Kênh thoát nước sân bay Tân Sơn Nhất bị lấp để làm lối đi

Thứ sáu, 18/05/2018, 16:13
"Tôi đi giám sát ở quận Tân Bình, thấy rất rõ kênh thoát nước sân bay Tân Sơn Nhất bị bà con lấy bao cát lấp để làm lối đi", ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, nói.

Ngày 18/5, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết 2,5 năm về thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020. Đây là một trong bảy chương trình đột phá của Đảng bộ TP.HCM khoá X.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm điều hành chống ngập TP.HCM, cho biết trong giai đoạn 2016-2020, đơn vị quyết tâm xử lý các tuyến đường ngập trong khu vực 550km2 lõi trung tâm thành phố và 5 lưu vực giáp ranh trung tâm TP.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng người dân vẫn còn có thói quen xả rác ra đường, xuống cống gây tắc nghẽn dòng chảy.

“Về dự án chống ngập do triều, hiện thành phố vẫn còn 4 tuyến đường ngập vì các dự án kiểm soát triều chậm tiến độ. Trong đó có dự án xây dựng các đập ngăn triều với kinh phí 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Trung Nam đang dừng thi công do chưa giải ngân được vốn”, ông Dũng nói.

Cũng tại hội nghị, ông Dũng cũng đề cập đến thực trạng nhiều cống thoát nước, kênh dẫn nước trên địa bàn bị lấn chiếm, xâm phạm nghiêm trọng. Tình trạng người dân vô tư xả rác ra cống, đường, kênh khiến hệ thống thoát nước tắc nghẽn.

Đồng tình về quan điểm này, ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho rằng tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên miệng cống, kênh thoát nước không những chỉ người dân mà còn có cơ quan Nhà nước vi phạm.

Hội nghị sơ kết 2,5 năm thực hiện công tác giảm ngập nước trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020.

Chủ tịch UBND TP.HCM thừa nhận câu chuyện lấn chiếm, xây nhà ở trên các cống, kênh thoát nước là do công tác quản lý Nhà nước yếu kém ở các quận, huyện trong quá khứ. Người dân vẫn còn thói quen xả rác ra đường, cống thoát nước khiến tắc nghẽn dòng chảy.

Theo ông Phong, tình trạng dân số cơ học ngày càng lớn tác động đến hạ tầng đô thị, thu hẹp diện tích bề mặt khiến tình trạng ngập nước ngày càng lớn.

“Tôi đi giám sát ở quận Tân Bình, thấy rất rõ kênh thoát nước sân bay Tân Sơn Nhất nhưng bà con dùng bao cát lấp ngang để đi. Còn ở quận 12, người dân xây nhà vệ sinh ngay trên đường cống. Quận Gò Vấp thì bà con xây nhà lên hệ thống cống. Thực tế chúng ta giải quyết thực trạng đó khó, là hệ quả của công tác quản lý yếu”, ông Phong dẫn chứng.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) được xem là "rốn ngập" của thành phố sau mỗi cơn mưa lớn.

Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các quận, huyện rà soát lại các trường hợp xây dựng trái phép trên các cống, kênh thoát nước để có hướng xử lý phù hợp, sớm trả lại không gian thông thoáng cho dòng chảy.

Ông Phong giao Trung tâm chống ngập nước TP cần hệ thống lại mục tiêu rõ ràng, cụ thể trong những năm tới về quy hoạch, thu hút nguồn lực, khoa học kỹ thuật, vận động nhân dân trong công tác chống ngập. Thành phố cần mở rộng không gian trữ nước, xây dựng các hồ điều tiết để giảm ngập ở các tuyến đường nội đô.

Theo Zing

Các tin cũ hơn