Chính quyền Trump nôn nóng quay trở lại TPP
Theo hãng tin Kyodo ngày 7/2, khi gặp Phó Thủ tướng Taro Aso trong chuyến thăm Nhật Bản, Phó Tổng thống Mike Pence đã gợi ý việc Mỹ quay lại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Phó Tổng thống Pence đã nêu vấn đề này nhằm làm rõ hơn những bình luận gần đây của Tổng thống Trump Mỹ có thể xem xét quay lại TPP, nếu Washington có được điều khoản tốt hơn.
Ông Pence đánh giá rất cao tầm quan trọng chiến lược của TPP.
Còn nhớ, trong những giờ phút đầu tiên ngay sau khi nhậm chức, vị Tổng thống thứ 57 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã ký sắc lệnh về việc rút Mỹ khỏi TPP - một hiệp định thương mại mang tầm thế kỷ mà Washington đã ký với 11 đối tác khác.
TPP không chết yểu khi Trump rút Mỹ khỏi hiệp định thương mại thế kỷ này |
Tuy nhiên, sau khi Mỹ rút, TPP không chết yểu như dự đoán, mà 11 thành viên còn lại đã quyết tâm khai thác thành quả của những đàm phán kéo dài và khó khăn mới có được, bằng việc cho ra đời CPTPP hay còn được xem là TPP-11.
Nội dung của CPTPP là kế thừa TPP nên không có nhiều khác biệt, vì vậy nó vẫn được xem là hình mẫu cho những thoả thuận thương mại đa phương thời đại mới và điều này dường như đã tác động tiêu cực đến Mỹ.
Bởi chỉ 1 năm sau ngày tuyên bố rút Mỹ khỏi TPP, ngày 25/1/2018, bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sỹ, Tổng thống Trump lại lên tiếng về việc đưa Mỹ quay lại hiệp định thương mại thế kỷ này, nều có những điều khoản có lợi hơn.
"Mỹ sẽ vào TPP, nếu chúng tôi có những thoả thuận tốt hơn. Chúng tôi đã thỏa thuận với một vài trong số đó rồi.
Chúng tôi sẽ cân nhắc đàm phán với các nước còn lại, hoặc có thể là một nhóm, nếu các bên cùng chung lợi ích", CNBC tường thuật.
Vài ngày sau đó, trong một bài diễn văn, Tổng thống Trump lại tiếp tục nhắc đến việc Mỹ có thể xem xét quay lại TPP:
"Chúng tôi sẽ làm việc để sửa các thoả thuận thương mại tồi tệ và đàm phán cho những thỏa thuận mới".
Nay Phó Tổng thống Pence lại nêu vấn đề với Nhật Bản - một thành viên quan trọng với cả TPP và CPTPP, điều đó cho thấy dường như Washington rất nôn nóng quay lại TPP.
Điều gì khiến chính quyền Trump rốt ruột như vậy?
Tổng thống Trump đã dự báo không chuẩn xác về kinh tế Mỹ nên bị hớ khi vội vã rút khỏi TPP
Những tín hiệu tích cực của kinh tế Mỹ dưới thời chính quyền Trump - thể hiện rõ qua những kỷ lục được lập trên thị trường chứng khoán Mỹ - thang vũ biểu của nền kinh tế - phản ánh niềm tin của giới đầu tư, là bất ngờ với vị Tổng thống doanh nhân.
Tuy nhiên, kinh tế Mỹ càng tích cực bao nhiêu thì thách thức với chính quyền Trump trong vai trò điều tiết vĩ mô, càng lớn bấy nhiêu, trong đó đặc biệt là những hệ quy chiếu lệch pha với Mỹ và tỷ lệ thức trái chiều trong nền kinh tế Mỹ được xác lập.
Tổng thống Trump đã nhận định sai về kinh tế Mỹ khi ông nắm quyền điều hành đất nước |
Có thể thấy rằng, trong nền kinh tế Mỹ - và hầu hết các nền kinh tế phát triển - tiêu dùng nội địa đóng vai trò quan trọng nhất cho chất lượng và tốc độ tăng trưởng kinh tế, khi đóng góp tới 70% vào chỉ số tăng trưởng.
Do vậy, khi nền kinh tế Mỹ có những tín hiệu tích cực đồng nghĩa tiêu dùng nội địa tăng mạnh, tức là việc mua sắm của người tiêu dùng tại Mỹ tăng cao.
Điều đó khiến cho nhu cầu nhập khẩu gia tăng và đây là bài toán khó cho chính quyền Trump.
