|
Dự kiến mức giá mới sẽ được thực hiện trên toàn quốc từ ngày 1-7. Trong ảnh: bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân tại một bệnh viện ở TP.HCM |
4 tháng đầu năm 2018, riêng chi phí giường bệnh Quỹ bảo hiểm y tế chi trả đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái 928 tỉ đồng. Tiền giường cùng với hơn 40 dịch vụ khác như khám chữa bệnh, chụp chiếu... đang bị đánh giá có mức phí cao và phải đưa về mức giá đúng.
Dự kiến Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ ký ban hành thông tư hướng dẫn mức giá mới vào tháng 5 này và thực hiện trên toàn quốc từ ngày 1-7.
Giảm phí từ 2-20%
Theo dự thảo vừa được Bộ Y tế đề xuất, biểu giá mới điều chỉnh (chủ yếu theo hướng giảm) hơn 40 dịch vụ y tế, trong đó có những dịch vụ tần suất sử dụng cao như tiền khám bệnh dự định giảm 5.000 - 12.000 đồng/lượt tùy tuyến.
"Giá dịch vụ giường bệnh tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nằm chật chội so với mỗi người một giường phải có giá khác và những nơi hồi sức chăm sóc đặc biệt lại phải có giá khác. Riêng đối với những bệnh nhân khó khăn, bệnh viện luôn có chính sách riêng để hỗ trợ họ giảm bớt chi phí điều trị, giường bệnh" Bác sĩ Phạm Xuân Dũng (giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) |
Tiền giường bệnh thì ngoại trừ giường điều trị tích cực và hồi sức cấp cứu có thể tăng, còn lại đều giảm.
Các dịch vụ như chụp CT, cộng hưởng từ không có thuốc cản quang, chụp X-quang, nội soi tai mũi họng, siêu âm can thiệp, điện não đồ, nhiều loại xét nghiệm như tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm đường máu... cũng được đề xuất giảm giá.
Mức giảm từ 2-20% tùy loại dịch vụ.
Ông Lê Văn Phúc (phụ trách ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN) cho biết ngoài mức giảm đề xuất kể trên của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội VN cũng có một biểu giá đề nghị Bộ Y tế - Bộ Tài chính xem xét.
"Chúng tôi và ngành y tế sẽ sớm có cuộc làm việc để thống nhất mức giảm, đưa dịch vụ về mức giá đúng. Chúng tôi chưa tính toán nếu giảm giá thì tổng chi phí giảm được sẽ là bao nhiêu, nhưng đây đều là các dịch vụ có tần suất sử dụng lớn, cả người bệnh và quỹ bảo hiểm đều được lợi.
Ví dụ như một dịch vụ 1,7 triệu đồng nay đề nghị giảm xuống 1,4 triệu đồng, trước giả sử người bệnh phải cùng chi trả 20% là 340.000 đồng, nay chỉ phải chi 280.000 đồng thôi, quỹ cũng giảm phần chi" - ông Phúc nói.
Theo ông Lê Văn Phúc, cùng với quyết định về giảm phí (dự kiến áp dụng từ 1-7), Bảo hiểm xã hội VN sẽ đề nghị thực hiện thanh toán chi phí theo hướng "chất lượng nào, giá ấy" chứ không cào bằng.
"Nếu cào bằng thì một bệnh viện chật chội, nhân lực y tế không đủ như định mức 1,34 nhân viên/giường bệnh mà chỉ đạt 0,7-0,8 thôi, người nhà vẫn phải vào trông nom thì chỉ được chi trả theo tỉ lệ nhất định. Nếu không thì bệnh viện không chịu thay đổi" - ông Phúc nhận xét.
Ông Nguyễn Nam Liên - vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế - cho hay có nhiều chi phí chưa được tính vào giá, bệnh viện tuyến huyện chưa tính tiền điều hòa vào tiền giường, nhưng các khảo sát cứ lấy bệnh viện huyện làm căn cứ nói chưa có điều hòa, chất lượng không đúng như định mức xây dựng giá là không đúng.
Tuy nhiên theo ông Phúc, ngay tuyến tỉnh cũng có nhiều bệnh viện chưa có điều hòa.
"Trong tiền giường hiện nay đã có tiền điều hòa, tiền điện, không có hay không dùng đều là không đúng cam kết về chất lượng" - ông Phúc nói.
|
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM |
Gánh nặng chi phí giường bệnh
Bệnh tật bám riết là nỗi khổ khiến không ít gia đình bỗng chốc khánh kiệt. Thế nhưng vào viện, họ không chỉ phải lo chuyện tiền thuốc men điều trị là xong, gánh nặng chi phí giường bệnh còn đáng lo không kém.
Mới đây, chị M.T.H. (29 tuổi, ngụ Đồng Nai) bị dọa sẩy thai 12-13 tuần phải vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, TP.HCM. Sau khi thăm khám, chị H. được chỉ định nhập viện điều trị nội trú trong vòng 21 ngày.
Theo đơn giá bảo hiểm y tế, giá tiền phòng ở bệnh viện tuyến huyện chị H. phải đóng là 152.500 đồng/ngày. Ngày xuất viện, chị H., giật mình bởi tổng chi phí điều trị hơn 4 triệu đồng nhưng chi phí giường bệnh chiếm hơn 3 triệu đồng.
"Người ta nói vào viện lo tiền điều trị chứ tôi thấy lo phí giường nằm. Điều trị nội trú ít ngày còn đỡ, bệnh nặng kéo dài ngày này qua tháng khác người bệnh khó lòng kham nổi" - chị H. chia sẻ.
Theo chị H., giá dịch vụ giường bệnh cao nhưng thực tế tại nhiều bệnh viện chất lượng phục vụ không tương xứng.
Có nơi quá chật chội buộc người bệnh phải nằm ghép, rồi các tiện nghi như quạt không đủ, nhà vệ sinh không đảm bảo sạch sẽ nên người bệnh vừa mất tiền lại rước mệt mỏi vào thân.
Khảo sát tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho thấy bệnh viện này có đến 22 loại giá dịch vụ giường bệnh tính theo ngày.
Trong đó, giá cao nhất là giường bệnh hồi sức cấp cứu (chưa bao gồm phí sử dụng máy thở) là 335.900 đồng, thấp nhất là giường bệnh ngoại khoa loại 4 sau các phẫu thuật loại 3 giá 45.750 đồng nhưng phải nằm ghép nửa ngày.
Trong bảng giá dịch vụ này, có nhiều giá giường nằm chỉ trong nửa ngày, thậm chí nằm ghép có giá trên 100.000 đồng/ngày.
Tại khoa ngoại 3, chúng tôi quan sát bên phòng bệnh rộng chừng 50m2thấy kê 10 giường bệnh, giữa hai dãy giường là một lối đi rộng khoảng 1m có kê dãy ghế cho thân nhân bệnh nhân ngồi.
Các "tiện nghi" trong phòng, theo quan sát gồm một chiếc quạt trần và bồn rửa mặt. Một bệnh nhân quê ở Tiền Giang vừa làm thủ tục xuất viện cho biết chi phí giường bệnh của người thân sau khi trừ bảo hiểm là khoảng 150.000 đồng/ngày.
Bác sĩ Phạm Xuân Dũng - giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP - cho biết bảng giá niêm yết của bệnh viện đều áp dụng theo khung giá của Bộ Y tế, Bộ Tài chính ban hành.
Tương tự, bác sĩ Nguyễn Khắc Vui - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - cho biết về giá tất cả các dịch vụ và chi phí giường bệnh nói riêng phải xây dựng cơ cấu từng danh mục kỹ thuật theo thông tư của Bộ Y tế và báo cáo Sở Y tế TP trong quá trình ban hành, thực hiện.
"Chỉ có những trường hợp triển khai dịch vụ theo yêu cầu bệnh nhân có thắc mắc do nhân viên y tế giải thích không ổn"- bác sĩ Vui nói.
Theo TTO