|
Đội Triều Tiên và Hàn Quốc diễu hành dưới lá cờ thống nhất tại lễ khai mạc Thế vận hội Pyeongchang vào tối 9/2 (Ảnh: AP) |
Gần 500 người Triều Tiên đã có mặt tại Hàn Quốc để tham dự Thế vận hội mùa Đông do quốc gia láng giềng đăng cai tổ chức từ ngày 9-25/2. Hàn Quốc cũng là nơi đón hơn 31.000 người đào tẩu Triều Tiên trong vòng 60 năm qua. Do vậy, việc quản lý phái đoàn đông đảo này như thế nào để không xảy ra hiện tượng đào tẩu trong thời gian họ lưu lại Hàn Quốc là bài toán đặt ra đối với chính quyền Triều Tiên.
Phái đoàn Triều Tiên sang Hàn Quốc lần này không chỉ gồm các vận động viên mà còn có các quan chức chính phủ, các nghệ sĩ, phóng viên và đội cổ vũ. Tất cả đều được vây quanh bởi các nhân viên hỗ trợ, những người giám sát và cả những người chuyên báo tin. Trước đó, họ đều đã được kiểm tra lý lịch và là những công dân được xem là trung thành với chính quyền Triều Tiên.
Đã từng xảy ra các vụ đào tẩu của vận động viên Triều Tiên trước đây. Một thành viên của đội khúc côn cầu nữ Triều Tiên từng đào tẩu vào năm 1997, tiếp đó là vụ đào tẩu của một vận động viên judo khi đang thi đấu tại Tây Ban Nha vào năm 1999.
Mặc dù cơ hội xảy ra rất thấp, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng một thành viên nào đó của phái đoàn Triều Tiên sẽ tìm cách đào tẩu khi cả thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào Thế vận hội. Nếu kịch bản này xảy ra thì đây sẽ là tình huống gây khó xử cho cả Triều Tiên và nước chủ nhà Hàn Quốc.
Cơ hội khó khăn
|
Đội cổ vũ Triều Tiên tham gia sự kiện chào mừng Thế vận hội ở Gangneung, Hàn Quốc ngày 8/2 (Ảnh: AFP) |
Ở độ tuổi 20, Han Seo-hee từng được chọn làm thành viên của đội cổ vũ Triều Tiên sau khi cô biểu diễn trong một chương trình dành cho cố lãnh đạo Kim Jong-il. Sau khi đào tẩu từ năm 2006, Han đã chuyển tới sống ở Hàn Quốc.
Han cho biết các thành viên của đội cổ vũ Triều Tiên gần như không có cơ hội đào tẩu trong một sự kiện được chú ý như Thế vận hội. Đội cổ vũ sẽ nằm dưới sự giám sát ở tất cả địa điểm họ đặt chân đến, và họ cũng hiểu rõ những hệ quả mà gia đình tại quê nhà Triều Tiên có thể sẽ phải gánh chịu nếu họ đào tẩu.
“Tôi thậm chí chưa từng nghĩ đến khả năng đó. Và đội cổ vũ tại Thế vận hội lần này cũng vậy. Họ còn có gia đình ở quê nhà, họ biết nếu họ đào tẩu, gia đình họ sẽ bị xử phạt”, Han nói với CNN.
Theo Han Seo-hee, “một phái đoàn Triều Tiên được cử ra nước ngoài sẽ luôn đi kèm với ba nhóm khác, gồm các đảng viên, nhân viên an ninh và nhân viên hành chính. Lần này (Thế vận hội tại Hàn Quốc) cũng tương tự như vậy”.
Không đi một mình
Khi tham gia tranh tài tại Thế vận hội, các vận động viên đều trở thành tâm điểm chú ý của khán giả. Tuy nhiên, đối với các vận động viên Triều Tiên, sự chú ý dành cho họ không chỉ dừng lại ở lúc thi đấu. Theo một cựu sĩ quan cảnh sát Triều Tiên, các vận động viên nước này vẫn phải chịu sự giám sát ngay cả khi khán giả không còn nhìn thấy họ.
Nguồn tin trên cho biết các thành viên trong đoàn vận động viên Triều Tiên sẽ bị giám sát 24/7. Họ thậm chí không thể đi vào phòng tắm một mình và những người có nhiệm vụ báo tin sẽ giám sát cả việc ai đang nói chuyện với ai.
