Ga Sài Gòn: Chen chúc, vật vờ trên chuyến tàu về quê đón Tết Mậu Tuất

Thứ hai, 12/02/2018, 13:54
Nhiều hành khách chấp nhận mua vé ghế phụ để về quê ăn Tết trong tình cảnh chen chúc, vật vờ ngồi, ngủ, ăn ở ngay lối đi chật hẹp, điểm nối các toa tàu và cạnh nhà vệ sinh.


Từ ngày 5/2 (20 tháng Chạp), Ga Sài Gòn chính thức phục vụ cao điểm Tết Mậu Tuất đưa đón, chở người lao động đang làm việc tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam về miền Trung, miền Bắc đón Tết Mậu Tuất 2018.


Mỗi ngày, tại Ga Sài Gòn có từ 18 đến 20 chuyến tàu chở hơn 22.000 hành khách. Vì lượng khách đông, người dân sợ kẹt xe có thể trễ tàu nên họ đã đến ga từ khá sớm, vật vờ ngồi ngay sảnh chờ đợi giờ lên tàu.

Trong lúc chờ đợi, nhiều hành khách tranh thủ ngủ, người lướt điện thoại hay trò chuyện với bạn bè. Theo ghi nhận, trung bình mỗi ngày cao điểm phục vụ Tết, Ga Sài Gòn tiếp nhận hơn 30 trường hợp hành khách trễ tàu do kẹt xe.


Không chỉ đông đúc ở Ga Sài Gòn, lượng hành khách lên tàu ở Ga Biên Hòa (Đồng Nai) cũng rất đông công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ngày 10/2, trên chuyến tàu SE8 từ TP.HCM đi Hà Nội, do vé tàu chính thức đã hết, nhiều hành khách chọn mua ghế phụ ngồi trên lối đi trên toa tàu. Hành trình về quê của họ vô cùng khó khăn với đủ nỗi khổ. Họ phải đứng ngồi liên tục, ngủ ngồi trên ghế nhựa, nằm vật vờ trên sàn tàu hay thậm chí ngủ cạnh nhà vệ sinh.

Không chỉ ở các toa xe ghế ngồi, ngay cả toa giường nằm cũng chật cứng hành khách ngồi dọc đường đi. Vất vả nhất là những gia đình trẻ có trẻ em, thường xuyên phải di chuyển, đứng ngồi liên tục mỗi khi có người hoặc xe bán hàng đi qua.

Dù chen lấn, chật chội, ngồi ghế nhựa hơi vất vả nhưng các hành khách đều cảm thấy hài lòng vì may mắn có được tấm vé phụ để về quê ăn Tết. Anh Nguyễn Văn Đông (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) nói: "Chịu khó ngồi chật, ngủ ngồi một ngày là về nhà rồi. Tết cận ngày, đi xe cũng nhồi nhét, đi tàu tuy bí bách nhưng có thể đi lại cũng thoải mái".


Chỗ ngồi chật chội, không gian hẹp nên nhiều khách phải tranh thủ ra các điểm nối hai toa tàu hay cạnh nhà vệ sinh để ăn mì ly. Với các bạn trẻ, ngày Tết đi lại khó khăn, nên mọi người trên tàu đều hiểu, chia sẻ với nhau, không mấy ai phàn nàn.

Một hành khách ngồi ngay cạnh trước máy nước nóng. Cứ có người đến lấy nước là cô lại đứng lên.


Các phụ huynh thường ưu tiên giường nằm chính cho các con, còn họ mượn ghế nhựa ngồi để tạo không gian thoải mái cho trẻ em.


Khi lối đi ở các toa đã chật cứng, nhiều hành khách chọn cho mình khoảng không gian ở cửa lên xuống của toa tàu để nghỉ. Chị Hồng Ly (quê Nam Đàn, Nghệ An) chia sẻ: "Tết mà, chịu khó một ngày là về đến Vinh rồi. Trên tàu chật chội, chen chúc tí cũng được, về nhà rồi thì tha hồ vui".

Ngồi ghế nhựa với hành trình dài khá mỏi lưng, nhiều bạn trẻ mua chiếu để trải nằm trên lối đi của toa xe.

Đến tối, hành khách chia nhau khoảng trống trên tàu để ngủ ngay dưới sàn, gầm ghế hay cả ở cửa lên xuống của toa xe.

Một hành khách ngủ ngay dưới ghế, cạnh nhà vệ sinh của một toa xe.


Với các hành khách đi chặng dài thường trải chiếu ngủ trên lối đi các toa. Hành khách đi chặng ngắn hơn thì ngồi ngủ trên ghế nhựa.

Hành trình dài gần 1.800km khiến ai cũng mệt mỏi, phờ phạc. Đến tối họ ngả lưng ngủ ngay trên sàn toa tàu.


Dù khó khăn, vất vả, chen lấn trên những chuyến tàu, người dân vẫn vui vẻ, nhường nhịn, để ai cũng an toàn về quê đón Tết.

Mai đã nở rộ khắp nơi, các đoàn tàu vẫn tiếp tục chở hàng chục nghìn người từ các thành phố lớn ở miền Nam về miền Trung, miền Bắc đón Tết. "Dẫu biết đông đúc, chật chội sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hành trình chuyến đi nhưng vì Tết ai cũng muốn về nên việc bán nhiều ghế phụ cũng là cách chia sẻ của ngành đường sắt với người dân", một nhân viên phục vụ tàu Tết chia sẻ.

Theo kế hoạch vận chuyển dịp Tết, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quy định mỗi toa ngồi cứng 80 chỗ chỉ được bán thêm 12 vé ngồi ghế phụ, toa giường nằm chỉ được bán thêm 7 ghế phụ. Trường hợp cần thiết phải bán vé ghế phụ quá tỷ lệ phải báo cáo xin phép lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Từ 20 đến 29 tháng Chạp, mỗi ngày có 18-20 đoàn tàu xuất phát từ Ga Sài Gòn, chở khoảng 22.000 hành khách ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc.

Theo Zing

Các tin cũ hơn