Số đông người dân tứ tán mọi phương vì không còn hy vọng, số ít bám trụ và ở trọ ngay trên chính ngôi nhà của mình, số khác tạm cư trong những ngôi nhà không hơn chuồng heo.Trái ngược với tình cảnh đó là những khu phố sầm uất, khu biệt thự hoành tráng được xây ngay trên chính dẻo đất bị thu hồi của cư dân Thủ Thiêm. Còn gì đau lòng và chua xót hơn nữa !
Đền bù 1m2 đất được 3 tô phở
Ngoằn nghèo vượt qua những đám ruộng đầy cỏ lau, những ngôi nhà bị đập phá dang dở, chúng tôi tìm vào nhà hai vợ chồng ông Huỳnh Văn Lực (SN 1928, là cựu chiến binh, 70 năm tuổi đảng) số B3/15 bis KP 1, tổ 16, phường Bình An. Một hình ảnh đau lòng đập ngay vào mắt, trên chiếc giường cụ bà Nguyễn Thị Giáp - vợ ông đang múc từng muỗng cháo đút cho chồng đang bị bệnh tai biến, liệt hai chân.
Vừa đút cháo cho chồng, bà cụ kể: Hai vợ chồng chỉ có duy nhất một đứa con trai nhưng không may đã chết trong một tai nạn giao thông, chỉ còn lại hai vợ chồng già yếu thui thủi trong căn nhà đã có lệnh giải tỏa. Gọi là nhà nhưng 15 năm nay không được xây cất, sửa chữa nên xập xệ, tan hoang, mùa nắng nóng bức, mùa mưa ngập lụt.
Nhà chị Lê Thị Hương ngập nước, xập xệ chị phải ở trọ trong chính nhà mình. |
Theo bà Giáp, nhà của bà hơn 100m2, khi chính quyền ra quyết định thu hồi nói nhà mới mua năm 2001 nên không được bồi thường. “Chúng tôi chạy khắp nơi để kêu cứu. Năm 2013 họ ra quyết định điều chỉnh với nội dung: Trường hợp chọn phương thức tái định cư thì được nhận số tiền 9.612.500 đồng, được mua căn hộ chung cư theo giá tái định cư với diện tích tiêu chuẩn là: 7,75m2, trường hợp nhận trọn gói thì được nhận số tiền là 133.612.500 đồng…”.
“Chúng tôi dù gần đất, xa trời những vẫn quyết bám trụ, ai muốn vào nhà cưỡng chế phải bước qua hai thân già này. Nhà tôi ngoài ranh quy hoạch, không thể muốn lấy là lấy ngay được”- bà Giáp nhấn mạnh.
Còn tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 9.5 với đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhiều cư dân cho biết khi bị thu hồi đất chỉ được đền bù 150.000 - 200.000 đồng/m2, trong khi bán ra 350 triệu đồng/m2. Ông Ngô Hùng Phong ở KP3, phường An Khánh cũng phản ánh đến tổ ĐBQH khu tái định cư không có mà cứ cưỡng chế họ bắt đi. “Bồi thường 1m2 đất chỉ đủ mua được 3 tô phở thì dân sống thế nào? Chúng tôi yêu cầu được nhận tái định cư, nhưng nhà tái định cư lại quá cao trong khi giá đền bù không đủ mua thì khác gì lừa dân”- ông Hùng bức xúc.
Ở trọ nhà mình, tạm cư như chuồng heo
Xuôi theo những khu phố sầm uất chúng tôi đến khu tạm cư của những người dân bị giải tỏa vào ở tạm tại phường An Lợi Đông, quận 2. Khu tạm cư với những ngôi nhà tạm nhếch nhác, ọp ẹp mà người dân ví như chuồng heo. Trước khi tạm cư ở đây gần 10 năm, gia đình bà Nguyễn Thị Hường có 3 căn nhà cấp 4 mặt tiền đường Trần Não (số 512/52 K), quận 2. Theo bà Hường, khi bị thu hồi bà chỉ được đền bù 291 triệu đồng và không có tiêu chuẩn tái định cư.
Còn gia đình bà Nguyễn Thị Nhung có hơn 500m2 đất thừa kế nhưng cũng thành người vô gia cư khi bị giải tỏa, đền bù 200.000 đồng/m2 và phần hỗ trợ thiệt hại và tái định cư hơn 500 triệu đồng. Không chấp nhận đền bù, gia đình bà được phân vào khu tạm cư, chờ giải quyết.
