Phớt Mỹ, Nga chứng minh tình thân Iran

Thứ sáu, 18/05/2018, 15:34
Nga thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Iran bất chấp những đe dọa từ phía Mỹ, đánh tan những ý kiến hoài nghi về thái độ của Moscow.

Tung lời kích động

Trang The National Interest của Mỹ vừa có bài viết phân tích mối quan hệ giữa Nga và Iran, trong đó chỉ ra sự phản ứng "yếu ớt" của Moscow khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử.

Sau khi Mỹ quyết định rút khỏi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) ngày 8/5, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố chỉ trích Mỹ đi ngược lại quan điểm của cộng đồng quốc tế và Washington theo đuổi “những lợi ích hẹp hòi và mang tính cơ hội”.

Điện Kremlin thì bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước quyết định của Mỹ và nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã tham gia hàng loạt cuộc đối thoại với các lãnh đạo EU nhằm tìm ra phương hướng cứu vãn thỏa thuận này khi không có Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hôm 8/5

Tuy nhiên, trang báo Mỹ cho rằng tiếng nói của Moscow lại là yếu ớt nhất trong số những bất mãn được thể hiện bởi không có quyền lợi thiết yếu nào của Nga bị lâm nguy và thậm chí điều này còn đem lại cho Nga thêm những lợi ích thực sự.

Theo đó, sau khi Mỹ đột ngột rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran bất ngờ được hưởng lợi. Sự lo ngại về những căng thẳng sẽ khiến giá dầu gia tăng.

Tại thị trường London (Anh), giá dầu thô Brent Biển Bắc giao kỳ hạn ngày 17/5 đã lần đầu tiên đã phá ngưỡng 80 USD/thùng kể từ cuối năm 2014.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế ngày 16/5 cho biết nguồn cung dầu mỏ thế giới bị thắt chặt, có thể là do quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran và cũng như sản lượng dầu thô của Venezuela sụt giảm.

Trước khi tăng giá ở mức cao nhất trong ngày 17/5, giá dầu thô trong thời gian qua cũng đã tăng do nhu cầu tăng mạnh và các nước thành viên trong và ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đạt được thỏa thuận lịch sử về cắt giảm sản lượng.

Châu Âu ngày càng không tin Washington và sự rối loạn giữa các đồng minh NATO là điều khó tránh khỏi.

Iran không được hưởng lợi ích về mặt kinh tế từ JCPOA, song trong bối cảnh mới này, châu Âu có thể không đếm xỉa đến những lời đe dọa áp đặt thêm các lệnh trừng phạt của Mỹ mà tiếp tục hợp tác làm ăn với Tehran.

Mỹ đang khiến giá dầu tăng và làm lợi cho Nga?

Trong khi đó, tờ báo Mỹ cho rằng khả năng Mỹ tấn công quân sự chống lại Iran không phải là vấn đề cấp thiết đối với Nga. Tổng thống Trump sẽ khó có thể liều mình khởi động một cuộc chiến nữa ở Trung Đông dù một vài nhân tố trong chính quyền ông coi Iran là một mục tiêu dễ tấn công.

Thay vào đó, nhà lãnh đạo Mỹ tiến hành một "chiến lược gây sốc trên Twitter" thì khả thi hơn. Tờ báo Mỹ cho rằng theo quan điểm của Moscow thì quyết định của Tổng thống Trump là nhằm vào chính trị trong nước với hy vọng là điều này sẽ gây tiếng vang cho phe Cộng Hòa và khiến hình ảnh tổng thống có vẻ mạnh mẽ hơn.

Nếu phân tích này là đúng, thì Nga không cần phải bình luận về việc Mỹ rời khỏi JCPOA. Moscow sẽ lựa chọn duy trì thỏa thuận này với châu Âu và Trung Quốc, và để Washington phải hứng chịu hậu quả ngoại giao.

Theo The National Interest, kể từ sau Chính sách An ninh Quốc gia Cơ bản 1953 (NSC 162/2), mối quan tâm chính sách ngoại giao chủ chốt của Mỹ là duy trì sự đoàn kết và chia sẻ gánh nặng với châu Âu và Nhật Bản trong việc ngăn chặn Liên Xô với 4 trọng tâm quyền lực – Đức, Anh, Nhật và Mỹ.

Trong thập kỷ trước, những hành động đơn phương thường xuyên của Mỹ đã làm lung lay nền tảng của chiến lược này. Moscow đã phấn đấu vì một thế giới đa cực và, theo tờ báo Mỹ, Nga đang tỏ ra vượt trội trong cuộc chơi này.

Phá thế cờ Mỹ

Tuy nhiên, những phân tích trên của tờ báo Mỹ có vẻ mang hơi hướng "ly gián" trong bối cảnh Nga và Iran vẫn đang hợp tác chặt chẽ tại Syria và rộng hơn là tại khu vực Trung Đông. Mối quan hệ này đang khiến Mỹ khó có thể "tự tung tự tác" như những năm trước đây.

Biểu hiện mới nhất chứng minh sự ủng hộ của Nga dành cho Iran là sự kiện Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) do Nga đứng đầu ngày 17/5 đã ký một thỏa thuận thương mại tạm thời với Iran, theo đó giảm mức thuế quan đối với hàng trăm mặt hàng hóa nhập khẩu giữa hai bên. EAEU cũng đồng thời đặt ra mục tiêu xúc tiến các cuộc đàm phán trong vòng 3 năm để thành lập khu vực thương mại tự do.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani

Lễ ký thỏa thuận nói trên diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan (cũng là nơi đã diễn ra 9 vòng hòa đàm Syria do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ) trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran, theo đó các công ty giao dịch với quốc gia Hồi giáo này cũng sẽ gánh chịu các biện pháp trừng phạt của Washington.

Trước đó, Trợ lý của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Yuri Ushakov cho biết Moscow sẽ làm mọi cách có thể để duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông Ushakov khẳng định thỏa thuận hạt nhân Iran đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ sự ổn định trên toàn cầu, và Nga đang nỗ lực hợp tác với Iran để đảm bảo Tehran không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, hãng Sukhoi của Nga cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với các hãng hàng không của Iran trong khuôn khổ các thỏa thuận đã ký kết về việc cung cấp phiên bản mới máy bay Sukhoi Superjet 100 - SSJ100R.

Tại Eurasia Air Show hồi tháng 4 vừa qua, công ty Sukhoi đã ký biên bản ghi nhớ về dự định từ nay đến năm 2022 sẽ cung cấp 40 máy bay SSJ100R cho 2 hãng hàng không của Iran.

Dàn Tu-22M3 của Nga tại căn cứ Hamedan, Iran

Không chỉ Nga, các nước châu Âu hiện cũng thể hiện lập trường mạnh mẽ nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 17/5 đã kêu gọi EU bảo vệ các doanh nghiệp của khối, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ đang làm ăn với Iran trước nguy cơ phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Nhà lãnh đạo Pháp bày tỏ sự ủng hộ đối với đề cuất của Ủy ban châu Âu (EC), đó là bảo vệ và bồi thường cho các công ty của EU có thể bị Mỹ trừng phạt vì còn giao dịch làm ăn với Iran.

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết các nước EU đều nhất trí thỏa thuận hạt nhân Iran "không hoàn hảo", song nhấn mạnh thỏa thuận này cần phải được duy trì bất chấp việc Mỹ rút khỏi.

Trước đó, ngày 15/5, Thủ tướng Merkel tuyên bố quan hệ với giữa châu Âu với Mỹ đang bị thụt lùi sau quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn