Nóng kẹt xe cuối năm ở TP.HCM

Thứ bảy, 23/12/2017, 09:45
Thời điểm cuối năm tại TP.HCM, tình trạng kẹt xe gia tăng khiến người dân mệt mỏi. Đặc biệt, số điểm rào chắn để đào đường tăng mạnh càng khiến đường sá trở nên chật chội, ùn tắc.


Kẹt xe trên xa lộ Hà Nội đoạn tại nút giao Tây Hòa, hướng từ cầu Rạch Chiếc về cầu vượt Cát Lái, Q.9 và Q.Thủ Đức

Ùn tắc cả giờ thấp điểm

Liên tục trong tuần qua, đường Nguyễn Duy Trinh đoạn trước cảng Phú Hữu kéo dài đến vòng xoay Vành đai 2 (Q.2) xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông nghiêm trọng. Các dòng xe tải, container, xe du lịch nối đuôi nhau nhích từng chút, dù không phải giờ cao điểm. Đáng nói là không thấy lực lượng CSGT điều tiết giao thông.

Nguyên nhân kẹt xe, theo ghi nhận, do vào dịp cuối năm, lượng hàng hóa đổ dồn về cảng Phú Hữu (Q.9) tăng cao dẫn đến lượng phương tiện ra vào cảng tăng đột biến.
Đoạn đường nối từ Mai Chí Thọ (Q.2) đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng kẹt xe nghiêm trọng cả hai chiều. Lúc 9 giờ 30 sáng 20.12, chúng tôi có mặt tại tuyến này, dù không phải giờ cao điểm nhưng các phương tiện chôn chân nhiều giờ liền. Do dồn ứ quá nhiều dẫn đến tuyến đại lộ Mai Chí Thọ (đoạn từ đường nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến hầm sông Sài Gòn) cũng bị ùn ứ hơn 2 km.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty CP dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN (VEC E), cho biết đoạn đường nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây do Khu quản lý giao thông đô thị số 2 quản lý. Tình trạng ùn ứ đã kéo dài nhiều năm nay, nhất là dịp cuối năm kẹt xe tăng mạnh.
Theo quan sát của PV , sáng 20.12, nguyên nhân kẹt xe trên đường nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hướng từ TP.HCM đi Đồng Nai là do các nhân viên và xe chuyên dụng chiếm dụng một phần mặt đường để thi công lắp đặt biển quảng cáo.
Tương tự, xa lộ Hà Nội (Q.Thủ Đức) cũng thường xuyên xảy ra ùn ứ do lưu lượng phương tiện tăng cao, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội lại chưa hoàn thành. Lượng hàng đổ về cảng ICD Phước Long tăng đột biến dịp cuối năm kéo theo xe tải, container... ra vào dày đặc nên càng thêm kẹt.

Không chỉ cửa ngõ, tình trạng kẹt xe còn xảy ra tại nhiều tuyến đường trung tâm như Nguyễn Văn Cừ (Q.1, Q.5), Nguyễn Văn Trỗi (Q.Phú Nhuận), Tôn Đức Thắng (Q.1), Trường Sơn (Q.Tân Bình)... Nhiều người lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán các mặt hàng mùa Noel, tết... cũng chiếm dụng một phần không nhỏ diện tích đường.
Rào chắn tăng nhiều, chú ý “điểm đen”
Một trong những nguyên nhân góp thêm tình trạng kẹt xe là rào chắn có mặt ở khắp nơi. Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - thuộc Sở GTVT TP.HCM, hiện trên địa bàn TP có 113 vị trí rào chắn trên 50 tuyến đường, tăng đến 43 vị trí so cùng kỳ năm 2016.
Ông Đường lý giải, số điểm rào chắn tăng mạnh do TP triển khai thi công các dự án sử dụng vốn ODA, có quy mô lớn, thời gian thi công kéo dài, như dự án Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, dự án Cải thiện môi trường nước... Riêng dự án Cải thiện môi trường nước có đến 53 rào chắn.
Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện hầu hết vị trí bến xe, ga tàu, sân bay, bến phà... đã được tổ chức giao thông hợp lý. Vừa qua TP đã giảm được 5/37 điểm nóng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho đợt cao điểm lễ, tết cuối năm, ngành giao thông đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai nhiều nội dung, trong đó chú ý đến các “điểm đen”.
Cụ thể, thành lập tổ công tác liên ngành để phản ứng nhanh các tình huống xấu có thể dẫn đến ùn tắc giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Tổ chức lực lượng điều tiết giao thông tại các vị trí đường ngang giữa đường sắt và đường bộ đối với khu vực ga đường sắt Sài Gòn. Khu vực bến xe Miền Tây, Miền Đông, Thanh tra Sở tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của phương tiện và người điều khiển phương tiện tại các bến xe.
Đặc biệt, các hành vi lợi dụng dịp cao điểm Tết để lập tụ điểm đón, trả khách trái phép mang tính bến “cóc”, xe “dù” tại khu vực xung quanh bến sẽ bị xử phạt nghiêm.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn