Ngày 25/7, ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN& PTNT kiêm Phó trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) tỉnh An Giang vừa có công văn chỉ đạo các phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho vụ lúa hè thu, tài sản người dân trước dự báo ảnh hưởng của lũ lên, triều cường, mưa giông và sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào vào ngày 23/7.
Theo công văn này, từ nhận định của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, sự cố vỡ đập Xepian Xe Nam Noy ở Lào sẽ làm gia tăng mực nước dòng chính sông Mekong đoạn từ Stung Treng xuống đến Kratie và khi xuống đến Tân Châu và Châu Đốc mức độ gia tăng mực nước chỉ dưới 5cm, ảnh hưởng đến lũ Đồng bằng sông Cửu Long là không đáng kể.
Công văn của Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh An Giang trong công tác ứng phó với mưa lũ, triều cường và sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào vào ngày 23/7 vừa qua |
Ngoài ra, theo dự báo số của Đài khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, lũ thượng nguồn sông Mekong về kết hợp với đợt triều cường, mực nước khu vực đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu, Châu Đốc sẽ lên nhanh trong những ngày tới. Đến cuối tháng 7, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng lên mức 3.20m, trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 2.80m, cao hơn 0.2-0.4m so với cùng kỳ năm 2017.
Ngoài ra, công văn còn nêu rõ: việc vỡ đập Thủy điện ở Lào ảnh hưởng không đáng kể đến Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng khả năng bắt đầu từ ngày 25/7/2018 sẽ vào chu kỳ triều cường cuối tháng 7 (dự kiến triều cường đạt đỉnh vào ngày 31/7/2018) nguy cơ cao xảy ra ngập lũ cho diện tích sản xuất ở vùng trũng thấp và vùng sản xuất lúa 2 vụ ngoài đê bao.
Ngoài việc kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ duy tu, gia cố đê bao, Tỉnh An Giang còn chỉ đạo các ngành chức năng giúp dân thu hoạch diện tích lúa đang bị ngập nước... |
Để chủ động ứng phó với đợt nước lên do triều cường và các tình huống mưa, giông, lốc trong mùa mưa lũ ảnh hưởng đến sản xuất lúa Hè Thu và Thu đông năm 2018, Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh đề nghị Thành viên Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, Ban chỉ huy PCTT & TKCN các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình nước lên, triều cường, lũ để kịp thời cảnh báo, chủ động có biện pháp, phương án ứng phó hiệu quả, đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của người dân an toàn trong mùa mưa, lũ.
Đồng thời, kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho hệ thống đê bao, các khu vực trọng điểm sạt lở bờ sông xung yếu, các công trình đang thi công, chống ngập đô thị do ảnh hưởng của nước dâng và triều cường.
Ngoài ra, triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các ngành và địa phương, trước mắt bảo vệ sản xuất vụ Hè Thu thu hoạch trọn vẹn, chuẩn bị cho sản xuất vụ Thu Đông, bảo vệ tài sản và tính mạng nhân dân.
Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện gia cố đê bao, duy tu cống bửng, đặc biệt là các đê bao xung yếu… Khẩn trương thu hoạch diện tích lúa ngoài đê bao và không được để dân xuống giống vụ Thu Đông ở những vùng đất không ăn chắc.
Tổ chức trực ban, kiểm tra, thống kê nhà cửa, rau màu... bị ảnh hưởng, thống kê báo cáo về Văn phòng Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh.
Theo Dân Trí