|
Lễ động thổ xây dựng đường sắt Trung - Lào được tổ chức hồi tháng 12-2015 - Ảnh: AFP |
Khoảng 4.000 hộ ở Lào bị ảnh bởi dự án đường sắt Trung Quốc - Lào được hứa hẹn sẽ nhận các khoản bồi thường nhưng cho đến nay số tiền và thời gian đền bù chưa được công bố rõ ràng, theo báo Nikkei của Nhật ngày 15-3.
Bên cạnh việc thiếu minh bạch, sự việc được cho là dây dưa khi chính phủ Lào giao cho chính quyền các tỉnh thực hiện các đánh giá riêng lẻ đối với các điều khoản đền bù. Vụ việc đã khiến người dân Lào không mấy dễ chịu.
"Đã đến cuối năm nhưng họ vẫn im lặng. Chúng tôi chưa nghe nói gì và chúng tôi cần bồi thường sớm nhất có thể" - một người dân tên Luang Prabang nói hồi cuối tháng 12 năm ngoái.
Theo Thông tấn xã Lào (KPL), thông qua Ngân hàng Ngoại thương nhà nước Lào - ngân hàng nhà nước lớn nhất của Lào, tiền bồi thường sẽ được chuyển cho các nông dân bị thiệt hại mùa màng và những người có "bất động sản được giao nộp cho chính phủ".
Sự bất bình nổi lên từ tháng 10-2016 khi nông dân Lào bị cấm nêu ý kiến gây bất lợi tại các cuộc họp công khai nhằm thúc đẩy dự án đường sắt Trung - Lào. Nhiều người bắt đầu phàn nàn vì vấn đề trưng dụng đất.
Xe đi qua một chốt biên giới ở thị trấn Boten của Lào, cửa ngõ nối với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc - Ảnh: AFP |
Theo báo Nikkei, hơn 80% đất dùng cho dự án đã được bàn giao cho nhà xây dựng Trung Quốc. Uớc tính cho thấy gần 4.000ha rừng và đất canh tác cùng hơn 3.300 căn nhà bị ảnh hưởng.
Tính tới tháng 12-2017 có 1/5 tuyến đường sắt đã được hoàn thành. Với thời hạn hoàn thành vào tháng 12-2021, dọc 414km đường sắt Trung - Lào sẽ có 75 hầm và 167 cây cầu.
Dự án đường sắt Trung - Lào dài 414km sẽ kết nối thị trấn Boten với thủ đô Vientiane. Boten là một thị trấn ở phía Bắc Lào, giáp biên giới với tỉnh Vân Nam thuộc miền Nam Trung Quốc. Lào và Trung Quốc tổ chức lễ động thổ hồi tháng 12-2015 và việc xây dựng chính thức bắt đầu vào một năm sau đó. Theo kế hoạch, đường sắt Trung - Lào sẽ được mở rộng về phía nam để kết nối với thủ đô Bangkok của Thái Lan. Đường sắt này dự kiến được đưa vào hoạt động vào tháng 12-2021. |
Trung Quốc hiện rót 70% quỹ cho dự án và phần còn lại sẽ do Lào lo. Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nói rằng dự án này sẽ chuyển Lào từ một quốc gia không giáp biển thành một quốc gia "liên kết lục địa".
Tháng 1-2018, chính phủ Lào tiết lộ một luật đền bù đã được soạn thảo cho các trường hợp giải tỏa đất bắt buộc phục vụ các dự án hạ tầng. Quốc hội Lào sẽ đưa ra thảo luận luật này vào tháng 4.
Việc giải tỏa, thu hồi đất để phục vụ phát triển đất nước, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như các dự án đầu tư nước ngoài đã trở thành một vấn đề gây nhiều bất đồng ở nước này.
|
Công nhân Trung Quốc tham gia xây dựng đường sắt Trung - Lào đi lại bên trong làng Bopiat thuộc tỉnh Luang Namtha, miền bắc Lào - Ảnh: AFP |
Sự bất bình của người dân diễn ra vào thời điểm nhiều nghi vấn xoay quanh dự án đường sắt Trung - Lào. Người ta lo ngại rằng Lào sẽ rơi vào bẫy nợ do Trung Quốc giăng dựng.
"Nếu đất được trưng dụng mà không có đền bù và không nhận được sự đồng ý của người dân, nó sẽ dẫn tới sự bất bình dữ dội" Một chuyên gia lâu năm về đầu tư nước ngoài tại Lào. |
Trung tâm phát triển toàn cầu (CGD) - một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận ở Mỹ - vào đầu tháng 3 này vừa công bố một nghiên cứu cho thấy Lào là một trong 8 quốc gia có nguy cơ vỡ nợ cao nhất trước những khoản đầu tư hậu hĩ của Bắc Kinh,
Tổng số vốn đầu tư lên tới 6 tỉ USD của dự án đường sắt trên chiếm gần một nửa tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Lào.
Trước đây, khi Lào nhận thấy không có khả năng thanh toán nợ sau khi thực hiện dự án xây dựng được Trung Quốc cho vay, chính phủ nước này đã bàn giao đất công cho nhà thầu Trung Quốc. Trong số này có một sân vận động ở Vientiane được xây với khoản vay 80 triệu USD.
Không đáng ngạc nhiên, những vụ việc thế này đôi khi đã gây sự phản đối kịch liệt của người dân đối với Trung Quốc - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Lào.
Theo TTO