Gần một tháng kể từ ngày ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TP.HCM viết đơn xin từ chức (8/1/2018), vẫn chưa có kết quả giải quyết theo nguyện vọng. Chiều 1/2, tại cuộc họp với báo chí trên địa bàn, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cho biết lãnh đạo thành phố đã gặp gỡ ông Hải để trao đổi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng về việc từ chức. Tuy nhiên, do còn nhiều vấn đề khách quan nên đơn của ông Hải vẫn chưa được giải quyết.
Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TP.HCM đã nộp đơn xin thôi các chức vụ |
Thất bại do cấu trúc nền kinh tế?
Liên quan đến chiến dịch lập lại trật tự lòng lề đường và đơn từ chức của Phó Chủ tịch UBND quận 1, đã có nhiều ý kiến "mổ xẻ" nguyên nhân sự việc. Dưới góc nhìn của mình, TS Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng ông Hải làm được việc rất quan trọng là "nói lời, giữ lấy lời".
Theo TS Huỳnh Thế Du, ở nước ta, hệ thống phân định quyền lực, trách nhiệm và nghĩa vụ không rõ ràng. Việc một người nhận trách nhiệm như ông Hải về truyền thông ra bên ngoài là tốt, tốt cho cá nhân ông Hải, tạo ra áp lực cho chính quyền. Nhưng gốc vấn đề là xử lý quyền hạn trách nhiệm, động cơ làm việc.
"Ông Hải có động thái mạnh tay đối với những hoạt động ảnh hưởng cái chung, cần thiết nhưng gốc vấn đề ở đây là cấu trúc nền kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế chính thức không tạo đủ công ăn việc làm và thu nhập tốt cho người dân. Chính vì vậy hoạt động của nền kinh tế phi chính thức mới nhiều", TS Du nói.
Giải pháp quan trọng trong việc lập lại trật tự lòng lề đường cũng như giao thông cá nhân với giao thông công cộng. Phải vừa đẩy vừa kéo. Phải có những biện pháp "đẩy" cứng rắn nhưng quan trọng hơn vẫn là "kéo". "Kéo" hiệu quả là tạo công ăn việc làm cho người dân.
"Nếu người ta có công ăn việc làm ổn định ở nền kinh tế chính thức thì việc làm ở kinh tế phi chính thức sẽ giảm đi rất nhiều. Chính sách của chính quyền nhà nước phải tạo cho môi trường kinh doanh thông thoáng, các hoạt động kinh tế sôi động. Chính sách mạnh tay là cần thiết nhưng để đừng quá mức. Đây là biện pháp căn cơ của hàng chục năm chứ không thể là việc ngày một ngày hai", TS Huỳnh Thế Du nói.
Nói về việc từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải, TS Huỳnh Thế Du cho rằng: "Về cơ bản khi bức xúc xã hội tăng lên thì việc có những hành động mạnh là chuyện bình thường. Chuyện nơi này nơi kia không hoàn thành mục tiêu như công bố thì người ta thôi chức là bình thường. Cũng như việc ra những động thái, cử chỉ, tạo áo lực để mục tiêu này mục tiêu kia là bình thường. Mình nghĩ một cách thông thường, ông Hải không hoàn thành nhiệm vụ thì từ chức thật. Nhưng cũng không loại trừ khả năng vì những tính toán, mục tiêu khác".
TS Huỳnh Thế Du: "Ông Đoàn Ngọc Hải không phải điểm sáng" |
Vấn đề không phải do một người hô hào
Việc ông Hải làm được Chính phủ ủng hộ trong khi quận 1 lại ra văn bản như "trói chân", TS Huỳnh Thế Du cho rằng: "Có phải một mình ông Hải làm việc đó, chỉ mục tiêu giải quyết trật tự vỉa hè, không liên quan đến gì khác không? Khi phân tích vấn đề phải có quan hệ hữu cơ và biện chứng đằng sau đó. Việc giải quyết quyết liệt như ông Hải trong bối cảnh Việt Nam là cần thiết. Nhưng ai cũng biết, nếu một mình ông Hải làm thì sẽ không đi đến đâu cả. Đây là có vấn đề của cả một hệ thống chứ không phải của một người hô hào. Nếu một người hô hào mà làm cho mọi chuyện tốt lên thì như thế đã giải quyết được lâu rồi".
TS Huỳnh Thế Du cũng cho rằng, ông Hải không phải là ngôi sao cô đơn. "Làm việc cần phải làm, chứ ông Hải không phải là ngôi sao cô đơn. Đâu phải một mình ông Hải làm đâu. Trong một hoạt động có 3 thành phần: người trực tiếp làm - liên minh ủng hộ (người đứng đằng sau đó) - lợi ích liên quan. Không đơn giản là một mình ông Hải bộc phát rồi một mình ông làm và thành công đâu", ông Du phân tích.
Gần một tháng kể từ ngày ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TP.HCM viết đơn xin từ chức (8/1/2018), vẫn chưa có kết quả giải quyết theo nguyện vọng |
Giải pháp cho vấn đề đô thị quận 1 nói riêng và TP.HCM nói chung, TS Huỳnh Thế Du cho rằng cần nhất quán tập trung vào nền kinh tế chính thức. Phải tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, có nhiều doanh nghiệp đa dạng các hoạt động kinh tế chính thức để tạo ra nhiều việc làm. Cấu trúc lại đô thị, giống như đô thị nén, phát triển theo định hướng giao thông công cộng.
"Cần tham khảo mô hình đô thị Seoul Hàn Quốc. Ở đó, người dân làm việc ở nhà máy, doanh nghiệp, tổ chức trong nền kinh tế chính thức, đi tàu điện ngầm, ở nhà chung cư... Lúc đó, những hoạt động lấn chiếm lòng lề đường sẽ giảm đi", TS Huỳnh Thế Du khẳng định.
Theo Dân Trí