|
Anh Đỗ Thành Nhân, người có hơn 20 năm làm nghề trông giữ tử thi |
Anh Đỗ Thành Nhân, Trưởng nhóm tiếp nhận bảo quan thi hài Bộ môn giải phẫu học, trường Đại Học Y Dược TP.HCM, có 20 năm làm nghề tại đây. Theo anh, nghề này cũng bình thường như bao nghề khác, cũng có khó khăn vất vả...
Họ hàng, người thân đều theo nghề giữ tử thi
Ở tổ tiếp nhận, bảo quản thi hài của Bộ môn giải phẫu học, Trường ĐH Y Dược TP.HCM có 8 thành viên, phụ trách công tác bảo quản, tiếp nhận thi hài dành cho việc nghiên cứu khoa học, sinh viên ngành Y thực tập. Những người này đa phần đều có quan hệ họ hàng với nhau.
Vì thế, anh Đỗ Thành Nhân được xem như thế hệ nối nghiệp lâu đời nhất trong Bộ môn giải phẫu học này. Ngay từ khi còn trẻ, anh Nhân đã nối tiếp truyền thống của cha để bước vào nghề bảo quản thi hài. Theo anh Nhân, cơ duyên để anh đến với nghề là từ người cha của mình.
Anh Đỗ Thành Nhân được xem như thế hệ nối nghiệp lâu đời nhất trong nghề giải phẫu học |
Các xác tử thi được nhiều người sau khi qua đời hiến tặng nhằm phục vụ cho khoa học |
Ban đầu anh Nhân chỉ phụ việc bảo quản thi hài cho cha ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, còn anh làm ở Trường Đại học Y Dược. Một lần do trường Đại học Y Dược thiếu nhân sự nên anh Nhân quyết định chuyển về trường này nhận việc.
"Hồi xưa có ông cậu làm trước, sau đó tới cha tôi và bây giờ là tôi tiếp nối nhau làm nghề này. Hiện giờ đa số là anh em tụi tui làm, giờ có tui, em ruột, em rể, thậm chí cả con của tôi cũng làm việc ở đây. Bản chất của nghề này là tiếp xúc với xác người nên nhiều người cũng ngại, sau một vài ngày thì họ chạy mất nói chi đến chuyện ký hợp đồng lâu dài", anh Nhân chia sẻ.
Trong những ngày gần đây, khi được dịp tham quan các căn phòng bản quản tử thi, tôi có hỏi anh Nhân: "Anh làm việc ở đây có sợ không". Anh Nhân đáp: "Có nhiều người cũng hỏi tôi như vậy. Hỏi tôi có bao giờ thấy ma không. Tôi chỉ nói có thấy gì đâu. Tôi cũng thấy rất bình thường".
Do anh được tiếp xúc, làm quen với tử thi ngay khi còn trẻ nên dần dần việc tiếp cận xác chết của anh Nhân không có gì là ghê gớm. Công việc hằng ngày của tổ là bảo quản các tử thi bằng cách ngâm hoá chất, bơm thuốc xử lý hoặc cất vào kho lạnh. Đến ngày sinh viên thực tập, tổ sẽ mang tử thi ở kho lạnh ra ngoài, để "nguội" khoảng 3 tiếng rồi chuyển qua phòng thực hành. Còn khu vực cạnh bên là phòng giải phẫu, nơi chứa hàng chục tử thi được ngâm với hóa chất trong các thùng inox. Ở đây, mỗi khi cần nghiên cứu, anh Nhân liền mở nắp các thùng, dùng tay quay để nâng tử thi từ bên dưới. Với các khung xương, sau khi xử lý bằng cách cạo bỏ lớp da thịt, anh Nhân cũng tự tay lắp ghép lại rồi bảo quản.
"Làm nghề này phải biết các đốt xương như thế nào. Ví dụ như đốt xương sống cổ hay thắt lưng nằm ở đâu để lắp ghép lại. Nhưng đối với nghề này đa số là tôi phải tự học từ những người đi trước, chứ không ai dạy tôi gì cả", anh Nhân chia sẻ.
Ngoài việc lưu trữ xác chết, ở đây còn lưu giữ các bộ phần xương người để cho sinh viên Y khoa học tập |
Đối với những tử thi đã quá thời hạn nghiên cứu, anh Nhân kiêm luôn việc tắm rửa tử thi, cạo những mảng thịt, da để lấy xương lưu giữ cho việc học. Không những thế anh Nhân còn kiêm luôn việc an táng cho các tử thi khi đã hết thời gian phục vụ rồi liên hệ trả tro cốt người chết về lại gia đình.
Nửa đêm đi nhận tử thi
Ngoài chuyện bảo quản tử thi, anh Nhân còn làm luôn việc tiếp nhận tử thi từ những người hiến tặng. Đến nay anh Nhân ước tính đã tiếp nhận đến gần 700 tử thi.
Trong suốt khoảng thời gian đó, hầu như thời gian anh Nhân ở trường còn nhiều hơn ở nhà. Vì việc tiếp nhận không kể giờ giấc, có khi anh phải ở lại trường suốt đêm là chuyện thường. Hay có những lúc anh Nhân vẫn phải túc trực tận nửa đêm đi nhận tử thi rồi mang về trường.
Anh Nhân so sánh công việc ở nhà xác không "ghê" bằng công việc tiếp nhận và bảo quản tử thi: "Ở nhà xác chỉ tiếp nhận xác rồi cất vào tủ đông đến khi có thân nhân đến nhận rồi bàn giao. Còn công việc của tôi thì khi có người hiến xác, tôi sẽ thông báo cho anh em chuẩn bị xe, áo quan,… đi đến tận nhà của người ta nhận về, xong mình sẽ ướp, bảo quản, sau đó đem xác ra vô cho sinh viên thực hành".
Các mảnh xương chân được anh Nhân xử lý chuẩn bị lắp ghép trở lại |
Kể về những kỷ niệm trong lần tiếp nhận tử thi, anh Nhân cho biết có khi ngay đêm giao thừa, mùng 2 Tết đi nhận tử thi, hoặc có lúc cao điểm một ngày nhận liên tục 1 đến 2 tử thi là chuyện thường. Những năm tháng trước kia, khi nhận được tin người hiến xác qua đời, có khi anh còn lặn lội đến tận vùng Cà Mau, vào trong những khu vực xa xôi hẻo lánh.