Ngôi nhà tuềnh toàng và gia cảnh hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Giáp. |
“Chúng tôi không đồng ý đền bù và khiếu kiện khắp nơi nên mới được cho vào ở tạm cư. Mà khu tạm cư như các anh thấy, tiện nghị tệ hại, nhà nhếch nhác, ọp ẹp, 16 khẩu chui rúc trong 3 phòng. Sau này, nhiều nhà bỏ đi chúng tôi mới phân ra ở thêm vài phòng khác. Mà thật lòng cũng không biết bị đuổi đi lúc nào...”- bà Hường kể.
Khác với khu tạm cư, nhiều hộ dân quyết bám trụ và không di dời vì cho rằng mình nằm ngoài ranh quy hoạch. Không đi, nhưng ở lại họ cũng chịu bao nỗi thống khổ khi nhà cửa hơn 10 năm xuống cấp, không được sửa chữa, xây dựng.
“Mưa thì ngập, nắng thì oi bức, ở trong nhà mình mà không được quyền xây dựng hay sửa chữa thì khác gì ở trọ”, chị Phùng Thị Thu Hằng (nhà A2/8, KP 1, phường Bình An, quận 2) than thở. Sát nhà chị Hằng, hàng xóm hơn 8 hộ dân đang bám trụ không chịu di dời cũng chung cảnh khổ. Khi chúng tôi vào, cả xóm đang thuê xe cuốc vào đắp đất để chống nước ngập có đường đi. Cả xóm cho biết, mùa mưa nào cũng chịu cảnh ngập đường, ngập nhà, sống chung với ngập quanh năm khi không thể nào được xây dựng, sửa chữa. “Chúng tôi bám trụ lại nhưng chẳng biết chịu được đến bao giờ. Nhà thì sắp sập, nước ngập vô tận giường, mọi sinh hoạt cứ ở như rừng ngập mặn vậy” - ông Trịnh Thái Bằng buồn bã kể.
Nhiều người thì ở trọ tại nhà mình, nhưng phần đông cư dân đã tứ tán khắp nơi vì không chịu thấu nỗi thống khổ bám trụ. Chị Tô Thị Phương Thi có nhà và hơn 1.000m2 đất cũng bị giải tỏa trắng.
“Họ đền bù chẳng khác nào lấy không, chúng tôi nhất quyết không chịu thì họ vào cưỡng chế, giải tỏa trắng. Không nhà, không cửa, vợ chồng chúng tôi phải ly tán về Nhơn Trạch, Đồng Nai ở tạm nhà người thân và tiếp tục đòi công bằng”, chị Thi vừa khóc vừa kể lại tình cảnh ngay trên miếng đất của chị mà chính quyền cấp cho doanh nghiệp xây dựng.
160ha tái định cư biến mất (?) Trong khi người dân ly hương, sống tạm, ở trọ trong chính ngôi nhà của mình thì quy hoạch 160ha tái định cư được phê duyệt nằm ở đâu? Theo như quy hoạch xây dựng Khu ĐTM Thủ Thiêm, Chính phủ quy định dành 160ha tái định cư gần khu trung tâm hoặc xê dịch gần đó, không được bố trí xa nơi ở cũ. Tuy nhiên, theo các cư dân khiếu kiện, trong quá trình quy hoạch, chỉ có khoảng 40,2ha hiện hữu là đất dành cho khu tái định cư nằm ở phường Bình An, đường Trần Não. Tuy nhiên, ông Lê Văn Lung - một cư dân cho biết, chỉ có 15ha được xây tái định cư, nhưng không mấy người dân vào ở, phần còn lại của 40,2ha thì bây giờ không biết đi đâu, chỉ thấy nhiều dự án mọc lên ở đây. Để báo cáo với Chính phủ đầy đủ 160ha tái định cư, UBND TP.HCM đã có những quy hoạch “mập mờ”, bố trí tái định cư rải rác trên nhiều phường khác. Tại 4 khu đất dành để tái định cư cho khu ĐTM Thủ Thiêm là khu dân cư số 1 - 143ha phường Thạnh Mỹ Lợi, nền đất 50ha phường Cát Lái, nền đất trong dự án 174ha phường Thạnh Mỹ Lợi và khu tái định cư 90ha Nam Rạch Chiếc. Trong khi cư dân Thủ Thiêm bị giải tỏa ly tán, tha hương và ở tạm cư thì ngay trên chính những khu đất thu hồi là những khu phố sầm uất, biệt thự hoành tráng. Còn những khu ở tạm, ở trọ của bà con thì tan hoang mà như cựu Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh từng nói: “Có lần đi thực tế, tôi thấy việc đập nhà của bà con tan hoang như một trận bom cày nát. Đáng ra, xây dựng khu ĐTM Thủ Thiêm thì người hưởng lợi đầu tiên phải là cư dân ở đó, vậy mà họ phải ra đi… chỉ biết nói một từ: Buồn”. |
Theo Dân Việt