Cũng theo cựu sĩ quan cảnh sát Triều Tiên, việc giám sát các quan chức, vận động viên và nghệ sĩ Triều Tiên diễn ra hoàn toàn bí mật. Các sĩ quan tình báo có thể sẽ đóng vai các nhân viên hỗ trợ trong đoàn Triều Tiên.
Theo Han Seo-hee, tại Triều Tiên, người dân được khuyến khích phát hiện các hành vi khả nghi hoặc bất thường của chính những người bạn hoặc người thân của mình và có nghĩa vụ thông báo những điều này.
“Không chỉ các lãnh đạo, mà ngay cả các thành viên của đội cổ vũ, cũng sẽ bị phạt nếu không báo cáo những dấu hiệu khả nghi của một người đào tẩu”, Han cho biết thêm.
Đào tạo kỹ lưỡng
|
Bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tới Hàn Quốc dịp Thế vận hội trong vòng vây của các nhân viên an ninh (Ảnh: AFP) |
Khi phái đoàn Triều Tiên xuất hiện ở Pyeongchang, giới truyền thông luôn theo sát từng bước chân của họ. Trong phần lớn trường hợp, các thành viên trong đoàn Triều Tiên chỉ mỉm cười và hiếm khi trả lời hàng loạt câu hỏi từ phía các phóng viên.
Han Seo-hee kể lại rằng khi còn là thành viên của đội cổ vũ Triều Tiên, cô được yêu cầu không nói chuyện nếu đi ra nước ngoài, phớt lờ câu hỏi của các phóng viên và thậm chí không giao lưu bằng mắt với người ngoài.
“Chúng tôi được đào tạo rằng chúng tôi được cử tới Hàn Quốc không chỉ để cổ vũ, mà còn để ca ngợi nhà lãnh đạo của chúng tôi. Chúng tôi được yêu cầu tìm cách để chinh phục trái tim của đối phương”, Han chia sẻ.
Sự tách biệt
Trong thời gian tham gia Thế vận hội tại Hàn Quốc, các vận động viên Triều Tiên được bố trí sinh hoạt riêng trong 3 tầng nhà ở Làng Olympic Gangneung. Mỗi phòng có từ 2 giường trở lên và họ không được phép ở một mình trong phòng.
Các vận động viên Triều Tiên cũng treo một lá cờ khổng lồ ở bên ngoài cửa sổ phủ kín 3 tầng nhà để đánh dấu nơi họ ở. Nếu vào một ngày bình thường, hành động treo cờ này có thể sẽ bị coi là vi phạm, tuy nhiên Ủy ban Olympic Quốc tế đã cho phép đoàn Triều Tiên làm như vậy.
Trong khi đó, đoàn văn công Triều Tiên sẽ ở ngay trên tàu Man Gyong Bong trong thời gian biểu diễn tại Thế vận hội. Đây cũng là con tàu đưa họ từ Triều Tiên tới Hàn Quốc, đồng thời là nơi bảo vệ họ tránh khỏi những người biểu tình cũng như sự cám dỗ đào tẩu.
Theo Han Seo-hee, đội cổ vũ Triều Tiên đều là những người có “nền tảng tốt” và trung thành với chính quyền, do vậy khả năng đào tẩu gần như không xảy ra.
Lee Chul-sung, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Hàn Quốc phụ trách đảm bảo an ninh cho Thế vận hội, cho biết đoàn Triều Tiên không được phép mang theo lực lượng an ninh chính thức tới Hàn Quốc. Do vậy, ông phải tổ chức một nhóm an ninh riêng để theo sát phái đoàn Triều Tiên tới bất kỳ nơi nào họ xuất hiện.
“Các vận động viên Triều Tiên tách biệt với các vận động viên khác. Chúng tôi sẽ phải bố trí an ninh thêm cho họ”, ông Lee cho biết.
Theo ông Lee, Hàn Quốc đã bố trí các nhân viên an ninh túc trực thường xuyên bên ngoài nơi ở của phái đoàn Triều Tiên để đảm bảo an toàn cho họ trong bối cảnh các nhóm biểu tình liên tục xuất hiện.
Theo Dân Trí