Ai thông cảm, chia sẻ với dân?

Thứ ba, 05/06/2018, 09:19
Trong lần đầu tiên lên ghế nóng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể liên tiếp bị đại biểu “truy” đi “truy” lại nhiều lần về những bất cập trong việc thu phí BOT, cũng như sự yếu kém, trì trệ, lạc hậu của ngành đường sắt. Trước các chất vấn gay gắt trên, Bộ trưởng Thể đã nhiều lần phải “xin lỗi, nhận trách nhiệm và mong được thông cảm, chia sẻ”...

Trạm BOT gây bức xúc dư luận.

Đường sắt lạc hậu vì bị bỏ rơi, không có lợi ích (?)

Đề cập hàng loạt các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trong thời gian gần đây, gây bức xúc dư luận, ĐB Tô Thị Bích Châu (TP.Hồ Chí Minh) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể để tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng phục vụ đường sắt và giảm tối đa tai nạn giao thông đường sắt. Cùng chung mối quan tâm, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng từ năm 1936, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có một hệ thống đường sắt hoàn thiện nhất ở Châu Á. “Ngày hôm nay đường sắt ở tình trạng này, tôi cho là trong nhận thức của chúng ta không đầy đủ”, ông Quốc nói và đặt vấn đề.

Theo ông Quốc cách đây 8 năm, Quốc hội đã thẩm định và không tán thành việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam nhưng vẫn khẳng định cần thiết phải sớm có một đường sắt hoàn thiện, có tốc độ cao để đáp ứng như là một phương tiện xương sống của hệ thống giao thông. Vậy nhưng 8 năm qua việc này hầu như dẫm chân tại chỗ. “Phải chăng đầu tư làm đường bộ dễ chia sẻ lợi ích, trong khi đường sắt đầu tư lớn. Đề nghị bộ trưởng nói rõ quan điểm của mình về vấn đề trên”, ông Quốc nêu câu hỏi.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để lập lại trật tự kỷ cường trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT. Các quy định của pháp luật về BOT phải đảm bảo công khai, minh bạch, khắc phục những “kẽ hở” trước đây làm thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước.

Thừa nhận “ngành giao thông vận tải tham mưu kém”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đường sắt hiện nay vô cùng lạc hậu, có những đoạn đã hình thành 70 - 80 năm trước. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, cộng với việc quản lý vận hành chưa tốt dẫn đến có quá nhiều đường ngang được hình thành, tiềm ẩn nguy cơ lớn mất an toàn giao thông. Để xử lý vấn đề này, nhất là sau hàng loạt các vụ tai nạn giao thông gần đây, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý. Về lâu dài, ông Thể cho biết, Bộ đang xây dựng đề án tuyến đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao để báo cáo Quốc hội trong năm 2019.

Tuy nhiên phần trả lời của ông Thể không làm hai đại biểu trên hài lòng. “Bộ nói quan tâm nhưng sao trong báo cáo của ngành chỉ có 3 dòng nói về giao thông đường sắt”, ĐB Châu nói. Còn ĐB Dương Trung Quốc khẳng định, “đường sắt gần như bị bỏ rơi”.

“Xin lỗi vì báo cáo thể hiện mờ nhạt nội dung đường sắt”, ông Thể đồng thời một lần nữa cũng “xin lỗi” và nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân và người dân bị tai nạn giao thông đường sắt. “Chúng tôi cũng xác định trách nhiệm rất cao của mình và sự yếu kém của hệ thống đường sắt, kể cả các cơ quan, đơn vị có liên quan, kể cả Cục đường sắt và Tổng công ty đường sắt. Chúng tôi đang triển khai những giải pháp cấp bách để chấn chỉnh lại tình trạng này”, Bộ trưởng Thể nói.

Trạm BOT dày đặc, gây ảnh hưởng đến người dân

Là người đầu tiên nêu câu hỏi chất vấn, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đi thẳng vào vấn đề BOT – vốn gây ra nhiều bức xúc trong thời gian qua. “Đề nghị Bộ trưởng làm rõ sự chênh lệch số năm thu phí giao thông giữa dự toán được phê duyệt với kết quả kiểm toán BOT và giải pháp khắc phục như thế nào?”. Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Thể cho biết, sự chênh lệch về thời gian thu phí rất được dư luận quan tâm.

Việc ký hợp đồng BOT, thời gian thu phí trên cơ sở dự toán, dự kiến nên có chênh lệch. Bộ GTVT ký hợp đồng theo dự án được duyệt. Để công khai, minh bạch, Bộ GTVT đã kiến nghị kiểm toán trước khi quyết toán. Qua kiểm toán, Bộ GTVT đã làm việc với các chủ đầu tư, và ký kết, điều chỉnh theo quyết toán. “Kết luận kiểm toán và quyết toán của Bộ GTVT luôn tương đồng với nhau. Bộ GTVT luôn làm mọi cách để đảm bảo quyền và lợi ích của người dân”, ông Thể nói.

Đề cập tình trạng “không đi cũng phải nộp phí BOT” xảy ra trên Quốc lộ 91, 90; Hà Nội - Bắc Giang, Thái Nguyên - Chợ Mới, tuyến tránh Phúc Yên, hầm Phước Tượng (Thừa Thiên Huế), ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đề nghị cho biết rõ “ai là người phải chịu trách nhiệm”. ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) phản ánh, việc trên địa bàn với 200km đường thì có 3 trạm thu phí. “Theo Bộ trưởng như thế có nhiều quá không? Việc quá nhiều trạm thu phí trên một đoạn đường như thế có làm tăng chi phí vận chuyển và giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế hay không”, bà Hạnh nêu câu hỏi.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biêt, việc này liên quan đến kinh phí và nhiều vấn đề khác. Do đó, Bộ sẽ cố gắng tham mưu Chính phủ một cách tốt nhất để giải quyết. Còn về mật độ trạm BOT dày đặc, ông Thể thừa nhận “gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân và chi phí”. “Tôi đánh giá bà con cũng rất khó khăn, nhất là những hộ nghèo, vì chúng ta đi qua các trạm BOT nếu đi ôtô thì chúng ta phải nộp một khoản tiền và hàng hóa vận chuyển đi qua những trạm này cũng phải tốn một số chi phí, do đó cũng phát sinh, ông Thể nói. Từ đó, ông mong muốn cử tri, nhất là tỉnh Bình Định “hết sức thông cảm”. “Việc này chúng tôi thực hiện bằng cách cố gắng giảm đến mức tối đa những trạm nào có khả năng chúng tôi sẽ ưu tiên giảm giá”, ông Thể cho biết.

Đối với vấn đề chỉ định thầu trong các dự án BOT, ông Thể khẳng định, việc này thực hiện đúng theo quy định của luật. “Việc gì cho phép thì Bộ sẽ làm, có những dự án chúng tôi sẽ xin ý kiến và có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ mới triển khai. Do đó, việc làm này rất công khai minh bạch, các cơ quan nhà nước có thể kiểm tra, xử lý các sai phạm. Nếu có sai sót liên quan đến Bộ Giao thông, chúng tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Thể nói.

“Việc đổi tên trạm thu giá thành trạm thu phí không cần phải nghiên cứu và trình. Tôi thấy cứ trở về tên cũ là được. Bây giờ đợi trình Chính phủ rất lâu. Tên đúng như tên cũ thì cứ lấy lại thôi”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói như vậy khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói rằng đang trình Chính phủ để thay đổi tên trạm thu phí BOT bằng một tên mới phù hợp.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn