|
Xe tăng của lực lượng Israel ở cao nguyên Golan gần Syria |
Căng thẳng giữa Israel và Iran gia tăng sau khi quân đội Israel nã hàng chục tên lửa vào các mục tiêu Iran ở Syria sau khi cáo buộc lực lượng của Iran ở đây tấn công mục tiêu của Israel ở cao nguyên Golan.
Phía Israel nói rằng đó không phải là lần đầu tiên Iran bắn rocket vào các mục tiêu Israel. Đến sáng 10/5, Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman cho biết quân đội nước này đã phá hủy hầu hết các cơ sở vật chất của Iran ở Syria.
Sự hiện diện của Iran tại Syria
Iran là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Đây là nước đầu tiên can thiệp vào cuộc chiến của quân đội Syria chống lại các lực lượng đối lập và sau này là tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Sau nhiều năm tham chiến ở Damascus, Iran được cho là đã xây dựng các hạ tầng quân sự lớn, cũng như thành lập và đào tạo lực lượng dân quân Shiite và điều sang hàng ngàn binh sĩ. Tehran cũng điều các cố vấn từ lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran sang hỗ trợ quân đội Syria.
Israel đã không ít lần cáo buộc Iran đang xây dựng quan hệ với lực lượng đồng minh Shiite ở Iraq và Hezbollah ở Lebanon nhằm tạo nên một lực lượng liên quân gây bất lợi cho nhà nước Do Thái.
Chuyên gia Amir Toumaj từ tổ chức quốc phòng dân chủ (Mỹ) nhận định Israel cho rằng đây là mối đe dọa với nước này. Bản chất quan hệ giữa Israel và Iran đã đi từ hợp tác trở thành thù địch, rồi lại quay lại làm bạn, trước khi mâu thuẫn lại rơi vào tình trạng "không đội trời chung" như thời điểm hiện tại.
Trước năm 1979, Israel và Iran là đồng minh cho đến khi cách mạng Hồi giáo nổ ra ở Iran. Khi đó, lãnh tụ tinh thần Iran đã chỉ trích Israel chiếm đóng lãnh thổ của Palestine và cắt đứt quan hệ với nhà nước Do Thái. Bản thân Syria vào thời điểm đó cũng cùng chung quan điểm chống Israel như Iran. Căng thẳng giữa Israel và Iran đã có dấu hiệu xuống thang trong chiến tranh Iran - Iraq (1980-1988) khi cả hai đều coi cố lãnh đạo Iraq Saddam Hussein là kẻ thù chung.
Sau khi cuộc chiến kết thúc, Iran lúc này đã trở nên mạnh hơn trong khu vực và tiếp tục phản ứng với Israel về vấn đề Palestine. Israel mặt khác lo ngại sự lớn mạnh của Tehran cũng như chương trình hạt nhân của nước này nên mối quan hệ đã chuyển sang giai đoạn căng thẳng mới.
Ông Toumaj nhận định Israel lo ngại rằng Iran dường như đang biến Syria thành một mặt trận, tương tự như miền nam Lebanon, vừa hỗ trợ tấn công và phòng thủ cho Tehran. Ngoài ra, Israel cho rằng Iran đang đưa các hệ thống phòng thủ như tổ hợp Tor sang Syria và Israel phải ngăn chặn điều này.
Hành động của Israel
|
Tên lửa được cho là của Israel trên bầu trởi Damascus. (Ảnh: Reuters) |
Theo chuyên gia Natan Sachs từ viện nghiên cứu Brookings (Mỹ), Israel đã không kích Syria nhằm chặn việc Iran mang vũ khí hiện đại sang cho lực lượng Hezbollah nhưng hiếm khi xác nhận thực hiện các vụ tấn công mang tính chất đơn lẻ. Trong tình thế này, khi liên minh Iran và Syria đang mạnh hơn sau khi đẩy lùi các lực lượng đối lập với chính phủ ông Assad và có thể sẽ "bắt tay" với Hezbollah, Israel cho rằng đây sẽ là mối đe dọa nếu mối liên minh trên đủ vững mạnh.
Ngoài ra, căng thẳng giữa Iran và Israel cũng gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố rút khỏi hiệp ước hạt nhân Iran ký năm 2015. Động thái của ông Trump được giới quan sát cho rằng giống như hành động "mở đường" cho đồng minh Israel. Theo ông Martin S. Indyk, cựu Đại sứ Mỹ tại Israel, Iran và Israel dường như đang chuyển từ tình trạng “Chiến tranh Lạnh” 20 năm qua sang đối đầu trực tiếp và sự leo thang căng thẳng có thể sẽ không chỉ dừng lại như những ngày qua.
Theo ông Indyk, Iran dường như cũng không ngồi yên khi Israel tấn công sang Syria. Tehran được cho là đã chuyển các rocket và công nghệ sản xuất rocket sang Syria, cung cấp cho Hezbollah hệ thống vũ khí chính xác hơn và lắp đặt hệ thống phòng không mới.
Đồng quan điểm với ông Indyk, ông Sachs nhận định rằng diễn biến những ngày qua chưa phải là cái kết cho căng thẳng giữa Iran và Israel. Ông cho rằng cả 2 bên sẽ tiếp tục thử nghiệm giới hạn lẫn nhau và sẽ không dừng lại. Ông Indyk mô tả tình hình lúc này giống “một chiếc xe hơi tăng tốc và mất phanh”.
Nhà cựu ngoại giao tỏ ra hoài nghi với tình thế tương lai. Ông cho rằng kịch bản tệ nhất có thể xảy ra là mâu thuẫn sẽ lan tới Lebanon và căng thẳng bùng phát giữa Israel và Hezbollah dẫn tới kết cục không mấy tốt đẹp có thể tiếp tục xảy ra với khu vực Trung Đông.
Theo Dân Trí