|
Muammar Gaddafi, lãnh đạo Libya năm 1969-2011. Ảnh: Reuters. |
Triều Tiên ngày 16/5 kịch liệt chỉ trích Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton khi ông này đề xuất sử dụng "mô hình Libya" để phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Bình Nhưỡng gọi bình luận này là "hành động nham hiểm để áp đặt số phận của Libya" với Triều Tiên và dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ.
Năm 2003, Muammar Gaddafi chứng kiến việc Mỹ can thiệp quân sự vào Iraq, lật đổ Saddam Hussein và có thể nghĩ rằng ông ta sẽ là người tiếp theo. Vì vậy ông đã đàm phán với Anh và Mỹ rồi đồng ý tự nguyện bàn giao thiết bị đã mua từ A.Q. Khan, lãnh đạo của chương trình hạt nhân Pakistan. Triều Tiên và Iran cũng là khách hàng của Khan, người sau này bị quản thúc tại gia khi các hoạt động của ông bị phơi bày.
Các vật liệu liên quan đến chương trình hạt nhân của Libya được đưa ra khỏi nước này, phần lớn được lưu trữ tại phòng thí nghiệm vũ khí của Mỹ ở Oak Ridge, Tennessee. Khi Tổng thống George W. Bush công bố thỏa thuận này, ông đã ám chỉ Triều Tiên và Iran khi nói "tôi hy vọng các lãnh đạo khác sẽ coi hành động của Libya là tấm gương để noi theo", theo NYTimes.
Tuy nhiên, chuyện xảy ra chưa đầy một thập niên sau đó là điều Kim Jong-un lo sợ. Mỹ và các đồng minh châu Âu năm 2011 bắt đầu hành động quân sự chống lại Libya để ngăn chặn việc Gaddafi đe dọa sát hại dân thường.
Ngoại trưởng Hillary Clinton đã thuyết phục được Tổng thống Obama tham gia hành động do châu Âu dẫn đầu. Tuy nhiên, không ai trong Phòng Tình huống khi đó tính đến việc hoạt động này có thể gửi thông điệp gì đến những nước Mỹ đang cố gắng thuyết phục từ bỏ vũ khí, theo các cuộc phỏng vấn với hơn 6 người tham gia cuộc thảo luận.
Với sự hậu thuẫn của NATO, phiến quân chống chính phủ đã truy đuổi Gaddafi và vài tháng sau giết ông ta một cách tàn nhẫn. Kể từ đó, Libya lâm vào cảnh hỗn loạn với cuộc nội chiến, tranh giành quyền lực, một số khu vực nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân Hồi giáo cực đoan.
|
Nhà báo Mỹ đến một cơ sở hạt nhân của Libya năm 2004. Ảnh: AP. |
Nỗi lo của Triều Tiên
Triều Tiên luôn lo sợ họ sẽ gặp phải số phận tương tự như Libya, cụ thể là lo ngại giới lãnh đạo sẽ gặp kết cục tương tự Gaddafi. Điều đó đã gắn liền với suy nghĩ của Triều Tiên về chương trình vũ khí trong nhiều năm.
Năm 2011, sau khi Mỹ và các đồng minh tiến hành không kích Libya, Ngoại trưởng Triều Tiên cho rằng việc phi hạt nhân hóa quốc gia Bắc Phi này là "một chiến thuật xâm lược để tước đoạt vũ khí". Sau khi Gaddafi bị giết, các quan chức Triều Tiên nói rằng nếu không từ bỏ chương trình hạt nhân, ông có thể vẫn còn sống.
Năm 2016, ngay sau khi Triều Tiên thử hạt nhân, hãng thông tấn nhà nước KCNA đã nhắc đến Libya và Iraq khi nói "lịch sử chứng minh rằng răn đe hạt nhân là thanh kiếm quý giá nhất để ngăn người bên ngoài xâm lăng". "Chính quyền Saddam Hussein ở Iraq và Gaddafi ở Libya không thể thoát khỏi số phận bị hủy diệt sau khi bị tước đoạt nền tảng để phát triển hạt nhân và từ bỏ các chương trình hạt nhân", bài báo có đoạn viết.
Nhưng Triều Tiên cũng vạch ra ranh giới rõ ràng giữa họ và hai quốc gia nói trên. Họ khẳng định rằng Triều Tiên không thể cùng chung số phận với những nước "quỳ gối trước các cường quốc" như Libya hay Iraq.
"Thế giới biết quá rõ rằng đất nước chúng ta không phải là Libya hay Iraq, những bên đã gặp phải số phận khốn khổ", tuyên bố có đoạn viết. Triều Tiên nhấn mạnh họ đạt được thành tựu mà Libya chưa bao giờ có: Họ đã trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Không như Triều Tiên, Libya không thật sự một quốc gia hạt nhân. Trong quá trình kiểm tra vào năm 2003, người Mỹ đã phát hiện Libya sở hữu các máy ly tâm có thể được sử dụng để sản xuất uranium làm giàu - nhiên liệu được dùng để chế tạo bom hạt nhân. Tuy nhiên, họ chưa đến được bước chế tạo vũ khí hoàn thiện.
"Hoàn toàn vô lý khi dám so sánh Triều Tiên - một quốc gia sở hữu hạt nhân với Libya - nước mới chỉ ở giai đoạn phát triển ban đầu", KCNA viết. Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân và các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng họ còn 20 - 60 quả bom cũng như các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng tấn công Mỹ.
Trump đã cố gắng xoa dịu cơn tức giận của Triều Tiên khi nói rằng "mô hình Libya" sẽ không được sử dụng với họ. Ông hứa hẹn Mỹ có thể hỗ trợ Kim Jong-un phát triển kinh tế nếu nước này phi hạt nhân hóa. "Đây sẽ là hình mẫu với Kim Jong-un: ông ấy sẽ lãnh đạo đất nước mình, đất nước của ông ấy sẽ giàu có", Trump nói.
Theo VNE