội việc làm. Họ thấy rằng cuộc chơi đã không đồng đều ngay từ đầu và những nỗ lực của mình không được đền đáp", ông nói. "Vấn đề này đã nổi lên từ lâu vì thế không thể thay đổi chỉ trong một đêm. Chính phủ cần nỗ lực bảo vệ những người yếu thế và cải thiện sự công bằng xã hội thông qua các chính sách".
Theo VNE