Cuộc cách mạng tiêu dùng lặng lẽ tại Triều Tiên

Thứ bảy, 23/12/2017, 10:07
Người Triều Tiên đang được tiếp cận nhiều hơn với văn hóa phương Tây, với hàng hóa và cơ hội kinh doanh tốt hơn.

Khi nhắc đến Triều Tiên, không ai nghĩ ở đây có tiệm pizza hay quán café. Tuy nhiên, quốc gia bí ẩn này đã có những thay đổi lớn.

Dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un, Bình Nhưỡng đang giám sát một cuộc cách mạng tiêu dùng lặng lẽ. Sau một thời gian dài bị nhà nước kiểm soát cách ăn, mặc, đi lại, người Triều Tiên gần đây đang được tiếp cận nhiều hơn với văn hóa phương Tây.

Người dân Triều Tiên đang được tiếp cận nhiều hơn với lối sống phương Tây. Ảnh: CNN

“Người dân được tiếp cận với hàng hóa tốt và cơ hội kinh doanh nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ”, Curtis Melvin – chuyên gia cao cấp tại Học viện Mỹ- Hàn Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Johns Hopkins nhận định.

Trong khi đó, Melvin đang nghiên cứu về nền kinh tế Triều Tiên cho biết, các tiệm pizza, café, quán bar và trạm xăng tư nhân “mọc lên như nấm” tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Tổng thống Mỹ - Donald Trump đang tăng cường các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm đóng băng nền kinh tế của Triều Tiên. Các biện pháp này là một phần trong những nỗ lực của Trump để gây áp lực lên chương trình phát triển vũ khí hạt nhân nhanh chóng của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Tuy nhiên, tại quốc gia bí ẩn này, Chính phủ đang cho phép các hoạt động kinh doanh nhiều hơn và thậm chí khuyến khích sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tư nhân.

Có một cuộc cách mạng tiêu dùng đang âm thầm diễn ra ở Triều Tiên. Ảnh: CNN

“Hiện tại, bạn có thể sở hữu một công ty của riêng mình. Bạn có thể điều hành nó và hưởng phần lớn lợi nhuận”, Andray Abrahamian, nhà nghiên cứu về châu Á – Thái Bình Dương tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế cho hay.

Du khách tới Triều Tiên cho biết họ thấy người dân từng quen sử dụng các phương tiện công cộng ở đây đi những chiếc xe đạp điện đắt tiền. Người Triều Tiên cũng được lựa chọn hãng taxi để đi lại và loại kem đánh răng để mua.

Đây không phải là một vấn đề lớn với người tiêu dùng phương Tây. Tuy nhiên, nó lại là một thay đổi to lớn với Triều Tiên, nơi nhà nước kiểm soát hầu hết các phương diện cuộc sống của công dân.

Giới chuyên gia cho rằng những điều này phản ánh nền kinh tế Triều Tiên đã thay đổi thế nào dưới sự lãnh đạo của Kim Jong Un – người đã từng đi học tại phương Tây.

“Ông ấy cho phép nhiều hoạt động thị trường hơn”, giáo sư kinh tế Kim Byung-yeo tại Đại học Quốc gia Seoul nói về sự khác biệt giữa Kim Jong Un và người cha.

Những thay đổi này dường như xảy ra đồng thời với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Triều Tiên không công bố bất kỳ số liệu nào nhưng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ước tính nền kinh tế của Bình Nhưỡng tăng 3,9% năm 2016.

Đây là tốc độ nhanh nhất từ đầu những năm 2000, bất chấp Triều Tiên phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế hơn một thập kỷ. “Nền kinh tế này tốt hơn 20, 10 hay thậm chí 5 năm trước”, Rudiger Frank – giáo sư kinh tế chuyên về Triều Tiên tại Đại học Vienna nói.

Ngân sách của Triều Tiên được cho là được hỗ trợ mạnh mẽ nhờ sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân. Hầu hết chủ các cửa hàng và nhà hàng mới quan hệ chặt chẽ với chính quyền và phải chia lại một phần lợi nhuận cho chính quyền.

“Chính phủ có thể kiếm tiền nhiều hơn bao giờ hết nhờ những người này”, Melvin nhận định.

Cua từ Triều Tiên được bày bán tại Trung Quốc bất chấp lệnh cấm. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn còn nhiều điều không chắn chắn về sự phát triển của hoạt động kinh tế tư nhân trong tương lai. Các hoạt động này chỉ tập trung tại thủ đô Bình Nhưỡng, trong khi, hầu hết các khu vực khác vẫn nghèo và lạc hậu.

Hơn nữa, các doanh nhân vẫn phải tuân theo ý thích của nhà cầm quyền vì Triều Tiên chưa có những thay đổi thân thiện với thị trường được đưa vào luật. Ví dụ, đợt cải cách tiền tệ thất bại năm 2009 đã khiến nhiều người Triều Tiên mất hết tiền tiết kiệm.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích