Dân làng chỉ được cảnh báo vài giờ trước khi đập thủy điện Lào vỡ

Thứ tư, 25/07/2018, 17:14
Nhiều câu hỏi đặt ra về hiệu quả hệ thống cảnh báo sau sự cố vỡ đập ở Lào, khi người dân chỉ được lệnh sơ tán vài giờ trước thảm họa.

Một phụ nữ lớn tuổi bế một đứa trẻ trong khi những người cùng làng sơ tán khỏi nước lũ do sự cố vỡ đập tìm nơi trú ẩn tại thị trấn Paksong, tỉnh Champasak hôm 25/7. Ảnh: AFP.

"Chuyện xảy ra quá nhanh, chúng tôi có quá ít thời gian chuẩn bị", bà Joo Hinla, 68 tuổi, đến từ Ban Hin Lath, một trong những ngôi làng bị thiệt hại nặng nề nhất sau sự cố vỡ đập Xe Pian - Xe Namnong ở tỉnh Attapeu, Đông Nam Lào, kể lại với AFP.

Bà cùng hơn 700 người nữa đang trú tạm trong một nhà kho tại tỉnh lân cận với Attapeu. "Nhà cửa trong làng tôi đều ngập dưới nước. Bốn người trong nhà tôi mất tích, vẫn chưa rõ sống chết", bà nói.

Tính đến trưa nay, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 19 thi thể, hàng trăm người vẫn mất tích. Những người sống sót đặt câu hỏi tại sao họ chỉ nhận được rất ít cảnh báo về sự cố vỡ đập, dù hai nhà thầu Hàn Quốc khẳng định đã thông báo nguy cơ một ngày trước khi một đập phụ bị vỡ.

Vị trí con đập bị vỡ ở Lào.

Hai công ty Hàn Quốc tham gia dự án xây đập trị giá 1,2 tỷ USD này phát hiện bất thường đối với đập phụ D từ vài ngày trước. Theo một báo cáo công ty Korea Western Power Co., công ty vận hành đập, cung cấp cho một nghị sĩ Hàn Quốc, họ đã phát hiện "trung tâm đập sụt lún 11cm" từ sáng 21/7 và đã tìm cách  gia cố khẩn cấp con đập, nhưng tình trạng sụt lún diễn biến xấu hơn.

"Hiện chúng tôi vẫn chưa rõ nguyên nhân đập bị sụt lún ở một số chỗ và xuất hiện vết nứt", phát ngôn viên của Korea Western Power cho hay.

Chủ thầu Hàn Quốc SK Engineering & Construction phát hiện vết nứt trên đập vào ngày 22/7, nhưng đến 21h cùng ngày mới phát cảnh báo tới chính quyền địa phương để bắt đầu sơ tán các hộ dân sống gần đập.

Sau nỗ lực gia cố vết nứt bất thành, nhà thầu bắt đầu cho xả nước một đập chính lúc 3h sáng 23/7, nhưng đến 12h, chính quyền địa phương mới ra lệnh cho người dân ở hạ lưu sơ tán. Đến 20h cùng ngày, đập phụ D bị vỡ, nhấn chìm các ngôi làng, cuốn trôi hàng trăm người cùng nhiều tài sản.

"Vụ vỡ đập Xe Pian-Xe Namnoy đặt ra những câu hỏi rất nghiêm túc về quá trình quy hoạch và quản lý các đập thủy điện ở Lào", Maureen Harris, thành viên Tổ chức Sông ngòi Quốc tế, nói. "Đây là dự án do tư nhân quản lý và tôi tin rằng nhiều dự án thủy điện khác ở Lào giờ đây cần được đặt dưới sự giám sát lập tức để tránh thảm họa tái diễn".

Lào, đất nước nghèo nhưng tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đang tham vọng trở thành "ắc quy châu Á" khi cho phép xây dựng hàng chục dự án thủy điện vốn nước ngoài trên mạng lưới sông ngòi của quốc gia này.

Tuy nhiên, những e ngại về tác động môi trường của các dự án thủy điện phục vụ xuất khẩu này hầu như không ai biết đến. Người dân trong các bản làng phải di dời, thậm chí nhiều lần, để nhường chỗ cho những con đập mà bên hưởng lợi lại là một quốc gia khác, các nhà vận động phản đối xây đập cho biết.

Khu vực bị ngập sau sự cố vỡ đập hôm 23/7 nằm ở vùng hẻo lánh, chỉ có thể tiếp cận bằng trực thăng và thuyền, còn đường sá hư hỏng nặng nề hoặc hoàn toàn bị cuốn trôi.

Lực lượng cứu hộ Thái Lan mắc kẹt ở biên giới bởi vướng mắc trong thủ tục hành chính của Lào liên quan đến việc cho phép các vấn đề cho phương tiện nước ngoài vào nội địa.

Hàn Quốc đã gửi một đội cứu trợ tới khu vực này, phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm nay cho biết.

"Dù chúng tôi vẫn đang xác định nguyên nhân gây vỡ đập, chính phủ Hàn Quốc chắc chắn sẽ không ngần ngừ mà chủ động tham gia vào nỗ lực cứu trợ tại chỗ, vì các công ty Hàn Quốc có liên quan tới công trình này", ông Moon nói.

Theo VNE

Các tin cũ hơn