Các chuyên gia phân tích tin rằng Nga có thể tận dụng tình hình hiện tại. “Nếu Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình, một vài dự án của Mỹ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ mất đi vai trò chiến lược của mình”, ông Dmitry Abzalov, người đứng đầu Trung tâm Thông tin Chiến lược Nga nhận định.
Binh lính Hàn Quốc và Mỹ trong một cuộc tập trận chung. |
“Hệ thống phòng thủ tên lửa ABM ở Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ trở nên vô dụng. Các hệ thống này có giá trị hàng tỉ USD và hiểm họa từ Bình Nhưỡng là lý do để chúng được hiện diện. Một khi hiểm họa này biến mất, lợi ích tài chính của các doanh nhân Mỹ cũng biến mất”, ông nói thêm.
Cũng theo ông Abzalov, giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đang có sự bất đồng quan điểm với nhau, khi ông Pompeo ủng hộ đàm phán Mỹ - Triều còn ông Bolton từ lâu không có thiện cảm với Bình Nhưỡng. “Sau cùng, chính Tổng thống Mỹ phải là người quyết định mình sẽ đứng về bên nào”, ông nói.
Ông Alexander Vorontsov, một nhà phân tích có uy tín thuộc Học viện Khoa học Nga nhận thấy rằng Washington muốn Bình Nhưỡng giải giáp vũ khí hạt nhân của mình, sau đó mới xem xét sẽ mang lại lợi ích cho Triều Tiên.
“Triều Tiên muốn có sự đảm bảo về an ninh và tin rằng họ sẽ mất rất nhiều nếu từ bỏ chương trình hạt nhân của mình”, ông Vorontsov nói. “Chỉ ép Bình Nhưỡng giải giáp vũ khí hạt nhân thôi là chưa đủ. Ông Kim Jong-un và các quan chức Triều Tiên nhớ rõ số phận của ông Muammar Gaddafi, người đã từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Không ai trong chính phủ Triều Tiên muốn có chung số phận ấy”.
Ông Abzalov cho rằng nếu Bình Nhưỡng tiếp tục nghi ngờ ý định của Washington, vai trò của Mỹ trong các cuộc đàm phán về tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ ngày càng giảm. Điều này có nghĩa là Nga có thể xuất hiện và đóng vai trò hòa giải cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, còn cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ trở thành các cuộc đàm phán đa phương.
Theo chuyên gia người Nga, sẽ rất lý tưởng với Nga nếu Triều Tiên thảo luận về tiến trình phi hạt nhân hóa của mình không chỉ với Washington, mà còn cả với Bắc Kinh, Seoul và Moscow. Trong trường hợp chính quyền Trump thất bại, Nga có thể can thiệp và thay đổi tình thế.
Sau khi Triều Tiên đưa ra phát ngôn chỉ trích Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố rằng Bắc Kinh hy vọng Washington và Bình Nhưỡng sẽ “tiếp tục xây dựng niềm tin lẫn nhau, và cùng nhau nỗ lực hiện thực hóa tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và xây dựng hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực”. Trung Quốc cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy bày tỏ sự cảm thông với những quan ngại của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, báo Mainichi Shimbun của Nhật Bản đưa tin rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có thể sẽ đến Singapore và tham dự cuộc gặp mặt Trump – Kim.
Theo Infonet