Mua sim rác để nhắn tin dọa giết
Sáng 9/2, Tòa án nhân dân TP.Đà Nẵng mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Đào Tấn Cường (sinh năm 1969, trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) – nguyên Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex chi nhánh Đà Nẵng về tội đe dọa giết người.
Theo cáo trạng, chiều 10/72017, Đào Tấn Cường đến cửa hàng điện thoại di động của anh Nguyễn Đức Hiền mua 1 điện thoại di động Nokia 2 sim đã qua sử dụng và xin 1 sim có số 0126.252... để lắp vào máy.
Khoảng 9h ngày 11/7/2017, tại phòng làm việc, Cường sử dụng điện thoại và sim mới mua soạn tin có nội dung: “Rồi mày cũng phải trả giá thôi, mày lừa thầy phản bạn, mày sẽ phải hứng lấy quả báo, cũng chết bờ chết bụi thôi. Mày còn vợ con nữa đó”. Sau đó, Cường gửi cho ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng và ông Trần Phước Sơn – Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng nhưng không gửi được.
Cường nghĩ máy hỏng nên đưa máy đến cho anh Hiền sửa, hẹn đầu giờ chiều quay lại lấy. Anh Hiền kiểm tra thấy máy không bị hỏng mà do sim hết tiền nên chưa sử dụng được. Vì thế, anh Hiền nạp vào sim 20.000 đồng, nhắn tin đến số máy ông Cường bình thường và gọi cho ông Cường hẹn ông Cường ra lấy máy.
Bị cáo Đào Tấn Cường tại phiên tòa |
Khoảng 13h ngày 11/7/2017, Cường lấy điện thoại và mua thêm 1 sim mới rồi lắp cả 2 sim mang về cơ quan soạn tin nhắn nội dung "Đồ mất dạy, nợ máu phải trả bằng máu", rồi dùng sim số 0126.252... nhắn vào máy ông Thơ và ông Sơn.
Khoảng một giờ sau, Cường soạn tin nhắn thứ hai có nội dung: “Rồi mày cũng phải trả giá thôi, mày lừa thầy phản bạn, mày sẽ phải hứng lấy quả báo, rồi máy cũng chết bờ chết bụi thôi. Mày còn vợ con nữa đó” và dùng sim 0936.089... gửi đến số điện thoại của ông Thơ và ông Sơn.
Sau khi nhắn tin, do lo sợ bị phát hiện nên Cường đã đập vỡ điện thoại, bẽ gãy sim và toàn bộ điện thoại trên ném xuống sông Hàn (khu vực gần cầu Thuận Phước trên đường Như Nguyệt).
Không chỉ bị đe dọa bằng tin nhắn, nửa đêm thường xuyên có số lạ gọi
Quá trình điều tra, ông Huỳnh Đức Thơ và những người trong gia đình khai, khi nhận tin của Cường, hàng đêm họ thường bị kẻ lạ dùng số khuyến mãi nháy máy, gọi điện đến nhưng không nói gì và tắt máy. Vợ ông Thơ đi làm thi thoảng có người theo dõi, bám theo. Mẹ ông Thơ ở quê có người lạ đến hỏi nhiều nội dung bất thường, mặc dù không quen biết nhưng rủ đi ăn, tặng quà… Ông Thơ lo lắng nên nói em dâu sang ở cùng mẹ.
Một số người là bạn bè, cấp dưới thường đi với ông Thơ cũng bị các đối tượng lạ uy hiếp.
Tại nhà riêng ông Thơ, thường xuyên có người lạ đi qua đi lại nhòm ngó làm cho những người trong gia đình ông Thơ lo sợ.
Khi nhận được hai tin nhắn đe dọa trên, do không biết đối tượng đe dọa là ai nên ông Thơ càng hoang mang, lo sợ và tin rằng, người nhắn tin đe dọa sẽ thực hiện hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của bản thân và người thân trong gia đình bất cứ lúc nào.
Vì vậy, ông Thơ đã đề nghị Công an TP.Đà Nẵng khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ. Đồng thời, ông Thơ đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự TP.Đà Nẵng chỉ đạo bộ phân Quân báo – Trinh sát tăng cường lực lượng bí mật bảo vệ ông Thơ và những người thân trong gia đình, tuần tra kiểm soát khu vực quanh nhà ông Thơ.
Ông Trần Phước Sơn và những người trong gia đình cũng khai, sau khi nhận được tin nhắn tin trên, ông Sơn và gia đình rất lo sợ người nhắn tin sẽ xâm hại đến sức khỏe, tính mạng nên ông Sơn đã báo cáo với Phòng Nội chính, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng và đề nghị Công an thành phố có biện pháp bảo vệ, điều tra ngăn chặn theo quy định pháp luật. Bản thân ông Sơn phải thay đổi lộ trình, giờ giấc đi làm, báo cho vợ con và người thân biết để đề phòng…
Qua xác minh làm rõ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định Đào Tấn Cường là người thực hiện hành vi nhắn tin đe dọa ông Thơ và ông Sơn. Đến ngày 18/8/2017, cơ quan công an đã ra lệnh bắt khẩn cấp Cường để điều tra.
Tại cơ quan điều tra, Cường thừa nhận đã đe dọa xâm hại đến tính mạng của ông Thơ và ông Sơn bằng các tin nhắn trên.
Cường khai, nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là năm 2006, bà Lê Thị Ngọc Oanh (sinh 1970, trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) – là vợ Đào Tấn Cường, đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất L09 tại khu biệt thự Suối Đá (Bán đảo Sơn Trà).
Cường khai, lô đất trên vợ Cường đứng thay tên giúp nguyên một lãnh đạo TP.Đà Nẵng. Sau khi nguyên lãnh đạo này mất, Đào Tấn Cường trả lại cho gia đình ông này bằng cách lập hợp đồng mua bán với vợ chồng em vợ của nguyên lãnh đạo trên).
Năm 2015, ông Trần Đình Trung (trú Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) đã có đơn tố cáo cho rằng lô đất L09 là của ông Đào Tấn Bằng – Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng (em trai ông Cường) nhờ bà Lê Thị Ngọc Oanh đứng tên giúp và ông Bằng đã lấn chiếm đất của mình (lô đất của ông Trung bên cạnh lô L09).
Sau khi nhận đơn, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng đã thanh tra, kiểm tra và kết luận không có sự việc như nội dung tố cáo. Mặc dù đã có kết luận nhưng khi ông Bằng được cân nhắc bổ nhiệm, luân chuyển công tác lại có đơn tố cáo.
Cường cho rằng chính ông Trần Phước Sơn là người tập hợp đơn thư tố cáo và đề xuất ông Huỳnh Đức Thơ ký văn bản đề nghị thanh tra.
Cường đã gặp và trao đổi về lô đất L09 với ông Sơn. Tuy nhiên, Cường khai, trước ngày 11/7/2017, Cường lại nhận được đơn thư tố cáo ông Bằng liên quan đến lô đất L09 và ông Thơ đã ký văn bản cho tiếp tục thanh tra lô đất này. Do bức xúc nên Cường đã nhắn tin để đe dọa ông Thơ và ông Sơn.
Tại phiên tòa, Đào Tấn Cường cũng khai, bị cáo có mối quan hệ thân thiết với ông Huỳnh Đức Thơ và ông Trần Phước Sơn. Tuy nhiên, Cường đã nhiều lần gọi cho ông Thơ, ông Sơn nhưng hai ông không nghe máy. Trong lúc bức xúc, bị cáo đã mua điện thoại và sim khác để nhắn tin đe dọa ông Thơ và ông Sơn.
Theo Dân Trí