“Bước đột phá” khi phiên bản dự thảo bộ quy tắc ứng xử Biển Đông COC được thông qua khiến Bắc Kinh cho rằng đã có thể khiến ASEAN im lặng trước các hoạt động quân sự hóa trong khu vực, theo nhà phân tích Collin Koh – đến từ chương trình an ninh hàng hải, Viện nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học công nghệ Nanyang, Singapore.
Tuy nhiên, ông cho rằng Bắc Kinh sẽ không thể sử dụng COC để làm suy yếu mối quan hệ của Mỹ và các nước ASEAN.
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương. (Ảnh: U.S. Navy) |
Ngày 3/8/2018, tại Singapore, Ngoại trưởng của 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng người đồng cấp Trung Quốc đã thống nhất về một “Văn bản Đàm phán Dự thảo duy nhất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông”, trong đó có đề xuất của Trung Quốc về việc các bên sẽ thông báo cho nhau nếu có hoạt động quân sự lớn tại khu vực, và sẽ “không tổ chức tập trận chung với các nước ngoài khu vực, trừ khi các bên liên quan được thông báo trước và không có sự phản đối nào.”
Theo ông Collin Koh, Bắc Kinh có thể coi đây là chiến lược mới nhất trong các đối sách lâu dài nhằm chống lại những gì họ luôn cho là “sự can thiệp từ bên ngoài” tại Biển Đông, cùng lúc đó đưa ra một lời phủ nhận đối với các hoạt động tự do hàng hải của hải quân Mỹ trong khu vực, những hoạt động Trung Quốc luôn xem là mối đe dọa với “lợi ích an ninh quốc gia” của mình.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích, “bước đột phá” chưa thực sự phản ánh bất kỳ sự đồng thuận nào giữa ASEAN và Trung Quốc.
Ông Koh nhận định, đối với một xung đột phức tạp và mất nhiều thời gian để cụ thể hóa phương án giải quyết như Biển Đông, trách nhiệm quản lý các tranh chấp một cách hòa bình và ổn định thuộc về tất cả các bên. Dù họ đã thống nhất việc giải quyết xung đột sẽ chỉ có sự tham gia của chính những bên liên quan, cần phải lưu ý rằng Biển Đông là một tuyến hàng hải quốc tế.
Vì vậy, việc loại bỏ bất kỳ quốc gia nào ra khỏi những vùng biển khu vực này, đặc biệt là hoạt động hải quân sẽ là không thể. Đề xuất của Trung Quốc liên quan đến hoạt động tập trận với “nước ngoài” cũng khó có khả năng được chấp nhận rộng rãi trong khu vực.
Ông Collin Koh cho rằng không chỉ Trung Quốc, một số nước ASEAN cũng có cách hiểu riêng về quyền, nghĩa vụ và phạm vi tự do có được dưới sự bảo trợ của Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển, điều đó bao gồm các hoạt động quân sự nước ngoài được thực hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của các bên. Dù vậy có rất ít tuyên bố từ ASEAN, dù với tư cách toàn khối hay cá nhân, nói về hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông cho đến nay.
Vì thế trong tương lai gần, hoạt động “liên minh ý trí” của các thành viên ASEAN với những thế lực nước ngoài để thực hiện tự do hàng hải có thể khó hình dung, nhưng tập trận quân sự vẫn có thể được giữ lại như quyền của mỗi quốc gia khi xét đến mối quan hệ quốc phòng an ninh lâu dài của một số nước với những lực lượng ngoài khu vực.
Nhắc đến khía cạnh này, vai trò của Mỹ không thể bị xem nhẹ. Dù vẫn còn nhiều lo ngại giữa các quốc gia ASEAN về ý định và cam kết lâu dài của Mỹ, sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á vẫn được xem là có vai trò ổn định. Hơn nữa, các nước ASEAN đã xây dựng mối liên hệ an ninh quốc phòng với quân đội Mỹ hàng chục năm. Lĩnh vực này không chỉ đơn thuần là tập trận chung và chia sẻ thông tin, đặc biệt là trong hàng hải.
Vì vậy, các nước ASEAN, bao gồm các bên liên quan đến xung đột Biển Đông, với những thiếu hụt về khả năng an ninh hàng hải, có thể tiếp tục duy trì mối liên hệ với Mỹ, tận dụng cơ hội để tìm hiểu các phương pháp tốt nhất và tăng cường tương tác thông qua tập trận chung, hướng tới duy trì ổn định.
Tàu sân bay Mỹ, ảnh minh họa: Foxtrot Alpha - Jalopnik. |
Không chỉ Mỹ, các nước ASEAN cũng có thể có thái độ tương tự với những lực lượng ngoài khu vực khác như Australia, Canada, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản và Anh. Theo nhà phân tích, những lực lượng này đem đến khu vực những chuyên gia giúp các nước trong ASEAN tăng tường khả năng an ninh hàng hải, bên cạnh đó sự hiện diện của họ ở Đông Nam Á cũng được xem là đóng góp vào hòa bình và ổn định khu vực.
Vì vậy, đề xuất của Trung Quốc với bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông có vẻ đã "quá đà", khi yêu cầu các quốc gia phải nhận được sự đồng ý trước khi tập trận chung với "nước ngoài". Hơn nữa đây mới chỉ là dự thảo và quá trình đàm phán để đưa ra văn bản cuối cùng sẽ còn “dài và phức tạp” – như một quan chức Trung Quốc nhận định.
Trong thời gian đó, các nước ASEAN có xu hướng sẽ tiếp tục tăng cường mối liên hệ quốc phòng và an ninh với các lực lượng ngoài khu vực, không chỉ với Mỹ.
Theo VTC