|
Người dân xã Kim Thượng xôn xao về căn bệnh HIV bất thường tại địa phương |
Ngay ở xã miền núi Kim Thượng (H.Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ), những ngày này người dân ở đây túm tụm bàn luận về căn bệnh HIV khi nhiều người được xét nghiệm ngẫu nhiên sửng sốt nhận kết quả thông báo “dương tính”.
Đi khám phổi ra... HIV
Chúng tôi gặp ông Hà Đình Bế ở tiệm tạp hóa của nhà con dâu ngay đầu xóm Nhàng, xã Kim Thượng, giữa buổi chiều 13.8. Khoảng giờ này ngày thường, người dân đều đi rừng, lên nương làm việc. Nhưng hôm nay, câu chuyện bên chén trà với gần chục phụ nữ vẻ mặt trầm ngâm lo lắng, xoay quanh căn bệnh HIV/AIDS. “Đúng là sau khi hay tin, tư tưởng và tinh thần người dân hoang mang, dao động không màng đến chuyện làm ăn”, ông Bế nói.
Trong số trường hợp nhiễm HIV ở Kim Thượng, bà Hà Thị G. (59 tuổi) là trường hợp khá đặc biệt. Khoảng vài tháng gần đây, bà bỗng dưng sút cân không rõ nguyên nhân, người mệt mỏi, thi thoảng có bị ho nhẹ. Đầu tháng 6 vừa qua, bà được gia đình đưa tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ điều trị. Qua 10 ngày điều trị ở đây, bà G. và người thân sững sờ khi nhận kết quả chẩn đoán bị viêm phổi, nấm miệng và dương tính với vi rút HIV. “Tôi cũng không hiểu mình lây nhiễm HIV từ đâu và từ bao giờ, nhưng may mắn là qua kiểm tra người thân trong gia đình đều âm tính với vi rút”, bà G. nói.
Có chung thắc mắc như bà G. là chị Phạm Thị D., sau khi trải qua cảm giác sững sờ vì tin con gái út Hoàng Thị Q. (18 tháng tuổi) bị nhiễm HIV. Chị D. cho biết đợt xét nghiệm sàng lọc đầu tiên vào khoảng đầu tháng 6, cả gia đình 4 người được cán bộ y tế đến tận nhà lấy mẫu máu. Nhưng sau đó, gia đình chị có thêm một lần lấy máu xét nghiệm tại trạm y tế xã. “Cách đây vài hôm, tôi được cán bộ y tế gọi lên thông báo con gái bị nhiễm HIV và ngày 15.8 là đợt lấy thuốc điều trị đầu tiên, trong khi vợ chồng và con cả đều âm tính”, chị D. bàng hoàng kể lại.
Theo chị D., mỗi khi ốm đau, bệnh tật chị đều mang con đến nhà y sĩ Th. - một cán bộ y tế tại H.Tân Sơn, để khám và điều trị.
Chưa đủ kết luận lây nhiễm qua dùng chung kim tiêm
Trước “nghi án” lây HIV do dùng chung kim tiêm tại phòng khám của y sĩ Th. mở ở nhà, chiều 13.8, UBND tỉnh Phú Thọ và đoàn công tác của Bộ Y tế đã có cuộc gặp báo chí để thông tin về sự việc.
Ông Hà Kế San, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, thông tin hiện cơ quan chức năng của tỉnh chưa thể khẳng định được nguyên nhân nào là chủ yếu dẫn tới phát hiện số ca nhiễm HIV tại xã Kim Thượng. “Ngay cả các chuyên gia cũng chưa thể khẳng định được”, ông San nói.
PGS-TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho rằng với xã miền núi hơn 6.000 người và con số 42 người được phát hiện nhiễm HIV là tương đối cao, nhưng chưa thể xác định được đây là số người nhiễm HIV mới hay tích lũy hằng năm. Cá nhân ông Long cho rằng đây là con số tích lũy, vì trong những người mới phát hiện có người đã chuyển sang giai đoạn AIDS tương đối nặng. “Thông thường từ khi bị nhiễm đến khi có thể phát hiện được bằng xét nghiệm thì mất khoảng 3 tháng. Còn khi chuyển sang giai đoạn AIDS và nặng thì tùy từng người, trung bình 5 - 7 năm. Cho nên nhiều khả năng số người bị nhiễm HIV được ghi nhận là con số tích lũy”, ông Long phân tích.
Về nguyên nhân lây nhiễm, PGS-TS Nguyễn Hoàng Long cho rằng có nhiều đường, nguồn lây nhiễm khác nhau qua đường máu tiêm chích, đường tình dục không an toàn, tiếp xúc chất tiết của cơ thể người nhiễm... “Với tất cả thông tin hiện có, chúng tôi chưa đủ cơ sở để kết luận hoặc định hướng bất cứ một nguồn lây nào cả. Khi chúng ta thấy một người nhiễm và bây giờ đã chuyển qua giai đoạn AIDS chứng tỏ đã nhiễm nhiều năm và quay trở lại tìm nguyên nhân thì nghiên cứu cần nhiều thời gian khảo sát đánh giá toàn diện”, ông Long nói và cho biết trong ngày 13.8 đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thăm một số trường hợp bị nhiễm HIV để nắm tình hình.
Y sĩ Th. không được cấp phép khám bệnh ngoài giờ
Thông tin về phòng khám của y sĩ Th. tại xã Kim Thượng (H.Tân Sơn), ông Lê Quang Thọ, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, cho biết từ năm 2013 y sĩ Th. đã được Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Bộ Y tế. Nhưng y sĩ này không được cấp phép để hành nghề y tế ngoài giờ hành chính tại gia đình. Việc khám bệnh cho bà con ở địa phương chỉ là hành động tương thân tương ái giúp đỡ giữa dân làng với nhau. Cũng theo ông Lê Quang Thọ, hiện cơ quan chức năng cũng chưa thể thống kê đã có bao nhiêu người dân từng khám bệnh tại nhà của y sĩ Th. để tiến hành điều tra sàng lọc.
|
Theo Thanh Niên