Bởi việc gia tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ khiến cho Mỹ không thể tránh khỏi bị thâm hụt thương mại - điều mà Tổng thống Trump luôn tìm cách cắt giảm, vì cho rằng lợi ích Mỹ bị "cướp mất" lớn nhất từ đây.
Theo Straits Times, nhập khẩu hàng hoá của Mỹ trong tháng 12/2017 tăng 2,9%, lên mức kỷ lục là 210,8 tỷ USD, trong đó nhập khẩu lương thực và hàng tiêu dùng đạt mức cao nhất.
Ví dụ, nhập khẩu các chế phẩm dược phẩm đã tăng 1,8 tỷ USD, nhập khẩu điện thoại di động và hàng gia dụng khác tăng 1,7 tỷ USD, trong khi nhập khẩu xe máy tăng 1,1 tỷ USD...
Điều đó khiến cho thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 12/2017 đã vượt xa dự báo, khi tăng 5,3%, lên mức 53,1 tỷ USD - và khi điều chỉnh sau lạm phát, thì thâm hụt lên tới 68,4 tỷ USD - mức cao nhất kể từ tháng 10/2008.
Tính cả năm 2017, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng tới 12,1%, lên 566,0 tỷ USD - mức kỷ lục trong vòng 10 năm - tương đương 2,9% GDP, trong khi thâm hụt thương mại năm 2016 của Mỹ chỉ chiếm khoảng 2,7% GDP.
Đặc biệt, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc - đối tác mà Tổng thống Trump luôn lên án và quyết tìm cách cắt giảm - đã tăng 8,1%, đạt mức kỷ lục ngay trong năm đầu tiên dưới thời chính quyền Trump, với giá trị lên đến 375,2 tỷ USD.
Theo báo Mỹ, không những không thể cắt giảm, ngược lại ông Trump còn làm cho chiếc bánh mà Trung Quốc lấy được từ Mỹ to hơn |
Theo Bộ Thương mại Mỹ, mức thâm hụt thương mại của Mỹ tăng quá nhanh và đạt mức kỷ lục, khiến cho tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ khó có thể đạt được mức 3% trong năm 2017, như kỳ vọng.
Khi luật thuế mới có hiệu lực, với gói cắt giảm thuế lên đến 1,5 nghìn tỷ USD, sẽ tạo ra sự kích thích tài chính, tạo thêm công ăn việc làm, khiến cho thu nhập xã hội gia tăng, tạo áp lực hơn nữa đối với nhập khẩu và thâm hụt thương mại của Mỹ.
Ông John Ryding, chuyên gia kinh tế của RDQ Economics ở New York, nhận định:
"Khi kinh tế Mỹ tạo ra nhiều việc làm, nhu cầu gia tăng sẽ có xu hướng đi kèm với sự tăng trưởng nhập khẩu và thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ lớn hơn".
Khi nhập khẩu tăng mạnh sẽ gây áp lực lên chính quyền Trump trong việc đàm phán lại các hiệp định thương mại. Đây là lúc Washington cần những quy chuẩn trong thoả thuận thương mại để đảm bảo lợi ích Mỹ và TPP có thể đáp ứng điều đó.
Theo ông Chris Rupkey, chuyên gia kinh tế của MUFG ở New York thì "các điều khoản thương mại hiện nay không hoàn toàn không công bằng và đó là vấn đề với sự mất cân bằng thương mại trong hàng hoá" của Mỹ.
Đây là lúc Trump thấy cần TPP.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump không thể áp dụng các quy chuẩn của TPP trong đàm phán với Canada và Mexico về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), để đảm bảo lợi thế cho Washington, vì Mỹ đã rút khỏi TPP.
Quá vội vã rút Mỹ khỏi TPP, nay Tổng thống Trump đã thấy mình bị hớ |
Tổng thống Trump cũng không thể vận dụng các quy chuẩn của TPP để xử lý các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, mà mục đích là mở lối cho việc trừng phạt Bắc Kinh, nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại, vì CPTPP đã loại Mỹ.
Cựu Tổng thống Obama đã không chuẩn xác trong đánh giá hiệu ứng của đời sống xã hội Mỹ với TPP và sai lầm khi gạt Trung Quốc khỏi TPP, nhưng không thể phủ nhận vị tổng thống 44 của nước Mỹ và 11 đối tác đã tạo ra một TPP chuẩn mực.
Quá nóng vội xóa bỏ di sản của người tiền nhiệm, đến lúc này dường như Tổng thống Trump đã thấy mình bị hớ, vì vậy phải tìm cách quay trở lại TPP. Theo các chuyên gia, việc ra điều kiện thực chất chỉ là để cho bớt muối mặt mà thôi.
Theo Đất Việt