|
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng (giữa) phát biểu tại buổi làm việc |
Sáng 7.8, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng dẫn đầu đoàn công tác T.Ư khảo sát kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã làm việc với Thành ủy TP.HCM.
Tham dự đoàn công tác có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, về phía TP.HCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.
Mở đầu buổi làm việc, với vai trò chủ trì ông Võ Văn Thưởng gợi ý mấy vấn đề để đại biểu trao đổi, trong đó ông nhấn mạnh việc thời gian qua cả nước rộ lên vấn đề thi cử.
Theo ông Thưởng, tuy cuộc làm việc này chỉ bàn trao đổi những vấn đề của Nghị quyết 29 nhưng trong nghị quyết có đề cập đến vấn đề đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp phổ thông theo hướng giảm áp lực, tốn kém cho xã hội mà vẫn đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực.
“Vừa rồi một số địa phương tuy là ít thôi nhưng cũng làm cho xã hội băn khoăn. Ý các đồng chí nên trao đổi về vấn đề này như thế nào? Nhân dịp này một số người nêu nên bỏ kỳ thi này lấy kỳ thi kia, các đồng chí thấy vấn đề này ra sao?", ông Thưởng nói.
|
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn phát biểu |
Trả lời sự gợi ý này, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay trước đây thành phố từng có đề xuất cho phép thành phố tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Lãnh đạo Sở hoàn toàn chịu trách nhiệm trước UBND TP.HCM về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo ông Sơn, trên cơ sở điểm thi đó, các trường đại học đủ tin tưởng để có thể tổ chức xét tuyển, thi tuyển vào trường của mình. Tất nhiên, bởi luật quy đinh nên bắt buộc phải có kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Đây là quan điểm của Sở để bảo đảm chất lượng thi nghiêm túc và an toàn, đảm bảo công bằng cho thí sinh của TP.HCM khi tham gia thi tuyển, xét tuyển vào các trường đại học”, ông Sơn khẳng định.
Điều mà ông Sơn nêu như trên cũng được TP.HCM đưa vào phần kiến nghị trong báo cáo về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 gửi các đại biểu.
|
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân (phải) trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ |
Về vấn đề thi cử, ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay do mình mới về thành phố nên chưa có điều kiện đánh giá sâu việc này nhưng từ thời ông làm Phó chủ tịch UBND TP.HCM thì thấy thành phố luôn có truyền thống thi cử nghiêm túc trong nhiều đời lãnh đạo Sở GD-ĐT. Việc thi cử nghiêm túc này góp phần đào tạo nhân sự chất lượng cho thành phố.
Về phương thức thi, ông Nhân cho hay sẽ còn phải thảo luận thêm nhưng bản thân ông khẳng định đã có học là phải thi, nếu không thi sẽ làm mất động lực học.
“Không thi sẽ không biết người ngoài so sánh mình đến đâu cả”, ông Nhân nói. Hiện kỳ thi THPT Quốc gia đang áp dụng “2 trong 1”. Cá nhân ông đánh giá nên giữ cách thức như vậy nhưng cần phải thi cử nghiêm túc, khắc phục yếu kém.
Trước nhiều vấn đề của giáo dục TP.HCM lẫn cả nước được đại biểu nêu lên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu, tại cuộc làm việc này lãnh đạo Bộ chỉ lắng nghe, tiếp thu để sau đó tổng hợp với các địa phương khác để đánh giá, báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29.
Theo Thanh Niên