Trao đổi với Zing.vn, tài xế Nguyễn Minh Trung (31 tuổi, ngụ huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) cho biết chiều 12/12, anh đã làm việc với lãnh đạo Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Cai Lậy (Tiền Giang) theo giấy mời của đơn vị này.
Một ngày trước, tài xế Trịnh Hồng Phương (50 tuổi, ngụ thị xã Dĩ An, Bình Dương) làm việc với điều tra viên Võ Văn Giàu về một số việc liên quan đến vụ bất bình tại BOT Cai Lậy hôm 30/11.
Tài xế Trung tại BOT Cai Lậy chiều 30/11. Ảnh: Việt Tường. |
Hai tài xế Trung và Phương từng bị Công an Cai Lậy đưa về trụ sở làm việc khi trạm BOT Cai Lậy hỗn loạn trong ngày đầu thu phí trở lại. Lần làm việc trước đến gần 23h họ mới được công an cho về.
"Làm việc lần này có đại diện VKSND huyện Cai Lậy và tôi có 3 luật sư ngồi cạnh nghe, giải thích những vấn đề mà tôi chưa hiểu khi công an hỏi. Công an hỏi tôi vì sao có mặt ở BOT Cai Lậy và làm những việc gì. Tôi đã trả lời như lần trước và tôi không có gây rối trật tự công cộng", anh Trung nói.
Luật sư Trần Thị Ánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết một ngày trước khi Công an Cai Lậy làm việc với ông Phương thì bà có dự. VKSND huyện này cũng cử người tham gia và công an có ý xử lý tài xế về hành vi Gây rối trật tự công cộng.
Gần hai tuần trước anh Trung chở người bệnh lên TP.HCM vào rạng sáng 30/11, thì hay tin cha anh ở nhà bị bệnh phải nhập viện. Tài xế này sau đó đã gọi điện nhờ đồng nghiệp lên thay để đón xe đò về Cần Thơ.
Tại tuyến tránh Cai Lậy, anh Trung gặp người quen nên xin đi nhờ xe. Đến BOT Cai Lậy thì kẹt xe, anh này nhảy xuống la lối lớn tiếng. Lúc này tại làn xe kế bên, ông Phương lái xe biển số tỉnh Bình Dương dừng tại làn thu phí.
Theo bảng giá thì xe của ông Phương phải mua vé 25.000 đồng và tài xế này đưa 25.100 đồng.
Ông Phương hỏi nhân viên của trạm có tiền lẻ để thối hay không. Một cô gái nói có nên tài xế này yêu cầu BOT Tiền Giang phải trả lại cho anh đúng 100 đồng tiền thối khi trạm đang xảy ra ùn tắc.
Trong lúc tài xế Trung la hét và ông Phương chưa đưa xe ra khỏi trạm đang hỗn loạn thì cảnh sát giao thông yêu cầu tài xế Phương xuất trình giấy tờ và đưa xe ra ngoài để trả lại sự thông thoáng. Tài xế 50 tuổi không đồng ý. Cả hai sau đó bị cảnh sát cơ động đưa lên xe chở về Công an huyện Cai Lậy.
Ông Phương lúc bị cảnh sát cơ động khống chế. Ảnh: Minh Anh. |
Sau khi được cảnh sát cho về lúc 23h khuya 30/11, anh Trung cho biết khi bị áp giải về trụ sở công an, anh được cho kiểm tra ma túy. Tiếp đó, cơ quan chức năng lập biên bản anh với 3 hành vi: Không đưa xe ra khỏi BOT Cai Lậy khi đã được yêu cầu cho xe qua trạm miễn phí; có lời nói xúc phạm người thi hành công vụ; ngăn cản người thi hành công vụ khi đu bám kính chắn gió, chặn xe chở người bị áp giải từ BOT về đồn cảnh sát.
Còn ông Phương bị CSGT lập biên bản vì lỗi điều khiển ôtô dừng trái quy định gây ách tắc giao thông, không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông tại BOT Cai Lậy. Tuy nhiên, ông không đồng ý ký vào biên bản và nêu ý kiến: "Tôi không vi phạm hai lỗi trên".
Trạm BOT Cai Lậy hoạt động trở lại ngày 30/11, sau ba tháng rưỡi tạm ngưng thu phí. Trong 5 ngày thu phí, BOT Cai Lậy phải xả trạm trên 20 lần vì kẹt xe.
Theo Thanh tra Bộ GTVT, việc thanh tra toàn diện dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang) theo chỉ đạo của Thủ tướng đang được thực hiện khẩn trương. Sau khi hoàn thành, Thanh tra Bộ GTVT tập hợp lại báo cáo Thủ tướng trong tháng 12.
Theo Zing